Việc quy định đầy đủ, khoa học, đảm bảo tính khả thi về địa vị pháp lý của Thẩm phán sẽ góp phần:
Thứ nhất, khẳng định vị trí, vai trò của Thẩm phán trong cơ cấu tổ chức của Tòa án: Việc nghiên cứu địa vị pháp lý của Thẩm phán giúp phân biệt cụ thể, rõ ràng thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ của Thẩm phán. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán cũng là cơ sở để quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng xét xử và các bộ phận khác của Tòa án như Thư ký, Thẩm tra viên… nhằm tránh việc quy định trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, giữa thành viên và cơ quan…
Thứ hai, khẳng định vị trí, vai trò của Thẩm phán so với các chức danh khác trong hệ thống các chức danh của ngành Tư pháp: Thẩm phán là một chức danh đặc biệt được nhà nước giao nhiệm vụ quyền hạn trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự, hành chính hay những vụ việc dân sự. Việc xác định cụ thể, khoa học nhiệm vụ của Thẩm phán cũng là cơ sở pháp lý để cá nhân Thẩm phán chủ động trong hoạt động xét xử của mình. Đồng thời, những quy định này cũng là căn cứ giới hạn hành vi pháp lý của Thẩm phán, là công cụ ràng buộc Thẩm phán không cho phép Thẩm phán ra những bản án, phán quyết mang tính chất lạm quyền…
Thứ ba, việc quy định địa vị pháp lý của Thẩm phán còn là căn cứ xác định trách nhiệm của cá nhân Thẩm phán khi người này thực hiện hành vi tố tụng không theo đúng chuẩn mực mà các văn bản pháp luật đã quy định, gây ra oan sai cho bị can, bị cáo, gây ra thiệt hại cho đương sự thì người này phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009.
Thứ tư, bên cạnh những ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm, nâng cao ý thức thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán trong hoạt động xét xử. Việc nghiên cứu, quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán được coi như một hoạt động vinh danh chức danh này. Dựa trên những tiêu chí tuyển chọn, bổ nhiệm ngặt nghèo, cá nhân được lựa chọn bổ nhiệm làm Thẩm phán phải là cá nhân được xã hội thừa nhận là người "tài đức vẹn toàn". Từ đó, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nói chung, trong cơ quan Tòa án nói riêng, sẽ lấy tiêu chí trở thành Thẩm phán là động lực học tập, công tác của họ.
Với những lợi ích nói trên, hoạt động nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn những giải pháp phù hợp để hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán là hoàn toàn cần thiết. Hoạt động này cần được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục. Trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ, tác giả sẽ cố gắng xác định rõ cơ sở ghi nhận địa vị pháp lý; cơ chế bảo đảm thực thi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong hoạt động tố tụng tại Việt Nam.