Về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hiểm xã hội tự nguyện trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (Trang 40 - 45)

2.1. Thực trạng các quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện

2.1.2. Về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ Điều 4, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất. BHXH bắt buộc người lao động sẽ được hưởng các chế độ bao gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

2.1.2.1. Về chế độ hưu trí

Chế độ hưu trí là chế độ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật.

Như đã nói, tuổi lao động được quy định theo pháp luật của mỗi nước, việc lựa chọn độ tuổi lao động sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm chất lượng, thể trạng và tuổi thọ của người dân của quốc gia đó. Trên thế giới, tuổi thọ trung bình hiện nay là 72 tuổi. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đang cao hơn và ngày càng tăng cao hơn: tuổi thọ trung bình của nam là 72,1 tuổi; tuổi thọ trung bình của nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi [6]. Việc tuổi thọ được kéo dài sẽ kéo theo nhiều gánh nặng lên hệ thống BHXH nếu không có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống. Đặc biệt khi nhóm đối tượng BHXH bắt buộc đã được quy định cụ thể, nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cần được mở rộng và huy động được sự tham gia của nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, nhóm người lao động ngành nghề mới để có thể cân bằng, tránh trường hợp có thể gây vỡ quỹ BHXH.

Trên thực tế, độ tuổi nghỉ hưu của Việt Nam tương đối thấp trong khi tuổi thọ trung bình cao, khoảng cách dài từ thời điểm nghỉ hưu của người lao động tới thời điểm người lao động chết sẽ tạo gánh nặng cho BHXH, việc thực hiện nguyên tắc “lấy số đông bù số ít” khó có thể thực hiện nếu số người hưởng BHXH dần trở thành số đông.

Cơ cấu dân số của Việt Nam cũng đang dần thay đổi do quá trình già hoá dân số, lượng người trong độ tuổi lao động giảm trong khi người phụ thuộc ngày càng tăng. Lượng người tham gia vào quan hệ lao động tăng chậm, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động nhưng sau 5 năm, tới cuối năm 2018 mới có thêm 2 triệu lao động (cả nước có 55 triệu lao động). Như vậy, bình quân 1 năm Việt Nam có thêm khoảng 400.000 lao động và sẽ có nguy cơ thiếu hụt trong tương lại. Tương tự như vậy, việc thiếu hụt lao động sẽ dẫn tới thiếu hụt người tham gia BHXH mới, tăng số lượng người hưởng BHXH sẽ gây ra nguy cơ vỡ quỹ BHXH.

Mức hưởng chế độ hưu trí:

Căn cứ Chương IV, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết về mức hưởng chế độ hưu trí theo bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể như sau:

- Lương hưu hàng tháng:

Lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, trong đó: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ mỗi năm thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trợ cấp 1 lần: Mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. BHXH 1 lần

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: (1) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; (2) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; (3) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 01 năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với đối tượng nghỉ hưu khi suy giảm khả năng lao động, tại Điều 55, khoản 1, điểm a Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định điều kiện hưởng lương hưu khi người lao động nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu trong điều kiện bình thường về tuổi.

Với các quy định về chế độ hưu trí tự nguyện hướng đến người lao động trong xã hội, tuy nhiên phải nhìn nhận một cách thực tế rằng thì chế độ

hưu trí tự nguyện chưa thu hút được sự tham gia của nhiều người dân trong thực tế. Tại sao lại như vậy? Điều này bắt nguồn từ một số bất cập sau:

Một là, mặc dù quỹ hưu trí tự nguyện người lao động tự do có ít thời gian và điều kiện để tiếp cận văn bản pháp luật. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHHTTN hiện nay chưa được chú trọng, chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân, còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành. Bên cạnh đó, người dân còn đang do dự giữa lựa chọn BHHTTN với bảo hiểm hưu trí với các nhà phân phối khác như Bảo Việt, Manulife, AIA... trên thị trường với mức lãi suất hấp dẫn hơn nhà nước rất nhiều.

Thứ hai, điều kiện kinh tế của đa số lao động tự do còn thấp, trong khi BHHTTN yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ. Rất nhiều lao động tự do mong muốn khi về già được nhận một khoản lương hưu để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, với khoản thu nhập không mấy dư dả khiến đa phần không dám nghĩ đến việc tham gia BHHTTN. Với thời gian lâu là 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là rất dài, người tham gia không đủ “kiên nhẫn” để “chờ đợi”, trong khi quá trình tham gia họ không được hưởng các quyền lợi khác như những người tham gia BHXH bắt buộc, điều này dẫn đến người tham gia BHXH tự nguyện có sự nhìn nhận, so sánh và chưa đủ tin tưởng để quyết định có tham gia BHXH tự nguyện hay không

Ba là mạng lưới đại lý thu còn ít nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia, có người dân biết thông tin về BHHTTN lại không biết đến đâu đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao... khi thấy thủ tục đóng - hưởng phức tạp, họ ngại làm giấy tờ tham gia. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHHTTN. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHHTTN của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên.

2.1.2.2. Về chế độ tử tuất

- Trợ cấp mai táng

Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.

- Trợ cấp tuất

Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm: (1) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014); (2) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi); (3) Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm; (4) Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu: (1) 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu; (3) Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó. Quá trình thực hiện nảy sinh những bất cập sau:

Một là, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ. Khác biệt cơ bản này đã tạo ra sự khập khễnh, so sánh, làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện.

Hai là, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 77 về trợ cấp mai táng, quy định người lao động đã có ít nhất 5 năm đóng BHXH khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung. Với quy định này thì những người tham gia BHXH tự nguyện dưới 5 năm nếu chết thì người lo mai táng sẽ không được hưởng khoản tiền trợ cấp mai táng.

Tuy nhiên, đối với chế độ BHXH bắt buộc thì quy định người đang tham gia BHXH bắt buộc nếu bị chết thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng, không quy định thời gian đã tham gia BHXH bắt buộc là bao nhiêu. Từ quy định này đã gây thiệt thòi cho người lao động có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, sau đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thời gian tham gia BHXH tự nguyện chưa đủ 5 năm đã bị chết, người lo mai táng không được hưởng trợ cấp mai táng, nếu họ không tham gia BHXH tự nguyện mà bảo lưu thời gian tham gia BHXH bắt buộc thì gia đình họ sẽ được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định.

Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hiểm xã hội tự nguyện trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (Trang 40 - 45)