Hiệp định TRIPs được ký kế ngày 15/4/1994 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1995 cùng với sự ra đời của WTO. Hiệp định TRIPs ra đời đã mang lại những thay đổi căn bản trong lĩnh cực SHTT nói chung, SHCN nói riêng. Hiệp định là sự nối tiếp của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT khi giải quyết các vấn đề mà GATT đặt ra bằng các quy định cụ thể, rõ ràng cho các nước thành viên tuân thủ, áp dụng.
Hiệp định TRIPs quy định các tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc bảo hộ tất cả các đối tượng SHCN bao gồm nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bảo hộ thông tin bí mật. Hiệp định TRIPs là điều ước quốc tế đầu tiên chính thức quy định hệ thống hình phạt, lần đầu tiên đề cập đến khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt hữu hiệu đối với những vi phạm về bảo vệ QSHTT nói chung, QSHCN nói riêng thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Trong Mục 2, Điều 42: “Các thành viên phải quy định cho các chủ thể quyền được tham gia các thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến việc thực thi bất kỳ loại quyền SHTT nào quy định trong Hiệp định này”. Đây là những quy định mang tính định hướng cơ bản cho các quốc gia thành viên. Trên cơ sở đó, các thành viên xây dựng pháp luật quốc gia mình cho phù hợp.
Nội dung biện pháp dân sự đã được Hiệp định đề ra với những yêu cầu mang tính nguyên tắc về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự trong việc bảo vệ quyền SHTT, QSHCN và QSHCN đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Chủ thể quyền được phép lựa chọn biện pháp dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi biện pháp dân sự được áp dụng thông qua yêu cầu của chủ thể quyền thì bên bị đơn cũng phải được thông báo cụ thể về nội dung vụ việc bằng văn bản. Trong quá trình tố tụng, các bên có quyền đưa ra những chứng cứ, lập luận để biện minh và bảo vệ mình. Hiệp định quy định khá chi tiết vấn đề chứng cứ và việc cung cấp chứng cứ trong quá trình tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp dân sự. TRIPs cũng yêu cầu pháp luật quốc gia phải xây dựng hệ thống pháp lý, trong đó trao quyền cho các cơ quan xét xử được quyền ra lệnh buộc bên xâm phạm phải đền bù một khoản bồi thường cho chủ thể quyền do hành vi xâm phạm gây ra. Các khoản đền bù này được tính toán chặt chẽ, nhằm tránh gây thiệt hại cho chủ thể quyền. Hiệp định TRIPs cũng dành một mục quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó nêu rõ mục đích của việc áp dụng nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm, ngăn chặn hàng hóa vi phạm quyền hay nhằm đảm bảo chứng cứ liên quan đến hành vi bị khiếu kiện là xâm phạm quyền. Hiệp định đề ra các trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp tạm thời, quyền và nghĩa vụ của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm quyền áp dụng…
Trong quá trình tiến hành bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự, Hiệp định TRIPs yêu cầu các phán quyết của tòa án đưa ra phải được thể hiện bằng văn bản, có nêu rõ lý do và được thông báo kịp thời cho các bên.
Có thể nói, TRIPs là một hiệp định có phạm vi điều chỉnh rộng so với các điều ước quốc tế đa phương về SHTT khác bao gồm các vấn đề mang tính nguyên tắc chung, các vấn đề về điều kiện bảo hộ, thực thi và bảo vệ quyền,
các thủ tục để đạt được và duy trì quyền….TRIPs đã thiết lập một cơ chế mới và quan trọng nhằm bảo hộ SHTT theo trật tự quốc tế.