Bên cạnh một số kết quả đạt được, thực tiễn áp dụng pháp luật về đầu tư vốn của Nhà nước vào DN cho thấy vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, vấn đề sử dụng vốn tại các DN có vốn đầu tư Nhà nước.
Việc sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại các DN trong những năm qua còn nhiều sai phạm, dẫn đến hiệu quả từ việc đầu tư vốn Nhà nước mang lại còn thấp, thậm chí tình hình DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước xảy ra khá phổ biến. Trong đó đặc biệt phải kể đến những sai phạm nghiêm trọng của Vinashin và Vinalines.
Kết thúc điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại về tài chính của vụ án gần 907 tỉ đồng [19].
Đối với Vinalines, đến tháng 6/2010, tổng tài sản của Tập đoàn có khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86.000 tỷ đồng, vốn điều lệ thấp, sử dụng vốn dàn trải, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người [14], đẩy Tập đoàn bên bờ vực phá sản.
Bên cạnh đó, còn tình trạng các DN đầu tư vốn dàn trải vào các dự án, quản lý vốn nhiều sai phạm gây thất thoát vốn Nhà nước. Trường hợp của Vinashin, trong 2 năm 2006 và 2007, tổng số vốn dài hạn mà Vinashin huy động được từ các khoản vay trái phiếu quốc tế của chính phủ, từ các tổ chức tài chính quốc tế, từ trái phiếu trong nước các khoản vay khác đã lên đến trên 43.700 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD (theo tỷ giá 2007). Tuy nhiên, Vinashin đã đầu tư quá dàn trải, tham gia vào quá nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau từ đóng tàu đến vận tải biển, cảng biển, sản xuất thép, xi măng, bia, dịch vụ hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, nhập khẩu ôtô xe
máy và thậm chí cả trong lĩnh vực trồng trọt. Số dự án được sử dụng nguồn vốn 750 triệu USD trái phiếu quốc tế lên tới con số 219 dự án nên số lượng dự án dở dang nhiều, có đến 75% số dự án chưa phát huy tác dụng. Vinashin đã đầu tư tài chính dài hạn với nhiều lý do khác nhau, tính đến hết tháng 12/2007 là 4.103 tỷ đồng. Trong đó góp vốn liên doanh, liên kết 615 tỷ đồng và mua cổ phần, cổ phiếu 3.488 tỷ đồng [23]. Có thể thấy việc đầu tư dàn trải như vậy đã dẫn đến hậu quả tất yếu là không phát huy hiệu quả, đồng thời gây thất thoát vốn nghiêm trọng.
Thứ hai, vấn đề hiệu quả hoạt động của SCIC.
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được bước đầu, thực tế những năm cho thấy việc thực hiện chức năng ĐDCSH vốn Nhà nước thông qua SCIC chưa hoàn toàn có hiệu quả như mong đợi. Điều này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như: SCIC chưa đủ tầm để thực hiện chức năng ĐDCSH Nhà nước tại DN vì bản thân họ cũng chỉ là một DN; hầu hết ban lãnh đạo SCIC là kiêm nhiệm, cán bộ của SCIC chưa đủ mạnh cả về số lượng và năng lực. Trong khi đó, số lượng DN được chuyển giao cho SCIC quản lý vốn là rất lớn, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trải rộng trên khắp cả nước.
Ngoài ra, quan hệ giữa SCIC và người đại diện còn lỏng lẻo. Tính đến hết ngày 3/7/2009, có 914 người đại diện vốn Nhà nước phối hơp với SCIC thực hiện quản lý vốn Nhà nước tại DN. Trong đó, có 740 người đại diện giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành DN, chiếm 81%; 150 người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ các đơn vị thuộc các bộ, ngành địa phương, chiếm 16%; 24 người đại diện là cán bộ của SCIC chiếm 3%. Thực tế cho thấy một số người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ của các bộ, ngành, địa phương do không trực tiếp quản lý DN nên không có điều kiện nắm chắc tình hình hoạt động của DN. Do đó, chưa phát huy tốt vai trò của người đại diện, mặt khác chưa thực sự là người bảo vệ quyền lợi trực tiếp của SCIC tại DN.
Hơn thế nữa, mặc dù trung bình tỷ lệ vốn NN ở các DN chuyển giao cho SCIC chỉ chiếm 26% nhưng cũng có tới hơn 30% số DN có tỷ lệ sở hữu NN từ 50% trở lên (tính đến hết quý I/2010). Do vậy, nếu chỉ có 3% người đại diện là cán bộ của SCIC đồng thời các DN cho SCIC lại ở khắp 64 tỉnh thành thì rất khó để các DN này có thể nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực từ SCIC. Trong khi đó, với 81% người đại diện là người điều hành DN, một mặt cho thấy quyền tự chủ kinh doanh của DN được mở rộng hơn. Mặt khác, nếu cơ chế quản lý không chặt chẽ và hiệu quả thì việc sử dụng vốn tại các DN này lại theo cơ chế cũ, tức là gần như “vô chủ”. Có thể nhận thấy rằng, mặc dù SCIC có quyền lớn nhưng vì ở xa và có quá nhiều việc phải quan tâm nên hầu như các quyết định ở DN thì DN tự quyết [6]. Theo báo cáo phối kết hợp với người đại diện vốn của SCIC năm 2009, một số trường hợp người đại diện biểu quyết mà không xin ý kiến của SCIC hoặc biểu quyết khác ý kiến của SCIC, không đảm bảo quyền lợi của SCIC như: phát hành cho cổ động hiện hữu nhưng không phát hành cho SCIC, trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng trả cho SCIC bằng tiền mặt, phát hành cổ phần cho đối tượng khác theo giá thấp, quyết định đầu tư không đùng thủ tục. Cá biệt có trường hợp người đại diện không thực hiện ý kiến của SCIC vì lợi ích cá nhân (CTCP giấy Đông Anh, CT thương mại Hà Giang, CT XNK Việt Lào), lạm dùng quyền hạn trục lợi riêng, gây mâu thuẫn nội bộ làm ảnh hưởng đến DN và quyền lợi cổ đông. Một số người đại diện tại các DN còn chậm trễ trong việc đôn đốc, thu hồi công nợ về SCIC, chưa kịp thời cung cấp các báo công nợ, biên bản đối chiếu công nợ và giấy chứng nhận sở hữu cổ phần.
Thứ ba, vấn đề xử lý các DN làm ăn thua lỗ.
Theo quy định của Luật DN, Luật Phá sản DN, đối với những DN làm ăn thua lỗ kéo dài, lâm vào tình trạng phá sản (không thanh toán được các khoản nợ đến hạn), đã áp dụng các biện pháp phục hồi mà không khắc phục được thì DN ấy phải chấm dứt hoạt động (phá sản). Tuy nhiên, thực tế là hầu
như chưa có DN nào thuộc khu vực Nhà nước tuyên bố phá sản dù có những DN sai phạm nghiêm trọng, thua lỗ kéo dài? Cái tên Vinashin như một điển hình “tồi tệ nhất” mà vẫn không phá sản. Rõ ràng điều này không đảm bảo một thị trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đơn cử như trường hợp củaVinashin, ngày 12/3/2013, Vinashin đã nhận được sự đồng ý của chủ nợ, nắm giữ 75% số nợ 600 triệu USD, hoán đổi nợ. Toàn bộ nợ được Vinashin đề xuất hoán đổi thành 623 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1% năm, có sự bảo lãnh của bộ Tài chính Việt Nam [21]. Đề xuất này đã mang lại cho các chủ nợ nước ngoài một “thắng lợi” kép. Khi khoản nợ chuyển thành trái phiếu, chính thức được bộ Tài chính bảo lãnh. Giả sử đến ngày đáo hạn mà Vinashin không trả được thì bộ Tài chính trả. Bộ Tài chính lấy tiền ở đâu trả nếu không phải từ ngân sách Nhà nước?
Thứ tư, về công tác báo cáo, công khai tài chính của DN có sử dụng vốn
đầu tư Nhà nước.
Mặc dù pháp luật quy định về nghĩa vụ báo cáo, công khai tài chính của các DN nhưng việc đảm bảo tính trung thực, chính xác của các báo cáo tài chính là một vấn đề đáng lưu ý.
Ví dụ điển hình là trường hợp của Vinashin: Theo tổng hợp đăng ký kinh doanh vốn điều lệ của toàn tập đoàn đến hết năm 2007 là 23.131 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã chỉ ra, tổng số nguồn vốn kinh doanh được phản ánh trên báo cáo tài chính của Tập đoàn tại thời điểm 31/12/2007 chỉ là 7.022 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ thực có của Tập đoàn trên thực tế chỉ bằng 31%, còn thiếu so với số vốn đã đăng ký là 69% (tương đương 17.112 tỷ đồng). Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy số nợ của Vinashin lên tới gần 19.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt 10,9 lần. Số nợ quá hạn của Vinashin xấp xỉ 3.900 tỷ đồng. Song báo cáo tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2009 của Vinashin cho biết đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm
với lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt khoảng 1.000 tỷ đồng [23].
Thứ năm, vấn đề trả lương cho ban lãnh đạo DN.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 51/2013/NĐ-CP, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 50/2013/NĐ-CP, cơ chế quản lý tiền lương của DN có 100% vốn Nhà nước có 2 quỹ tiền lương: quỹ tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương của ban điều hành. Hàng năm, quỹ tiền lương của ban điều hành phải được UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt. Còn tiền lương của người lao động thì hưởng theo đơn giá. Điều 7 Nghị định 50/2013/NĐ-CP quy định không được sử dụng quỹ tiền lương của NLĐ để trả cho thành viên Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng. Tuy nhiên, quy định này đang bị một số DNNN vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt là vụ vi phạm chi “lương khủng” cho cán bộ quản lý ở 4 công ty công ích ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua.
Theo quy định, ban điều hành của công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước phải được xây dựng quỹ lương riêng, tối đa không vượt mức 36 triệu đồng/tháng. Nhưng tại 4 DN công ích là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh lương ban điều hành được trích từ quỹ lương khối gián tiếp, các lãnh đạo lại nhận mức lương cả tỷ đồng/năm [24]. Nguyên nhân chính là do những sai phạm của các DN còn phải kể đến lỗ hổng trong cơ chế quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, không có sự rõ ràng cũng như giám sát chặt chẽ trên cơ sở những nguyên tắc tài chính Nhà nước là quỹ để trả lương cho Ban điều hành bao nhiêu phần trăm từ nguồn ngân sách, bao nhiêu phần trăm từ lợi nhuận thu được do làm ăn hiệu quả. Không có sự kiểm tra đối với nguồn tiền các DN có được khi cùng với việc thực hiện nhiệm vụ còn tiến hành làm thêm các hợp đồng công việc “ngoài ngành”.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 2
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý đối với DN có vốn đầu tư Nhà nước, thời gian qua các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này không ngừng được sửa đổi, ban hành mới. Một cách tổng quát, pháp luật về đầu tư vốn của Nhà nước vào các DN đã quy định tương đối bao quát và đầy đủ về các nội dung liên quan. Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn chưa được pháp luật quy định cụ thể, nhiều quy định chưa thực sự phù hợp từ đó dẫn đến thực thi pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước vào DN còn nhiều bất cập, sai phạm.
Những hạn chế, bất cập trên đây là bằng chứng cho thấy những “lỗ hổng” thật sự đang tồn tại trong pháp luật hiện hành về đầu tư vốn Nhà nước vào DN cũng như tình trạng yếu kém trong tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước vào DN ở Việt Nam. Đây chính là cơ sở thực tiễn để đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước vào DN - một trong những vấn đề được xem là nan giải nhất trong quản lý vốn đầu tư của Nhà nước cũng như cải cách khu vực kinh tế Nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Chƣơng 3