2.3. Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
2.3.1. Do sự kiện bất khả kháng
Bất khả kháng là yếu tố miễn trừ trách nhiệm hợp đồng cơ bản mà hầu hết các hệ thống pháp luật thừa nhận. Hoạt động thi công xây dựng là một hoạt động mà thời gian thực hiện kéo dài và bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết. Bởi vậy, việc thực hiện các nghĩa vụ theo HĐTCXD, đặc biệt là nghĩa vụ của nhà thầu thi công bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố thời tiết như mưa, bão, lũ,
sóng thần… Điều 50, Nghị định 48 quy định“Bất khả kháng là một sự kiện rủi ro không thể chống đỡ nổi khi nó xảy ra và không thể lường trước khi ký kết hợp đồng xây dựng như: động đất, bão, lốc, lũ, lụt, sóng thần, lở đất hay hoạt động núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh” [4]. Theo quy định này thì pháp luật vừa
định nghĩa bất khả kháng và vừa liệt kê bất khả kháng trong xây dựng bao gồm những gì. Điều này có tính chất cụ thể hóa yếu tố bất khả kháng trong hoạt động xây dựng, tránh tình trạng một bên lợi dụng các sự kiện thời tiết khác là yếu tố bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm do vi phạm HĐTCXD. Mặc dù không được ghi nhận đầy đủ về vị trí và vai trò của bất khả kháng trong hoạt động xây dựng, nhưng việc áp dụng yếu tố này là một điều kiện miễn trừ trách nhiệm do vi phạm HĐTCXD là phù hợp với quy định chung của pháp luật về hợp đồng. Các yếu tố như động đất, bão, lốc, lũ, lụt, sóng thần, lở đất hay hoạt động núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh được coi là yếu tố miễn trừ trách nhiệm do vi phạm HĐTCXD khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Đây phải là sự kiện xảy ra một cách khách quan. Sự kiện này có thể là những sự kiện tự nhiên như thiên tai (động đất, bão, lốc, lũ, lụt, sóng thần, lở đất hay hoạt động núi lửa) nhưng cũng có thể là sự kiện do con người gây ra (chiến tranh) hoặc một nguyên nhân khác (dịch bệnh). Sự khách quan được hiểu là nó nằm ngoài ý chí chủ quan của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, các bên không biết trước hoặc không lường trước được sự kiện này. Dù các bên có muốn hay không muốn thì sự kiện đó vẫn xảy ra, các bên không thể
tác động đến nó. Trong hoạt động thi công xây dựng, các sự kiện này đã được quy định cụ thể, các sự kiện khác sẽ không được chấp nhận.
- Sự kiện xảy ra các bên không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng có thể. Yếu tố không thể khắc phục được ở đây chính là việc khi nó xảy ra, các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống đỡ, khắc phục các hậu quả do sự kiện đó gây ra hoặc có thể gây ra nhưng không thể khắc phục và chống đỡ nổi. Theo đó, bên vi phạm HĐTCXD phải chứng minh được mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng sẵn có để khắc phục nhưng không khắc phục được.
- Sự kiện bất khả kháng và việc vi phạm HĐTCXD phải có mối quan hệ nhân quả với nhau. Theo đó sự kiện bất khả kháng (động đất, bão, lốc, lũ, lụt, sóng thần, lở đất hay hoạt động núi lửa…) phải là nguyên nhân dẫn đến việc một bên vi phạm nghĩa vụ của mình, ngược lại việc một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là do sự kiện bất khả kháng gây ra khi họ đã dùng mọi biện pháp để khắc phục nhưng không khắc phục được và vì không khắc phục được mà dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện theo HĐTCXD. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả nêu trên thuộc về bên vi phạm nghĩa vụ HĐTCXD.
- Thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng là sau khi ký kết HĐTCXD. Khi tham gia ký kết hợp đồng, các bên không dự kiến, không lường trước (tiên liệu) được sự kiện khách quan sẽ xảy ra. Sự kiện bất khả kháng đã xảy ra khi các bên thực hiện các nghĩa vụ của mình, chính vì nó mà các bên đã không thực hiện được nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng dẫn tới vi phạm HĐTCXD đối với bên kia.