2.1. Quy định Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 về chứng minh
2.1.4. Quy định về quá trình chứng minh
Quy định về thu thập chứng cứ: Tại Điều 88 BLTTHS đã quy định: “1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền THTT có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.…”.
Hoạt động thu thập chứng cứ thực chất là việc CQTHTT phát hiện những thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan đến những vấn đề cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 85 BLTTHS và những vấn đề khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn VAHS đồng thời tiến hành thu giữ và bảo quản chứng cứ tức là bảo vệ giá trị chứng minh của nó nhằm phục vụ cho việc chứng minh và giải quyết vụ án. CQTHTT có thể thu thập chứng cứ dưới các hình thức: Hình thức chủ động: Là việc CQĐT, VKS, TA triệu tập những người biết về vụ án như người bị buộc tội, người làm chứng, người bị hại,
nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...để nghe họ trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án, yêu cầu cá nhân tổ chức cung cấp tài liệu, trưng cầu giám định... Hình thức bị động: tại khoản 2 quy định về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa tương tự như CQTHTT, và khoản 3 quy định về những người TGTT, cơ quan, tổ chức... tự mình đưa ra đồ vật, tài liệu và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án và cơ quan có thẩm quyền ghi nhận [39]. Tùy theo giai đoạn tố tụng mà cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ khác nhau theo quy định.
Trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố VAHS, BLTTHS không quy định rõ cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nào để thu thập chứng cứ nhưng để xác định dấu hiệu của tội phạm và quyết định việc khởi tố hay không khởi tố VAHS thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố VAHS có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết có liên quan đến việc xác minh, làm rõ tin báo tội phạm như lấy lời khai của những người biết về sự việc, tiến hành khám nghiệm hiện trường... Giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là giai đoạn có vai trò quan trọng trong việc thu thập chứng cứ ban đầu, còn mang tính chất sơ khai, nguyên vẹn nhất. Việc tiến hành các hoạt động xác minh, điều tra được coi là phương pháp chủ yếu để thu thập chứng cứ nhằm mục đích chủ yếu là để thu thập các chứng cứ của vụ án tồn tại dưới hình thức phản ánh vật chất. Các hoạt động xác minh, điều tra này được tiến hành ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra VAHS và do CQĐT thực hiện.
Trong giai đoạn truy tố, VKS tiến hành thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ những vấn đề phải chứng minh mà CQĐT chưa làm rõ như theo quy định chung tại Khoản 1 Điều 85 BLTTHS, xét thấy cần thiết KSV có thể thực hiện quyền hạn của mình theo quy định tại Khoản 3 Điều 236 BLTTHS đó là trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi TA yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho CQĐT.
Còn ở giai đoạn xét xử, quyền thu thập chứng cứ của TA được tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động được quy định tại Điều 252 BLTTHS: 1. Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; 2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; 3. Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; 4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án; 5. Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản; 6. Trường hợp TA đã yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ nhưng VKS không bổ sung được thì TA có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa: Điều 81 BLTTHS năm 2015 quy định về thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, theo đó, người bào chữa thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 88 của BLTTHS. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Đồng thời, những người TGTT khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án cũng như để bảo vệ quyền lợi cho mình. Sự tham gia của người làm chứng, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản, người giám định… và các cơ quan, tổ chức xã hội, cá nhân khác nhằm cung cấp những tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình chứng minh các tình tiết gỡ tội hoặc buộc tội cũng là chủ thể chứng minh bởi họ không có mục đích gián tiếp nhằm chứng minh
nội dung vụ án và các tình tiết liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, những người này chỉ TGTT khi được các CQTHTT yêu cầu.
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Theo đề án Mô hình TTHS Việt Nam, phải thay đổi quan niệm về chứng cứ và quyền được thu thập chứng cứ của bị can, bị cáo và người bào chữa. Không nên chỉ giới hạn quyền đưa ra chứng cứ của họ ở việc đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu như pháp luật hiện hành mà phải mở rộng hơn. Nếu có khó khăn trong việc thu thập thì TA, VKS phải hỗ trợ họ bằng cách ra lệnh triệu tập nhân chứng hoặc yêu cầu các cơ quan tổ chức khác cung cấp chứng cứ...Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có cơ chế để Luật sư có điều kiện thu thập chứng cứ gỡ tội cho thân chủ và chứng cứ đó phải được công nhận tại tòa". Còn GS.TS.Nguyễn Ngọc Anh cho rằng: Quyền của Luật sư được gặp bị can, bị cáo đã được quy định cụ thể trong luật. Nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, thực hiện quyền này của Luật sư có khó khăn do quá trình tác nghiệp, tiếp cận vấn đề. Đây hoàn toàn chỉ là vấn đề nhận thức. Việc Luật sư tham gia vào giai đoạn điều tra còn nhiều trắc trở một phần do không phải ai cũng biết mình có quyền có Luật sư, mà ĐTV nhiều khi cũng “quên” giải thích, một phần cũng vì yêu cầu bí mật và kịp thời của hoạt động điều tra. Mỗi năm có đến gần 10.000 vụ việc hình sự và hơn 7.000 VAHS nên CQĐT không đảm bảo thời hạn cho luật sư tiếp cận thân chủ [40]. Vì vậy, thực tế hoạt động của Luật sư ở Việt Nam vẫn chưa có hiệu quả cao.
Vì vậy, tuy BLTTHS hiện hành đã quy định điều luật riêng về quy trình thu thập chứng cứ nhưng lại không quy định về chủ thể có quyền thu thập chứng cứ. Theo quy định tại Điều 88 BLTTHS vẫn cho thấy thẩm quyền thu thập chứng cứ và phải giao nộp để quyết định thuộc về CQĐT, VKS, TA. Do đó, theo chúng tôi cần phải quy định rõ ràng hơn về chủ thể thu thập chứng cứ và chứng cứ đó được công nhận hợp pháp là trong trường hợp đối với luật sư bào chữa.
Bảo quản, kiểm tra chứng cứ: Quy định tại điều 90 BLTTHS: “Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản. Việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng được thực hiện theo quy định từ Điều 8 đến Điều 13 của Nghị định số 127/2017 [41].
BLTTHS quy định vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Đặc biệt, nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì phải được niêm phong. Việc niêm phong vật chứng phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Nếu vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật.
Đối với hàng mau hỏng, khó bảo quản, điểm d khoản 1 Điều 90 BLTTHS chỉ quy định “bán theo quy định của pháp luật” thì chưa rõ nghĩa. Điều này dẫn đến việc tùy nghi của các CQTHTT vì họ có thể bán đấu giá theo quy định của pháp luật hoặc bán thông thường và điều này dễ gây thiệt hại đối với chủ sở hữu có tài sản được bán. Vì vậy, theo tôi cần có hướng dẫn cụ thể về hình thức bán loại vật chứng này.
Điểm đ khoản1 Điều 90 BLTTHS quy định: “Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền THTT bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Theo quy định này, cơ quan thi hành án cũng là CQTHTT bên cạnh các cơ quan khác là CQĐT, VKS, TA? Tuy nhiên, khoản 1 Điều 34 BLTTHS
quy định: “CQTHTT gồm có: CQĐT, VKS, TA”. Cho nên chủ thể bảo quản vật chứng là CQTHTT được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 BLTTHS là mâu thuẫn với quy định về CQTHTT được quy định khoản 1 Điều 34 BLTTHS.
Nhận định, đánh giá chứng cứ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 108 BLTTHS thì: “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự…”.
Theo quy định của BLTTHS thì vấn đề đầu tiên phải xác định khi đánh giá từng chứng cứ là kết luận về tính chính xác, tính khách quan của từng chứng cứ, nếu không kết luận được tính xác thực của chứng cứ thì không thể nói tới giá trị chứng minh của nó. Vì vậy, ĐTV, KSV, TP, Hội thẩm phải xác định xem chứng cứ được sử dụng ở nguồn nào, có nằm trong tổng hợp hệ thống các chứng cứ trong vụ án hay không. Đồng thời, phải xem chứng cứ đó có mối liên hệ với các chứng cứ khác như thế nào, liên hệ trực tiếp hay gián tiếp, chúng có bổ sung hỗ trợ gì cho nhau không.