Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các tội phạm tham nhũng trong Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk) (Trang 55 - 58)

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 281 BLHS. Theo đó, người phạm tội vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Loại tội phạm này có ba dấu hiệu đặc trưng bắt buộc: (1) lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với công vụ; (2) gây thiệt hại cho lợi ích của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; (3) mối quan hệ nhân quả giữa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và thiệt hại do hành vi đó gây ra.

Việc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” ở đây được hiểu là trường hợp

người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức năng, quyền hạn được giao trong phạm vi thẩm quyền lợi dụng khả năng, uy tín trong công tác với những người có chức vụ, quyền hạn khác do địa vị công tác mà cố ý làm trái với công vụ. Hành vi đó có thể do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện bằng hành động hoặc không hành động. Hành vi được thực hiện bằng hành động như: người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc vì có động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bội chi tiền mặt không đúng với mục đích quy định hoặc giảm thuế trái pháp luật. Hành vi được thực hiện bằng không hành động như: trong khi đang làm nhiệm vụ nhân viên công an vì động cơ cá nhân mà cố ý không bắt giữ người phạm tội đang chạy trốn v.v…. “Làm trái với công vụ” là làm trái với chức năng, nhiệm vụ, mục đích công tác được giao, vi phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nơi người có chức vụ, quyền hạn công tác hoặc làm cản trở việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của những cơ quan, tổ chức hoặc của những người khác. Hình thức của việc làm trái với công vụ cũng rất đa dạng. Chẳng hạn việc sử dụng phương tiện, tiện nghị phục vụ công tác vào mục đích riêng; thu thuế cao hơn mức quy định; cố tình không đăng ký kinh doanh cho những người đủ điều kiện kinh doanh với mục đích trốn thuế v.v...

Gây thiệt hại cho lợi ích của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân: dấu hiệu bắt buộc khác của tội phạm

này là gây ra hậu quả. Theo điều luật thì hậu quả của tội phạm đó thể hiện ở việc gây ra thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Điều đó có nghĩa rằng tội phạm này có cấu thành vật chất, vì thế nó được coi là hoàn thành khi gây ra một trong những thiệt hại nêu trên. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại vật chất (mất mát, hư hao tài sản...) hoặc hình thức phi vật chất (các quyền về chính trị, xã hội, văn hóa.... của công

dân). Hình thức gây ra thiệt hại rất đa dạng. Chẳng hạn như: thiệt hại do việc “tạm vay, mượn” tài sản gây ra. Trong trường hợp đó thiệt hại vật chất thể hiện ở chỗ trong một thời gian nhất định do việc vi phạm của người có chức vụ, quyền hạn mà làm giảm tài sản XHCN, hạn chế vòng quay, lưu thông tài sản và như vậy làm cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hạn chế hoặc làm mất khả năng sử dụng, không thu được lợi nhuận vật chất, tức là làm cho các cơ quan, tổ chức đó thất thu. Dạng gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của công dân có thể thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất như: làm hư hỏng, hao hụt, mất mát tài sản và nhà ở của công dân; thiệt hại về tinh thần như: thiệt hại về chính trị, xã hội, văn hóa.

Mối quan hệ nhân quả giữa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và thiệt hại do hành vi đó gây ra: khi định tội danh, về mặt khách quan thì mối quan

hệ nhân quả giữa lợi dụng chức vụ, quyền hạn và thiệt hại do hành vi đó gây ra, tức là phải chứng minh rằng những thiệt hại đã xảy ra trong thực tế chính là do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ của người có chức vụ, quyền hạn gây ra.

- Chủ thể của Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn.

- Điều 281 BLHS quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…”. Như vậy, lỗi trong tội phạm này chỉ có thể là lỗi cố ý trực tiếp. Nội dung của lỗi cố ý trực tiếp ở đây được thể hiện ở việc người có chức vụ, quyền hạn nhận thức rõ là họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với công vụ và mong muốn thực hiện hoặc cố ý không thực hiện hành vi đó [15, tr. 682].

Dấu hiệu đặc trưng bắt buộc khác thuộc mặt chủ quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là động cơ vụ lợi hoặc động cơ

cá nhân khác. Động cơ vụ lợi được hiểu ở đây là thu những lợi ích vật chất nhất định. Hình thức của việc thu những lợi ích vật chất nhất rất đa dạng trong thực tiễn như: sử dụng tài sản XHCN để thỏa mãn nhu cầu của mình, cho người khác vay mượn tạm thời tài sản XHCN để thu lợi; che giấu việc thiếu hụt hàng hóa, tài sản do người khác gây ra để thu lợi vật chất, v.v... Khái niệm động cơ cá nhân khác bao gồm những động lực cá nhân trái với lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân như: hám danh vọng, địa vị, nịnh hót, đỡ đầu, trả thù, ghen tuông, gia đình chủ nghĩa, v.v...

Điều 281 BLHS quy định ba khung hình phạt:

- Khung cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

- Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ năm năm đến mười năm trong trường hợp có một trong các tình tiết: (1) có tổ chức; (2) phạm tội nhiều lần; (3) gây hậu quả nghiêm trọng.

- Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm trong trường hợp có một trong các tình tiết: (1) gây hậu quả rất nghiêm trọng; (2) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

- Theo quy định tại khoản 4, Điều 281 BLHS, thì người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các tội phạm tham nhũng trong Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk) (Trang 55 - 58)