Thực tiễn bảo hộ chương trình máy tính mã nguồn mở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính theo pháp luật việt nam (Trang 73 - 76)

Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 102/2009 ngày 06/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước giải thích: "Phần mềm mã nguồn mở" là phần mềm được tác giả cung cấp với mã nguồn kèm theo, người sử dụng không phải trả chi phí bản quyền mua mã nguồn.

CTMT nguồn mở là CTMT với mã nguồn được công bố và sử dụng một giấy phép nguồn mở. Giấy phép này cho phép bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu, thay đổi và cải tiến CTMT, và phân phối CTMT ở dạng chưa thay đổi hoặc đã thay đổi.

Năm 1998 một nhóm người chủ trương rằng thuật ngữ phần mềm (CTMT) tự do nên được thay thế bằng phần mềm (CTMT) nguồn mở vì thuật ngữ này ít mơ hồ hơn và dễ sử dụng hơn cho giới doanh nghiệp. Để sử dụng CTMT này, người sử dụng mặc dù không phải trả tiền cho tác giả nhưng phải tôn trọng các nguyên tắc: Tác giả gốc giữ bản quyền về CTMT nhưng cho phép người dùng rất nhiều quyền khác, trong đó có quyền tìm hiểu, phát triển, công bố cũng như quyền khai thác thương mại của CTMT. Tác giả sử dụng quyền của chủ sở hữu để bảo đảm các quyền đó không bao giờ bị vi phạm đối với tất cả mọi người, trên mọi CTMT có sử dụng mã nguồn của mình: Mọi CTMT mã nguồn mở đều phải công bố mã nguồn của mình rộng rãi công khai và phải tạo điều kiện cho mọi người truy cập được mã nguồn ấy (ví dụ qua web hoặc qua việc bán đĩa CD giá rẻ); Giữ nguyên mọi dòng chú thích về nguồn gốc tác giả, bản quyền của họ cũng như điều kiện được áp dụng đối với CTMT (trong 1 tập tin có tên LICENSE); Cấm việc bán mã nguồn nhưng cho phép kinh doanh chương trình được tạo ra từ mã nguồn ấy hoặc là các dịch vụ hỗ trợ liên quan.

Thực tiễn bảo hộ CTMT mã nguồn mở ở nước ta hiện nay còn khá mới mẻ. Trên thực tế đã xảy ra có nhiều vụ việc vi phạm QTG đối với phần mềm nguồn mở dưới các hình thức như sau:

- Sử dụng CTMT mã nguồn mở vào mục đích thương mại mà không ghi rõ mã nguồn.

Trường hợp vào năm 2006 trang báo điện tử của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam Techcombank là Techcombank.com.vn và một số website khác được xây dựng từ CTMT nguồn mở Nuke Viet có các tham số URL (viết tắt của Uniform Resource Locator, được dùng để tham chiếu tới các tài nguyên trên Internet. URL mang lại khả năng siêu liên kết cho các trang mạng. Các tài nguyên khác nhau được tham chiếu tới bằng địa chỉ, chính là URL) giống hệt nhau nhưng trang báo điện tử của Ngân hàng

Techcombank không hề ghi các thông tin trên trang báo để thể hiện hệ thống website của họ được phát triển từ mã nguồn mở.

- Việc sử dụng, phát triển CTMT mã nguồn mở thành sản phẩm mới sau đó đem đi thi mà không ghi rõ nguồn gốc.

Tháng 9 năm 2003, nhóm tác giả phần mềm nguồn mở iCMS đã đạt giải nhất trong cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam". Nhưng ngay sau đó , tác giả phần mềm CMS.NET ông Stephen R. G. Fraser đã tuyên bố nhóm tác giả iCMS vi phạm QTG của ông khi phát triển phần mềm mà không xin phép tác giả. Tháng 10/2003 ông mới chính thức đưa phần mềm CMS.NET của mình lên Source Forge theo giấy phép GPL, như vậy vào thời điểm phát triển phần mềm của nhóm tác giả iCMS thì mã nguồn vẫn được bảo hộ bởi luật QTG. Nhóm tác giả iCMS tuyên bố trong sản phẩm của mình có sử dụng mã nguồn mở như vậy là không có cơ sở [18].

Như vậy có thể thấy tình hình vi phạm QTG đối với CTMT nguồn mở không phải là mới diễn ra nhưng bảo hộ QTG đối với các CTMT nguồn mở thì quả là mới mẻ. Mặc dù chúng ta đã ban hành một số văn bản nhằm khuyến khích việc sử dụng CTMT nguồn mở, tuy nhiên lại chưa có văn bản nào quy định cụ thể vấn đề bảo hộ QTG đối với CTMT nguồn mở.

Qua việc phân tích những nội dung cơ bản của QTG đối với CTMT và thực tiễn thực thi việc bảo hộ QTG đối với CTMT tại nước ta kể từ khi Luật SHTT ban hành cho thấy hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ về QTG đối với CTMT đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể và những người liên quan trong quá trình tham gia vào việc sáng tạo và sử dụng CTMT. Tuy nhiên cũng như phân tích trên, sau 05 năm thực hiện Luật SHTT, các quy định về QTG đối với CTMT hiện hành đã xuất hiện những vấn đề bất cập xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau nên cần phải được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với những đặc điểm đặc thù riêng của CTMT.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính theo pháp luật việt nam (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)