Pháp luật Việt Nam về ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 64 - 65)

Luật Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Luật đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho các cơ quan nhà nước thống nhất thực hiện một quy trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, thúc đẩy các quan hệ đối ngoại của nước ta phát triển mạnh mẽ, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính từ năm 1995 đến 2005, số lượng điều ước quốc tế của Việt Nam ký kết đã bằng số lượng của gần 50 năm trước đó. Trong tiến trình hội nhập, điều ước quốc tế thực sự trở thành một công cụ pháp lý quan trọng của Nhà nước nhằm thiết lập và thúc đẩy quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, xã hội… Bên cạnh đó, hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế còn đóng vai trò tích cực đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức và thực thi pháp luật ở Việt Nam.

Luật Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế gồm 9 chương, 107 điều, quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến ký kết và gia nhập điều ước quốc tế, như: trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế, gia nhập điều ước quốc tế; bảo lưu điều ước quốc tế nhiều bên; hiệu lực, áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký điều ước quốc tế; thực hiện điều ước quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Vấn đề về gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được quy định tại Chương III của Luật Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế (từ Điều 49 đến Điều 53). Gia nhập điều ước quốc tế là một hành vi pháp lý riêng biệt, làm phát sinh sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chương này quy định chi tiết thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục, hồ sơ trình và việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và yêu cầu tham gia cá thể chế kinh tế, tài chính đa phương thông qua việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên.

Tại Chương này Luật cũng bổ sung việc phải trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong trường hợp đề xuất gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quy định rõ hơn thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 64 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)