1.3.1 .Bảo hộ BMKD khuyến khích hoạt động nghiên cứu và sáng tạo
1.3.3 Bảo vệ quyền dân sự cơ bản của con người
Cơ sở lý luận cho pháp luật về sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu của con người. Theo triết học Mác – Lênin, nhờ có lao động mà con người tạo ra của cải vật chất, cũng qua quá trình lao động thì trình độ của con người ngày càng được nâng cao làm cho xã hội phát triển tuy có những bước thăng trầm nhưng luôn theo chiều hướng đi lên, đó là quy luật tất yếu của sự phát triển về tự nhiên và xã hội. Do đó, cơ sở của quyền sở hữu là lao động. Bất kỳ ai cũng có quyền sở hữu đối với thành quả lao động do mình làm ra hoặc do mình đầu tư công sức, tài sản, trí tuệ mà có. Đây chính là quyền dân sự cơ bản của con người. Lúc đầu, người ta chỉ công nhận quyền sở hữu là quyền đối với tài sản hữu hình còn các thành quả lao động từ hoạt động trí tuệ thì mãi sau này cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học – công nghệ, mới được coi là một loại tài sản mà con người có thể sở hữu chúng. Tuy ra đời sau nhưng những
tài sản vô hình đó lại góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhân loại trên mọi mặt vì đó là nguồn của cải vô tận của xã hội. Hiến chương Liên hợp quốc về nhân quyền năm 1948 cũng đã quy định tại khoản 1 Điều 27 về quyền dân sự cơ bản của con người như sau: “Mọi người có quyền lao động, sáng tạo và được hưởng những lợi ích vật chất từ thành quả lao động sáng tạo của mình”. Ở Việt Nam, khi ban hành Bộ luật dân sự 1995 với bốn điều về lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã thể hiện rõ rằng quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền dân sự.
BMKD cũng là một loại tài sản trí tuệ, việc bảo hộ quyền SHCN đối với BMKD cũng là bảo vệ quyền dân sự cơ bản của con người. Chủ sở hữu có đủ các quyền về nhân thân và quyền về tài sản đối với BMKD của mình. Đặc trưng của các loại tài sản vô hình là ở chỗ chủ sở hữu khó quản lý, kiểm soát hay ngăn cản người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình khi người ta đã biết đến nó. Đặc trưng này đòi hỏi pháp luật phải đảm bảo cho chủ sở hữu quyền được công bố hay không công bố công khai tài sản trí tuệ do mình tạo ra hoặc đầu tư công sức, tiền bạc và thời gian tạo ra. BMKD cũng vậy, việc giữ bí mật chúng là điều kiện sống còn của BMKD thế nhưng việc này lại rất khó, việc rò rỉ thông tin rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD là nhằm đảm bảo cho các cá nhân được quyền quản lý, kiểm soát tài sản của mình tránh khỏi các hoạt động chiếm đoạt hoặc sử dụng bất hợp pháp – quyền dân sự cơ bản của con người.