Ngoài việc xây dựng và ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN nhằm pháp điển hóa các quy định về đầu tư vốn Nhà nước tại DN, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số đạo luật có liên quan đến hoạt động
đầu tư vốn Nhà nước vào DN như Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật DN.
Hiện nay, Luật DN điều chỉnh chung đối với tất cả các loại hình DN. Điều này đảm bảo sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa DN có vốn Nhà nước và các DN khác. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ, của DN có vốn đầu tư của Nhà nước cũng như nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào DN vốn có nhiều khác biệt so với các DN thuộc thành phần kinh tế khác, do vậy, cần có quy định bổ sung về loại hình kinh tế này trong Luật DN. Theo đó, Luật DN phải bổ sung một chương quy định cụ thể về DNNN, từ việc tổ chức bộ máy, quản lý tài chính, hiệu quả sản xuất - kinh doanh… đến tổ chức thi tuyển lãnh đạo của DNNN.
Mặt khác, như đã nói trên, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư còn đưa ra định nghĩa khác nhau về vốn Nhà nước, đồng thời cách xác định vốn Nhà nước ở cả hai văn bản này đều không phù hợp. Theo đó, vốn Nhà nước cần được xác định như Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình SCIC.
Từ những phân tích ở Chương 2 cho thấy, sự ra đời của SCIC góp phần xóa bỏ cơ chế cấp phát vốn Nhà nước chuyển sang kinh doanh vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, SCIC chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình rõ ràng yêu cầu đặt ra là cần đổi mới mô hình hoạt động của SCIC. SCIC cần khuôn khổ hoạt động độc lập, theo cơ chế thị trường, tách bạch đầu tư với các quyết định hành chính và tiến tới mô hình kinh doanh minh bạch, dễ đánh giá.
Tuy đã đi vào hoạt động từ năm 2006, song cho đến nay các quy định của pháp luật về hoạt động của SCIC vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập và hầu hết vẫn thực hiện dưới hình thức thí điểm. Để nâng cao chất lượng hoạt động của SCIC cần hoàn thiện một số quy định pháp luật sau:
Một là, về hình thức pháp lý của công ty đầu tư và kinh doanh vốn
Nhà nước.
Như đã phân tích tại chương 2, theo pháp luật hiện hành, công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước hiện nay được thiết kế dưới mô hình công ty TNHH. Cần xác định hình thức pháp lý của SCIC là CTCP, trong đó Nhà nước là cổ đông chiếm phần vốn góp chi phối. Với hình thức này sẽ giúp cho Nhà nước có thể huy động được các nguồn vốn khác không thuộc vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết. Từ đó vừa thực hiện được mục tiêu của Nhà nước vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước [9]. Nhà nước vẫn nắm giữ được quyền chi phối với công ty vì là cổ đông lớn nhất của công ty. Mặt khác, với hình thức này Nhà nước không còn đóng vai trò là cơ quan quản lý hành chính - kinh tế với chức năng là chủ sở hữu mà đóng vai trò là cổ đông của DN. Từ đó tránh được tình trạng công ty đầu tư theo mệnh lệnh hành chính, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư theo quy luật thị trường. Đồng thời, với hình thức này quan hệ tài sản sẽ được xác định
rành mạch, phân định rõ quyền sở hữu cuối cùng (thuộc Nhà nước), quyền sở hữu pháp nhân, quyền sở hữu cổ phần và quyền kinh doanh của DN. Lựa chọn mô hình này cũng giúp Nhà nước chia sẻ được trách nhiệm với các cổ đông khác khi có rủi ro xảy ra bởi Nhà nước không còn nắm giữ 100% vốn điều lệ của DN…
Tuy nhiên, để tránh những hạn chế dưới hình thức pháp lý là CTCP như dễ dàng nảy sinh sự phân hoá và tranh chấp lợi ích giữa các nhóm cổ đông khác nhau, pháp luật phải có sự điều chỉnh chặt chẽ và phù hợp đối với công ty này. Tránh nguy cơ vốn Nhà nước được sử dụng để đầu tư vào các DN sẽ trở thành vốn của những người nắm thực quyền trong công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, từ đó Nhà nước mất vốn hoặc định hướng của Nhà nước không được thực hiện. Điều này đòi hỏi pháp luật phải có những quy định tạo cơ chế kiểm soát đối với những người nắm quyền lãnh đạo, điều hành công ty. Đồng thời phải có các quy định, đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn cho các chủ sở hữu vốn, trong đó trước hết là chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về quyền kinh doanh của SCIC.
Hạn chế của SCIC hiện nay là quyền kinh doanh chưa đảm bảo nguyên tắc tự chủ, SCIC là chủ thể kinh doanh nhưng lại chưa thực sự được hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, quyền tự chủ bị thu hẹp, vẫn còn nhiều sự can thiệp hành chính từ phía Nhà nước. Để nâng cao hoạt động của SCIC cần tiến tới xóa bỏ cơ chế xin phép và thay vào đó là SCIC phải xây dựng một định hướng kế hoạch, cấp trên sẽ duyệt định hướng kế hoạch này và trao cho SCIC quyền được thực thi định hướng kế hoạch đó tùy theo tình hình thị trường. Từ đó vừa tranh lại sự ỷ lại, không tự chịu trách nhiệm của SCIC vừa nắm bắt được cơ hội kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần tiến tới quy định mở rộng thẩm quyền đầu tư cho SCIC bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có thể phân tích trường hợp của công ty quản lý vốn Nhà nước Temasek (Singapore) để rút ra một số kinh nghiệm cho việc xây dựng mô hình SCIC ở Việt Nam. Temasek được thành lập từ năm 1974, với tư cách pháp lý là một công ty. Chính phủ cam kết về mặt chính sách là để Temasek hoạt động trên cơ sở thương mại, hoàn toàn tách biệt với vai trò lập pháp hay phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng Temasek không chịu sự điều hành của Nhà nước với hoạt động đầu tư, thoái vốn hay bất kỳ quyết định kinh doanh nào khác.
Temasek đầu tư trên nguyên tắc thương mại, với tư cách là chủ sở hữu tài sản. Chiến lược đầu tư của họ ưu tyên cho thanh khoản cao, với tiền mặt ròng khá lớn; sẵn sàng chớp cơ hội đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu Temasek (hiện 11 trái phiếu đang lưu hành của họ được xếp hạng AAA). Danh mục đầu tư mạnh cho phép Công ty phát hành quyền và tái cấp vốn; bảng cân đối tài sản lành mạnh cho phép linh hoạt tối đa. Temasek được xếp hạng tín nhiệm AAA bởi Standard&Poor‟s và Moody‟s. Điều lệ Công ty được công khai, báo cáo thường niên của Temasek được phát hành ra công chúng từ năm 2004… Kết quả đầu tư hiệu quả của Temasek được thể hiện qua việc giá trị danh mục đầu tư của họ tăng gấp đôi trong 7 năm và đạt 193 tỷ USD vào năm 2011. Với mạng lưới và quan hệ của mình, Temasek tiến cử các cá nhân có năng lực tham gia HĐQT các công ty, nhằm chia sẻ về các quy trình hoạt động của HĐQT cũng như cách thực hành tốt nhất. Trong những năm 1980, Temasek khởi động việc cổ phần hóa các công ty trong danh mục đầu tư của mình và thoái vốn tại một số công ty này. Trong những năm 1990,Chính phủ Singapore đã chuyển đổi mô hình hoạt động của các cơ quan kinh tế sang mô hình DN, rồi chuyển cho Temasek quản lý. Một số công ty được chuyển đổi này sau đó đã niêm yết thành công, đơn cử như Singpower. Các công ty trực thuộc Temasek được tái cơ cấu quyết liệt và nhanh chóng,
giám đốc được chọn từ khu vực tư nhân, có uy tín và thành tích. Những DN này chỉ duy trì một số đặc quyền trong thời gian nhất định, ví dụ Singapor Airlines, Kepper Coop. Bằng cách này, các công ty liên quan đến Chính phủ có thể huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh; công chúng được sở hữu các DN lớn ở Singapore [22].
Rõ ràng định hướng để triển khai cụ thể việc quản lý vốn không đơn giản, nhất là khi Việt Nam vẫn còn nhiều tranh luận về mô hình của cơ quan quản lý vốn Nhà nước.
Ba là, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác
- Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề đầu tư vốn ra ngoài ngành của DNNN. Theo đó, cần quy định rõ tỷ lệ khống chế vốn đầu tư ra ngoài ngành trong Nghị định số 71/2013/NĐ-CP;
- Nghị định 61/2013/NĐ-CP cần quy định rõ hơn về cơ chế chịu trách nhiệm của DN, lãnh đạo DN khi không thực hiện đúng nghĩa vụ công bố, công khai thông tin. Tách bạch rõ ràng cơ chế giám sát DN của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, Nghị định chỉ nên quy định những vấn đề mang tính đặc thù trong cơ chế giám sát đối với DN có vốn đầu tư của Nhà nước, những nội dung giám sát mang tính quản lý Nhà nước sẽ được quy định chung trong văn bản quy định về giám sát đối với mọi loại hình DN.