2.2. Hình phạt áp dụng đối với các tội phạm tham nhũng
2.2.1. Hình phạt chính áp dụng với các tội phạm tham nhũng
Hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập với người phạm tội. Tại khoản 1, Điều 28 BLHS năm 1999 quy định các loại hình phạt chính có thể được áp dụng đối với người phạm tội, bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
Trong đó các hình phạt chính được áp dụng đối với các tội phạm về tham nhũng, gồm: cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
Có thể chia các hình phạt chính áp dụng đối với các tội phạm về tham nhũng thành 3 nhóm: thứ nhất, các hình phạt chính không phải là hình phạt
tù; thứ hai, hình phạt tù có thời hạn; thứ ba, hình phạt chung thân và tử hình.
- Các hình phạt chính không phải là hình phạt tù có thời hạn: theo quy định tại Điều 28 BLHS năm 1999, các hình phạt chính không phải là hình phạt tù, bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.
Theo đó trong tất cả các hình thức hình phạt chính không phải là hình thức phạt tù chỉ áp dụng cho tội tham nhũng duy nhất hình phạt cải tạo không giam giữ với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281)
- Hình phạt tù có thời hạn: theo quy định tại Điều 33 BLHS năm 1999,
thì hình phạt tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là ba tháng, mức tối đa là hai mươi năm. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù.
Riêng hình phạt tù có thời hạn đối với tất cả các tội phạm về tham nhũng mức thấp nhất là một năm, mức cao nhất là hai mươi năm.
Hình phạt tù có thời hạn trong hệ thống hình phạt nước ta mang tính phổ biến, có trong tất cả các tội phạm và các khung hình phạt, điều đó nói lên vị trí đặc biệt của loại hình phạt này trong hệ thống hình phạt. Việc quy định mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tù có thời hạn trong LHS là một năm và hai mươi năm đối với các tội phạm về tham nhũng là quy định mang tính kế thừa, nó có cơ sở khoa học và hợp lý: thứ nhất, tính chất, mức độ hành vi
phạm tội; thứ hai, sự chuyển tiếp cân đối giữa các loại hình phạt với hình phạt tù trong hệ thống hình phạt; thứ ba, yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm; thứ tư, yêu cầu của việc giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Tuy nhiên nếu quá thiên về hình phạt sẽ dẫn đến: thứ nhất, sự mất cân đối cần thiết trong hệ thống hình phạt, khó bảo đảm tính thống nhất giữa tội phạm và hình phạt; thứ hai, quá tải trại giam và ảnh hưởng đến hiệu quả của hình phạt.
- Hình phạt tù chung thân, tử hình: Hình phạt tù chung thân được áp dụng đối với 4 tội danh trong các tội phạm về tham nhũng: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283). Hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 2 tội: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279) [27, tr.42]
Hình phạt chung thân và hình phạt tử hình quy định trong BLHS được áp dụng đối với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, mất khả năng tái hòa nhập xã hội như hiện nay là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, từ yêu cầu về việc bảo vệ các giá trị xã hội. Việc quy định về hình phạt chung thân và tử hình đối với các tội phạm về tham nhũng trong BLHS Việt Nam là hợp lý và cần thiết.