Pháp thuộc là một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam kéo dài hơn tám mươi năm, bắt đầu tư khi Pháp ép Triều đình Huế chấp nhận Hòa ước Giáp Thân (1884) cho đến khi Pháp mất quyền cai trị ở Đông Dương. Với chính sách chia để trị, Pháp đã chia Việt Nam thành 3 xứ riêng lẻ và cho ban hành, áp dụng tương ứng với ba bộ luật riêng điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ, trong đó có chế độ tài sản của vợ chồng.
- Tại Bắc kỳ áp dụng BLDS năm 1931 (DLBK) - Ở Trung kỳ áp dụng BLDS năm 1936 (DLTK)
- Và ở Nam kỳ cho ban hành tập Dân luật giản yếu năm 1883 (DLGYNK) Nhìn chung, những quy định của pháp luật thời kỳ này nhằm điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ đã mang những sắc thái mới so với cổ luật thời phong kiến Việt Nam. Bên cạnh những tục lệ tồn tại lâu đời trong xã hội phong kiến, nhà làm luật đã phỏng theo BLDS Pháp (1804) khi quy định về chế độ HN&GĐ cũng như chế độ hôn sản của vợ chồng. Quan hệ giữa vợ và chồng trong pháp luật thời kỳ này vẫn thực hiện nguyên tắc bất bình đẳng, người vợ phụ thuộc người chồng về mọi phương diện, người vợ ở đâu, làm gì phải được chồng ưng thuận, cho phép.
Chế độ hôn sản áp dụng ở Nam kỳ trên nguyên tắc sau:
Người vợ không có tài sản riêng, do đó không thể có cộng đồng tài sản giữa vợ và chồng. Tất cả các tài sản trong gia đình đều thuộc quyền sở hữu và quản lý của người chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng như sau khi vợ chết. Trong trường hợp người vợ chết thì người chồng là chủ sở hữu đối với toàn bộ tài sản của gia đình do hiệu lực của hôn nhân chứ không phải do hưởng gia tài của người vợ; nhưng nếu người chồng chết trước thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng, thu lợi trên toàn bộ tài sản gia đình khi còn ở góa.
Tại Bắc kỳ và Trung kỳ, do ảnh hưởng của BLDS Pháp (1804) thể hiện trong việc nhà làm luật dự liệu chế độ hôn sản ước định và áp dụng nguyên tắc bất di bất dịch về chế độ tài sản của vợ chồng theo hôn khế.
Do được ban hành sau nên DLTK đã có những sửa đổi cho phù hợp hơn so với DLBK. Tại Điều 104 bộ DLBK quy định: “Về đường tài sản, pháp luât chỉ can thiệp đến đoàn thể vợ chồng là khi nào vợ chồng không có tùy ý lập ước riêng với nhau mà thôi, miễn là ước riêng đấy không trái với phong tục và không được trái với quyền lợi người chồng là người chủ trương trong đoàn thể” và phàm tư ước về tài sản của vợ chồng khi đã làm giá thú thì không được thay đổi gì nữa (Điều 105 DLBK). Quy định chế độ hôn sản ước định này lần đầu tiên được dự liệu trong hệ thống pháp luật Việt Nam theo quan điểm của các nhà lập pháp tư sản, nhưng không phù hợp với tục lệ và truyền thống gia đình Việt Nam, nên chế độ hôn sản ước định này trong DLBK và DLTK không được các cặp vợ chồng thỏa thuận lựa chọn.
Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận lập hôn khế khi kết lập giá thú, DLBK và DLTK đều dự liệu một chế độ hôn sản pháp định cho họ theo chế độ cộng đồng toàn sản. Theo chế độ này, tất cả các của cải và hoa lợi của chồng cũng như của vợ hợp thành một khối tài sản chung vợ chồng. Tại các điều 106, 107 DLBK và Điều 105 DLTK quy định: “Nếu hai vợ chồng không có tư ước với nhau thì cứ theo lệ hợp nhất tài sản, nghĩa là bao nhiêu lợi tức tài sản của chồng và của vợ hợp lại làm một mà chung nhau”
Cả hai bộ DLBK và DLTK đều dự liệu thành phần khối hôn sản của vợ chồng bao gồm: Kỷ phần hay phần góp của chồng; Kỷ phần hay phần góp của vợ và của chung của vợ chồng. Đồng thời còn dự liệu khối cộng đồng (tài sản chung của vợ chồng) phải bảo đảm cho cuộc sống chung của gia đình cũng như các món nợ vợ chồng vay cho lợi ích gia đình (thành phần tiêu sản) …
Theo các điều 106, 107 DLBK và các điều 104, 105 DLTK thì chế độ hôn sản pháp định được áp dụng cho các cặp vợ chồng không lập hôn khế trước khi kết hôn là chế độ cộng đồng toàn sản, với thành phần tài sản chung bao gồm: Các tài sản do vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân; Tài sản do vợ chồng làm việc mà kiếm ra và lợi tức của toàn bộ tài sản trong gia đình, không phân biệt lợi tức đó thu được từ tài sản riêng hay tài sản chung
Theo Điều 111 DLBK và Điều 109 DLTK dự liệu khối tài sản cộng đồng phải gánh chịu các khoản nợ gồm: Những khoản nợ của vợ chồng đã vay trước khi kết hôn; Những khoản nợ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; Những khoản nợ do vợ vay với tư cách đại diện cho đoàn thể vợ chồng và các khoản nợ vay do sự ưng thuận của chồng; Những khoản nợ do vợ ký kết khi hành nghề buôn bán hay làm công nghệ một cách hợp lệ; Những khoản nợ do hành vi phạm pháp của vợ gây ra.
Đối với việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản gia đình, DLBK và DLTK đều dự liệu về việc cần có sự phân biệt về quyền hạn của người vợ và người chồng theo từng trường hợp cụ thể:
-Việc vợ chồng có thể tự mình thỏa thuận.
Theo Điều 100, Điều 111 DLBK và Điều 98, Điều 109 DLTK thì đối với những nhu cầu chung của gia đình (như ăn, ở, chữa bệnh …), vợ hoặc chồng đều có thể đại diện cho gia đình để giao dịch và khối tài sản cộng đồng được bảo đảm cho các giao dịch vợ chồng ký kết với người khác.
-Việc phải do cả hai vợ chồng cùng thực hiện.
Theo Điều 109DLBK và Điều 107 DLTK thì ngoài việc quản lý, thường vợ chồng muốn định đoạt tài sản chung phải cùng nhau thỏa thuận, sự đồng ý có thể là công nhiện hoặc mặc nhiên.
-Việc một mình chồng làm được, còn vợ phải xin phép chồng.
Theo Điều 98 DLBK và Điều 104 DLTK thì với các việc như lập hội, vay mượn, đi kiện, thuê mướn…người chồng có quyền tự mình thực hiện; người vợ chỉ được thực hiện nếu người chồng cho phép, sự cho phép của người chồng có thể là công nhiên hoặc mặc nhiên.
-Đặc quyền của người chồng khi định đoạt tài sản chung của vợ chồng.
Điều 109 DLBK quy định người chồng có thể định đoạt tài sản chung không cần vợ phải bằng lòng cũng được, miễn là dùng vào việc có lợi ích cho gia đình, trừ bất động sản là tài sản riêng của người vợ.
Như vậy, trên cơ sở phân định quyền hạn của vợ chồng trong việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung luật định có thể thấy sự bất công, bất bình đẳng giữa người vợ và chồng trong gia đình được duy trì và áp dụng trong xã hội thực dân và phong kiến. Người chồng được coi là chúa tể, là chủ sở hữu độc tài đối với tài sản của gia đình, luôn được quyền tự mình định đoạt, quản lý tài sản mà không cần phải được sự đồng ý hay xin phép của người vợ. Trong khi đó, người vợ chỉ được đại diện trong những nhu cầu chung của gia đình; việc định đoạt tài sản có giá trị lớn phải xin phép và được sự đồng ý của người chồng.
Về việc chia tài sản chung của vợ chồng, pháp luật thời kỳ pháp thuộc đã dự liệu một vài trường hợp và nguyên tắc phân chia. Tuy nhiên, không giống như BLDS Pháp (1804) dự liệu khi vợ chồng chết thì chế độ cộng đồng tài sản chấm dứt và được thanh toán; các án lệ ở Nam kỳ vẫn áp dụng quy định chế độ cộng đồng tiếp tục. Theo quy định tại Điều 113 DLBK và Điều 111 DLTK, nếu người chồng chết mà người vợ không tái giá thì tài sản chung vẫn để nguyên và người vợ được quản lý tài sản; nếu người vợ chết thì người chồng là chủ sở hữu tất cả các tài sản, kể cả kỷ phần của vợ. Quy định này cho thấy sự bất công trong các quy định của pháp luật đối với quyền lợi của người vợ.
Về chia tài sản khi vợ, chồng ly hôn, DLBK và DLTK xác định khối cộng đồng tài sản sẽ được phân chia. Về cách thức và điều kiện phân chia, nếu vợ chồng có lập hôn khế khi kết hôn thì tài sản chia theo hôn khế. Nếu vợ, chồng không có hôn khế thì áp dụng quy định của pháp luật và được phân theo hai trường hợp có con và không có con.
Trường hợp vợ chồng không có con, người vợ được quyền lấy lại kỷ phần tài sản của mình bằng hiện vật hiện có. Nếu tài sản riêng của vợ đã được bán đi để chi dùng cho gia đình hoặc cho riêng người chồng thì người vợ không được đòi lại. Sau khi đã trả lại kỷ phần tài sản cho vợ, chồng phần tài sản chung còn lại sẽ được chia đôi cho vợ, chồng mỗi người một nửa.
Trường hợp vợ chồng có con chung, người vợ không được thu hồi toàn bộ tài sản riêng của mình, những tài sản ấy sẽ thuộc tài sản chung và do người chồng quản lý, để dành cho con. DLBK và DLTT đã ấn định khi vợ chồng ly hôn mà có con chung với nhau thì sẽ không thanh toán tài sản chung. Theo Điều 112 DLBK dự liệu thì khi ly hôn mà vợ chồng có con chung thì người vợ được hưởng một phần của chung, phần được hưởng nảy nhiều hay ít do Tòa phân định trên cơ sở đóng góp của người vợ. Trong khi đó, Điều 110 DLTK dự liệu kỷ phần của người vợ sẽ là 1/3 số
của chung, với ngụ ý 1/3 chia cho chồng và 1/3 chia cho con. Trường hợp ly hôn do lỗi của vợ (phạm gian) thì kỷ phần của vợ giảm đi một nửa (1/2) (Điều 112 DLBK) và một phần tư (1/4) (Điều 112 DLTK).