Nhãn hiệu chỉ được đăng ký bảo hộ trong một thời hạn nhất định, nếu chủ nhãn hiệu không gia hạn nhãn hiệu của mình và không nộp phí gia hạn thì nhãn hiệu đó sẽ loại khỏi sổ đăng ký. Cơ quan đăng ký của các nước thường cho phép ân hạn trong một khoảng thời gian với điều kiện phải nộp thêm một khoản phí trên khoản phí gia hạn.
Một số nước cho phép gia hạn đối với một số nhóm mặt hàng và những nhóm mặt hàng nào không được chủ nhãn hiệu gia hạn thì nhãn hiệu đối với nhóm đó coi như bị hủy bỏ.
b. Hủy bỏ theo yêu cầu của chủ nhãn hiệu
Chủ nhãn hiệu có thể tuyên bố từ bỏ nhãn hiệu đã đăng ký của mình đối với toàn bộ hay một số mặt hàng đã đăng ký nhãn hiệu vào bất cứ lúc nào. Theo yêu cầu của chủ nhãn hiệu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ loại bỏ nhãn hiệu toàn bộ hay một phần ra khỏi sổ đăng ký. Pháp luật Mỹ, Anh và Trung Quốc đều có điều khoản riêng quy định vấn đề này (Điều 7.e Luật nhãn hiệu Mỹ (U.S.C 1057); Điều 46 Luật nhãn hiệu Anh và Điều 41 Luật nhãn hiệu Trung Quốc), theo đó hiệu lực của nhãn hiệu được công nhận là bị hủy bỏ kể từ ngày bị tuyên bố từ bỏ. Trong khi đó pháp luật Nhật Bản không quy định rõ ràng trường hợp này nhưng công nhận nó trên thực tế.
Nếu chủ nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật, thì bên thứ ba có thể yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu. Thời hạn này được quy định khác nhau theo pháp luật các nước. Pháp luật Trung Quốc, Anh quy định thời hạn đó là 5 năm, trong khi đó pháp luật Mỹ và Nhật Bản thời hạn đó là 3 năm liên tục. Nếu chủ nhãn hiệu không thể chứng minh được việc sử dụng của mình là chính đáng thì cơ quan đăng ký hoặc tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ nhãn hiệu. Còn trường hợp chủ nhãn hiệu chứng mình được việc không sử dụng của mình là chính đáng đối với một vài loại nhãn hiệu thì toàn án sẽ ra lệnh hủy bỏ từng phần đối với nhãn hiệu.
d. Hủy bỏ do nhãn hiệu bị vô hiệu (việc cho phép đăng ký là không chính đáng) Nếu nhãn hiệu là dấu hiệu thuộc loại không nên cho phép đăng ký hoặc được đăng ký bởi những hành vi trái pháp luật thì có thể bị tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bên có quyền khiếu nại. Thường việc hủy bỏ nhãn hiệu thuộc loại này chỉ được thực hiện khi các căn cứ để tuyên bố vô hiệu đã tồn tại trước khi thời điểm nhãn hiệu được đăng ký.
Pháp luật Mỹ không đề cập đến một trường hợp cụ thể nào thuộc loại này
mà chỉ quy định chung là nếu việc đăng ký nhãn hiệu đã được thực hiện một cách không hợp pháp hoặc trái pháp luật điều chỉnh thì khi phát hiện ra bất cứ lúc nào nó cũng có thể sẽ bị hủy bỏ theo đơn của người khiếu nại.
Pháp luật Anh cũng liệt kê các trường hợp của loại này là: nhãn hiệu đăng
ký không có khả năng phân biệt; hay trái với đạo đức, chính sách công cộng; hay lừa dối công chúng hoặc vi phạm nguyên tắc first-to-file (Điều 3.1b, 3.3, Điều 5.1 Luật Nhãn hiệu Anh).
Pháp luật Nhật Bản liệt kê một cách cụ thể hơn như: khi nhãn hiệu đăng ký
không mang tính phân biệt; hay khi nhãn hiệu rơi vào một trong những trường hợp không thể được đăng ký theo pháp luật Nhật Bản (như vi phạm đạo đức, lợi ích công cộng...); hay vi phạm nguyên tắc first -to-file; việc đăng ký nhãn hiệu đó trái với các quy định về quyền lợi của người nước ngoài ở Nhật hay trái với Điều ước quốc tế mà Nhật tham gia (Điều 4 Luật nhãn hiệu).
Giống như các nước pháp luật Trung Quốc quy định khi nhãn hiệu rơi vào
một trong những trường hợp tại Điều 10 Luật nhãn hiệu thì không thể được đăng ký như các dấu hiệu trái với đạo đức hoặc tập quán xã hội chủ nghĩa hoặc có ảnh hưởng không lành mạnh khác, nhãn hiệu có tính chất phân biệt kỳ thị dân tộc....
Nhìn chung pháp luật các nước đều công nhận trường hợp phổ biến thuộc loại này là khi nhãn hiệu xin đăng ký không mang tính phân biệt. Tuy nhiên, nếu qua quá trình sử dụng sau khi đăng ký nhãn hiệu đó đã có tính phân biệt thì việc đăng ký vẫn được chấp nhận mà không bị hủy bỏ (Điều 14 Luật nhãn hiệu Mỹ), trong khi đó pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận trường hợp này.
e. Hủy bỏ nhãn hiệu do đã mất tính phân biệt
Pháp luật Trung Quốc gần như không đề cập tới trường hợp này, ngay cả pháp luật Nhật Bản cũng chỉ đề cập đến một cách không rõ ràng.
Trong khi đó pháp luật Mỹ và Anh lại quy định rất cụ thể về vấn đề này.
Theo pháp luật Mỹ quy định nếu một nhãn hiệu đã đăng ký mà trở thành tên chung
gọi hàng hóa, dịch vụ gắn lên nó hay là một phần của tên chung đó hoặc nếu nhãn hiệu đó đang được sử dụng bởi hay với sự cho phép của người đăng ký dẫn đến sự hiểu nhầm nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nó thì nó có thể bị khởi kiện hủy bỏ vào bất kỳ lúc nào (Điều 14.3 Luật nhãn hiệu Mỹ).
Pháp luật Anh thì quy định nếu hậu quả của việc sử dụng hoặc ít sử dụng
của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đang làm cho nhãn hiệu đã trở thành tên chung trong thương mại cho hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đó thì nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ (Điều 46.1c Luật nhãn hiệu Anh).
f. Các trường hợp hủy bỏ khác
Ngoài những trường hợp hủy bỏ mang tính chất giống nhau, pháp luật các nước Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc đều đề cập đến những trường hợp khá đặc thù.
Pháp luật Mỹ thì chú trọng đến những lĩnh vực mới trong bảo hộ nhãn hiệu,
đó là nhãn hiệu chứng nhận. Các trường hợp liên quan đến việc hủy bỏ hiệu lực một nhãn hiệu chứng nhận được quy định cụ thể tại Điều 14.5 Luật nhãn hiệu Mỹ, theo
đó một nhãn hiệu chứng nhận có thể bị khiếu nại hủy bỏ vào bất cứ lúc nào nếu người đăng ký: (1) không khống chế hay không có khả năng thực hiện việc kiểm soát một cách hợp lý việc sử dụng nhãn hiệu đó, hoặc (2) tham gia vào quá trình sản xuất hay quảng bá bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào gắn nhãn hiệu chứng nhận, hoặc (3) cho phép việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận không với mục đích chứng nhận, hoặc (4) từ chối một cách phân biệt việc chứng nhận hay tiếp tục chứng nhận cho các hàng hóa, dịch vụ của bất kỳ người nào có thể đáp ứng được chất lượng hay điều kiện mà nhãn hiệu đó xác nhận.
Pháp luật Trung quốc quy định trường hợp khi thay đổi tên và địa chỉ của
chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký hoặc các vấn đề khác liên quan đến đăng ký nhãn hiệu mà không theo đúng thủ tục pháp lý hoặc việc chuyển nhượng nhãn hiệu đã đăng ký không theo đúng thủ tục pháp lý (Khoản 2,3 Điều 44 Luật nhãn hiệu Trung Quốc).
3.5 Thẩm quyền hủy bỏ và quyền khiếu nại quyết định hủy bỏ
Nguyên tắc chung thường cơ quan nào đã cấp đăng ký nhãn hiệu thì cơ quan đó có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu. Tuy nhiên, cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý đơn khiếu nại hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký thì pháp luật các nước có quy định khác nhau.
Theo pháp luật Trung Quốc thì đơn yêu cầu hủy hỏ hiệu lực giấy đăng ký
nhãn hiệu hàng hóa có thể nộp cho Ban đánh giá và xét xử các vấn đề nhãn hiệu (thuộc Ủy Ban Nhà nước). Quyết định của Ban này là quyết định cuối cùng (Điều 41,44 Luật nhãn hiệu Trung Quốc).
Theo pháp luật Nhật Bản cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn khiếu nại hủy
bỏ nhãn hiệu cũng là cơ quan đã cấp đăng ký nhãn hiệu (Cục Sáng chế Nhật Bản). Đơn khiếu nại đó phải được gửi tới Cục trưởng Cục Sáng chế Nhật Bản, sau đó Cục trưởng sẽ chỉ định một hội đồng gồm 3 đến 5 thẩm định viên để tiến hành cân nhắc và xử lý đơn. Hội đồng này sẽ làm việc và ra quyết định độc lập theo chế độ tập thể và chỉ xem xét những vấn đề đưa ra trong nội dung đơn khiếu nại (Điều 43-3, Điều 43-4 Luật nhãn hiệu Nhật Bản).
Riêng Mỹ và Anh cơ quan đăng ký cũng là cơ quan đầu tiên nhận đơn khiếu
nại. Song nhãn hiệu cũng có thể bị tuyên bố hủy bỏ bởi một phán quyết của tòa án trong trường hợp khiếu nại hủy bỏ được đưa ra trong nội dung phản tố trong một vụ kiện tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu đó. Trong quá trình thụ lý đơn khiếu nại đòi hủy bỏ hiệu lực một nhãn hiệu, cơ quan đăng ký cũng sẽ đóng vai trò vừa là cơ quan xét xử vừa là cơ quan trung gian hòa giải. Cơ quan này sẽ mời bên khiếu nại và bên bị khiếu nại đến để trao đổi đưa ra ý kiến của mình và trách nhiệm của bên khiếu nại phải đưa ra được các bằng chứng chứng minh nhãn hiệu phản đối bị vô hiệu. Khi thấy cần thiết cơ quan cấp đăng ký sẽ đứng ra hòa giải để hai bên thống nhất với nhau về việc sử dụng nhãn hiệu mà không cần thiết phải hủy bỏ nhãn hiệu đó.
4. Nội dung cơ bản về quyền SHCN đối với nhãn hiệu.
Quyền sở hữu nhãn hiệu là một loại tài sản trí tuệ thuộc tài sản phi vật chất. Do đó, quyền năng chiếm hữu không mang ý nghĩa thực tiễn, không có ý nghĩa quyết định xác định quyền sở hữu. Tài sản nhãn hiệu được coi thuộc về người có quyền sở hữu nhờ sự tôn trọng các chuẩn mực xử sự trong cộng đồng người có tổ chức, các chuẩn mực mà pháp luật áp đặt cho người thứ ba. Trong trường hợp quyền sở hữu đối với nhãn hiệu bị xâm hại thì chủ sở hữu không thể kiện đòi lại tài sản mà chỉ có thể khởi kiện, khiếu nại trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ các lợi ích của mình.
Theo quy định của WIPO chủ sở hữu nhãn hiệu có hai quyền cơ bản là quyền sử dụng và quyền không cho người khác được sử dụng nhãn hiệu đó. Do đó, pháp luật Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nhật Bản mặc dù có quy định về những quyền cụ thể khác nhau như về cơ bản vẫn thuộc hai quyền này.
4.1 Quyền sử dụng nhãn hiệu.
Quyền sử dụng nhãn hiệu theo nghĩa rộng là quyền của chủ nhãn hiệu đã đăng ký được dùng nhãn hiệu của mình theo một cách thức mà mình muốn để có lợi cho mình. Pháp luật các nước Mỹ, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc quy định khá giống nhau về quyền này và được phân thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất: nhóm các quyền liên quan trực tiếp đến nhãn hiệu đối với
việc thực hiện các hành vi như gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, nhãn mác hàng hóa và dịch vụ của mình. Đồng thời nhóm này cũng bao gồm các quyền của chủ nhãn hiệu được sử dụng nhãn hiệu của mình trong quảng cáo, các giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh... Đây là những quyền liên quan trực tiếp đến nhãn hiệu, phổ biến nhất và được thực hiện thường xuyên bởi chủ nhãn hiệu. Thông qua quyền này chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền khai thác các tính năng, công dụng của nhãn hiệu để thu được những lợi ích vật chất cao nhất.
Nhóm thứ hai: nhóm quyền liên quan đến các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn
hiệu. Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền đưa sản phẩm có gắn nhãn mác đó ra thị trường. Hành vi đưa sản phẩm có gắn nhãn mác ra thị trường bao gồm cả quyền sản xuất và đưa hàng hóa có mang nhãn hiệu ra thị trường nội địa hoặc quyền nhập khẩu hàng hóa có mang nhãn hiệu vào thị trường hoặc xuất khẩu hàng hóa có gắn nhãn hiệu ra thị trường nước ngoài. Đây là nhóm quyền có thực tiễn thực hiện đa dạng và phức tạp nhất trong nhóm này, do không chỉ có chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện quyền này mà còn có rất nhiều người khác được chủ nhãn hiệu cho phép (licensee) cũng cùng thực hiện quyền này.
Các nước có nền kinh tế phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc giới hạn quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu được chi phối đến đâu trong quá trình lưu thông sản phẩm được xác định rất rõ. Khi người chủ nhãn hiệu đưa hàng hóa dưới nhãn hiệu đã đăng ký ra thị trường thì họ sẽ không có quyền ngăn cản hay can thiệp vào quá trình lưu thông hàng hóa trong thương mại.
4.2 Quyền cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình
Quyền cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu được pháp luật thừa nhận nhằm bảo hộ quyền sở hữu của chủ nhãn hiệu đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và xã hội nói chung, giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm mà mình mong đợi.
Theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền phản đối bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ. Cấm tổ chức, cá nhân khác gắn các
nhãn hiệu tương tự tới mức gây nhầm lẫn lên các sản phẩm, dịch vụ cùng loại với sản phẩm, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc ngăn cản việc cá nhân, tổ chức sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự cho các hàng hóa, dịch vụ mà các hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Pháp luật Anh quy định trực tiếp về vấn đề này, theo đó chủ nhãn hiệu có
quyền ngăn cấm bất kỳ ai sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trong lãnh thổ nước Anh mà không được sự đồng ý của chủ nhãn hiệu (Điều 60.4 Luật nhãn hiệu Anh).
Trong khi đó Pháp luật Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản lại không quy định
một cách cụ thể thành văn nội dung của quyền này mà chỉ quy định nội dung các
quyền độc quyền sử dụng của chủ nhãn hiệu đối với hàng hóa đã đăng ký sau đó
quy định tất cả các hành vi vi phạm sự độc quyền này sẽ bị coi là vi phạm và bị xử lý ở mức độ khác nhau. Pháp luật Nhật Bản thậm chí còn quy định bất kỳ người nào vi phạm các quyền nhãn hiệu sẽ phải chịu chế tài hình sự (Chương 7 Luật nhãn hiệu Trung Quốc, Điều 36 Luật nhãn hiệu Nhật Bản).
5. Thực thi quyền đối với nhãn hiệu
Khái niệm thực thi quyền có thể được hiểu trong một phạm vi rất rộng. Đó là việc áp dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn, trong đó bao gồm hoạt động xác lập quyền, hoạt động giải quyết tranh chấp, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu và cả hoạt động nhằm điều chỉnh những quan hệ liên quan đến việc làm thoả mãn lợi ích của người thứ ba cũng như toàn xã hội đối với việc sử dụng nhãn hiệu.
Tuy nhiên, ở đây thực thi quyền sở hữu nhãn hiệu được tiếp cận ở một góc độ hẹp hơn. Việc thực thi quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa là thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu và ngăn chặn, xử lý người khác sử dụng, khai thác trái phép nhãn hiệu được bảo hộ.
5.1 Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Cùng với sự tăng lên nhanh chóng của các nhãn hiệu được đăng ký và sử dụng trên thị trường, số lượng các vụ việc vi phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng
ngày càng gia tăng. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu, bảo vệ người tiêu dùng và trật tự xã hội nói chung, pháp luật Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nhật Bản có những quy định nhằm bảo vệ quyền SHTT nói chung, nhãn hiệu nói riêng bằng việc quy định các hành vi xâm phạm cũng như các biện pháp, cách thức xử lý các hành vi vi phạm đó.