c) Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung; tài sản mà không có căn cứ chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng
2.2.1.3. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
Luật HN&GĐ năm 2014 đã khẳng định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan” [38, Điều 17]. Do đó, trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng là ngang nhau, bình đẳng với nhau.
Tài sản chung của vợ chồng không dứt khoát phải do hai vợ chồng trực tiếp tạo ra; không phụ thuộc vào công sức đóng góp của mỗi bên vợ, chồng khi tạo lập tài sản; không xác định được đâu là tài sản của vợ, đâu là tài sản của chồng trong khối tài sản chung của vợ chồng. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật HN &GĐ năm 2014 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng không phải là mặc nhiên
mà phải trên cơ sở cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận của hai vợ chồng [38, khoản 1 Điều 35]. Thỏa thuận về thực hiện các quyền năng sở hữu đối với tài sản của vợ chồng có thể được thực hiện thông qua hình thực văn bản hoặc đơn giản hơn là bằng lời nói và do vợ, chồng quyết định. Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày, những hành vi xử sự của vợ, chồng khi định đoạt tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì luôn được pháp luật coi đó là có sự thỏa thuận đương nhiên của hai vợ chồng hoặc được vợ chồng thỏa thuận bằng lời nói.
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 35 Luật HN &GĐ năm 2014 quy định đối với những tài sản như bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật (như ô tô, xe máy …) và những tài sản tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì khi định đoạt tài sản vợ và chồng phải có sự thỏa thuận (đồng ý) với nhau bằng hình thức (văn bản) theo quy định của pháp luật [38].
Tài sản chung của vợ chồng được sử dụng nhằm bảo đảm nhu cầu đời sống chung của gia đình; một bên vợ chồng không thể tự ý định đoạt tài sản chung có giá trị lớn nếu không có sự thỏa thuận của bên kia.
Thực tế, không ít trường hợp người vợ, chồng tự ý định đoạt tài sản chung (có thể vì lợi ích chung, cũng có thể vì lợi ích cá nhân) mà người còn lại không biết hoặc không đồng ý dẫn đến tranh chấp và những bất lợi cho người thứ ba (ngay tình) khi tham gia giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Do vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định của Luật HN&GĐ về hình thức thỏa thuận bằng văn bản khi định đoạt một số tài sản chung theo quy định của pháp luật thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và thống nhất trong thực tiễn áp dụng luật liên quan đến quyền định đoạt tài sản chung của vợ chồng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân và sự ổn định trong quan hệ tài sản giữa vợ chồng.
Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện quyền năng chủ sở hữu đối với tài sản chung, pháp luật cho phép vợ chồng thỏa thuận đưa tài sản chung vào kinh doanh. Trong trường hợp này, những tài sản chung đưa vào kinh doanh thường là những tài sản có giá trị lớn, thậm chí là tài sản mang lại nguồn sống chủ yếu cho gia đình. Do đó, việc vợ hoặc chồng khi đưa tài sản chung vào kinh doanh không phải chỉ đơn giản là việc hai vợ chồng trao đổi với nhau bằng lời nói mà cần được thực hiện theo một cơ
chế rõ ràng, minh bạch. Khi vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó và theo quy định của pháp luật thỏa thuận phải được lập thành văn bản, có như vậy mới bảo đảm được tính khách quan, rõ ràng, bảo đảm được quyền lợi cũng như các nghĩa vụ mà vợ chồng phải gánh chịu [ 38, Điều 36].
Như vậy, quy định về việc thỏa thuận đưa tài sản chung vào kinh doanh của vợ chồng là phù hợp với các quy định về đại diện giữa vợ và chồng đã được ghi nhận tại Điều 24 và Điều 25 của Luật HN&GĐ. Nhà làm luật đã dự liệu các quy định trên nhằm tạo điều kiện cho vợ chồng thực hiện quyền tự định đoạt tài sản chung vợ chồng, nhưng cũng ràng buộc họ trong những quy định chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ đối với bên thứ ba khác trong giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên và là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dễ dàng, nhanh gọn, hợp lý và chuẩn xác.