Như đã phân tích ở trên, Nhà nước đầu tư vốn vào các DN thông qua việc phân công, phân cấp cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức có thẩm quyền. Do vậy, pháp luật phải quy định rõ về các chủ thể có thẩm quyền quyết định đầu tư và chủ thể trực tiếp thực hiện việc đầu tư.
Trên thế giới có hai mô hình chủ thể thực hiện việc đầu tư vốn Nhà nước vào DN, đó là mô hình đầu tư thông qua các cơ quan Nhà nước hoặc mô hình đầu tư thông qua tổ chức kinh tế chuyên thực hiện đầu tư vốn Nhà nước.
Đối với mô hình đầu tư vốn thông qua các cơ quan Nhà nước, thường được thực hiện dưới hình thức cấp phát vốn, theo đó cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuyển giao vốn cho DN dựa trên kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt. Các cơ quan Nhà nước này có thể là cơ quan quản lý ngành (các bộ) hoặc UBND cấp tỉnh. Việc các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc đầu tư vốn Nhà nước dễ làm cho quan hệ đầu tư mang tính chất hành chính cùng với đó là sự trùng lặp, chồng chéo trong công tác quản lý do cơ quan thực hiện đầu tư, quản lý vốn cũng chính là cơ quan quản lý Nhà nước đối với DN, người thực hiện đầu tư vốn Nhà nước là cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả đầu tư không cao; đồng thời làm cho vấn đề xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.
Đối với mô hình thứ hai, Nhà nước sẽ thành lập tổ chức kinh tế chuyên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại các DN. Để đảm bảo cho tổ chức này hoạt động có hiệu quả, tổ chức phải được thành lập dưới dạng DN có tư cách pháp nhân độc lập để thực hiện việc đầu tư vốn Nhà nước theo các nguyên tắc và quy luật của thị trường.