CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN NƢỚC NGOÀI
Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài có nhiều ý nghĩa quan trọng, vì vậy ngay từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước bên cạnh việc ký kết các điều ước quốc tế, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật trong nước điều chỉnh về vấn đề này, gồm các văn bản sau:
Thứ nhất, Thông tư số 11/TATC ngày 12/7/1974 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về nguyên tắc và thủ tục trong việc giải quyết những việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Nội dung phần IV thông tư quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài. Thông tư là văn bản đầu tiên của pháp luật Việt Nam đưa ra các nguyên tắc, trình tự, thủ tục về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài. Tuy nhiên, thông tư này có phạm vi hẹp, chỉ áp dụng trong vấn đề ly hôn mà không cho phép áp dụng trong các vấn đề dân sự khác. Theo thông tư việc xem xét công nhận hay không công nhận cần nhằm vào những điểm sau đây:
- Về vụ kiện tòa án nước ngoài đã xét xử theo pháp luật của ta thì tòa án nước ngoài này có thẩm quyền hay không;
- Trong quá trình điều tra và xét xử, tòa án nước ngoài đã đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của các bên đương sự không;
- Bản án đó đã có hiệu lực chưa;
- Về vụ kiện này đã có một bản án nào đã có hiệu lực do một tòa án nhân dân của ta đã xét xử không, hoặc do một tòa án của nước khác đã xét xử và được tòa án nhân dân có thẩm quyền của ta công nhận hay không;
- Bản án của tòa án nước ngoài đã áp dụng có đúng luật thích ứng với nội dung vụ việc hay không;
- Quyết định trong bản án của tòa án nước ngoài có trái với các nguyên tắc căn bản của pháp luật nước ta hay không; có gì làm thiệt hại đến lợi ích chính đáng của công dân ta hay không; có điểm nào trong phần quyết định có thể chấp nhận được và có điểm nào không thể chấp nhận.
Sau khi xem xét, cân nhắc các điểm trên đây, nếu thấy bản án của tòa án nước ngoài có thể công nhận được về toàn bộ hoặc về những phần quyết định thì lúc đó tòa án nhân dân có thẩm quyền mới ra quyết định công nhận và cho thi hành.
Thứ hai, Thông tư liên bộ số 139-TT/LB ngày 12/3/1984 giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân tối cao, Bộ nội vụ, Bộ ngoại giao về việc thi hành các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về vấn đề dân sự, gia đình, hình sự giữa nước ta với các nước. Theo quy định của thông tư, Tòa án Việt Nam sẽ được phép công nhận và cho thi hành ở nước ta những bản án, quyết định dân sự và biên bản hòa giải của tòa án các nước ký kết khác về vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình và lao động, những quyết định về bồi thường trong các bản án hình sự, những quyết định của các cơ quan có thẩm quyền nước ký kết giải quyết vấn đề có liên quan đến thừa kế và những quyết định về án phí.
Thứ ba, Pháp lệnh Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam ngày 17/4/1993 Ủy ban thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh là văn bản quy phạm pháp luật riêng, đầu tiên của Việt Nam về vấn đề này. Pháp lệnh gồm 26 Điều được chia làm 4 chương, quy định một loạt các vấn đề mới từ góc độ lý luận và thực tiễn về công nhận và cho thi hành. Pháp lệnh là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tư pháp tiến hành việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định của pháp lệnh, Tòa án Việt Nam chỉ xem xét để công nhận và thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trong các trường hợp sau:
a) Bản án, quyết định của tòa án nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về vấn đề này.
b) Bản án, quyết định được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành [42].
Thứ tư, Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Việc ban hành thông tư đã góp phần làm rõ thêm và giúp cho các quy định của Pháp lệnh đi vào thực tiễn. Cùng với Pháp lệnh, Thông tư số 04 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tư pháp Việt Nam tiến hành việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ năm, Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông ngày 15/6/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2005. Trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phần thứ sáu của Bộ luật quy định khá đầy đủ và có hệ thống về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
Ngoài các văn bản trên, Nhà nước ta còn ban hành một số văn bản khác có liên quan đến việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài như:
Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 28/8/1989, Pháp lệnh này đã được sửa đổi nhiều lần (năm 1993, năm 2004), đến ngày 14/11/2008 đã được nâng thành Luật Thi hành án dân sự. Các văn bản trên đều quy định những bản án, quyết định được thi hành tại Việt Nam bao gồm "... bản án, quyết định của dân sự của tòa án nước ngoài…đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam".
Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về Án phí, lệ phí Tòa án. Ngày 27/02/2009 Nghị định này đã được nâng thành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Các văn bản này đều quy định về mức lệ phí, thủ tục nộp lệ phí xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy qua rất nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho đến nay Việt Nam đã có cơ chế pháp lý tương đối đầy đủ, chi tiết và cơ bản đã đảm bảo cho việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Đây là một bước tiến mới của pháp luật Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.