Đặc điểm nghề cá biển của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 50 - 53)

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Việt Nam đứng thứ 11 trên thế giới về sản lượng khai thác thuỷ sản, trong đó khai thác hải sản luôn giữ vai trò quan trọng trong ngành Thuỷ sản, đã đóng góp lớn vào việc cung cấp thực phẩm cho nhân dân và nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, giải quyết công việc làm cho ngư dân và góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển.

Tổng sản lượng hải sản khai thác trong 10 năm gần đây tăng liên tục, với tốc độ tăng bình quân khoảng 9%/năm. Sản lượng khai thác hải sản tăng mạnh, Cụ thể như sau: năm 2004 là 1.724.200 tấn; năm 2005 là 1.809.700 tấn; năm 2006 là 1.808.200 tấn; năm 2007 là 2.060.000 tấn.

Số lượng tàu thuyền khai thác hải sản và tổng công suất máy tàu thời kỳ 1994 – 2000 tăng lên không ngừng, tổng công suất máy tàu từ 1.443.950 mã lực tăng lên 4.721.700 mã lực (tăng 30%), trong khi đó sản lượng khai thác tăng từ 878.474 tấn lên 1.724.206 tấn (tăng 51%). Điều này có nghĩa là năng suất khai thác tính theo mỗi mã lực máy tàu giảm liên tục từ 0,61 tấn/mã lực/năm (năm 1994) xuống còn 0,36 tấn/mã lực/năm (năm 2004). Việc giảm liên tục về năng suất khai thác liên quan đến sự tăng số lượng tàu thuyền và công suất máy tàu cũng đi đôi với sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ, tỷ lệ cá tạp trong các mẻ lưới ngày càng cao, chiếm 30 – 80% sản lượng đánh bắt. Doanh

thu của các hoạt động khai thác hải sản có xu hướng thấp dần, tỉ lệ các tàu bị lỗ trong sản xuất ngày càng cao.

Hầu hết các tàu cá của nước ta đều được đóng bằng gỗ. Các tàu cá chỉ có hầm chứa nước đá, muối, chưa có hệ thống bảo quản lạnh hiện đại. Vì vậy, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch bị giảm sút, gây lãng phí và thiệt hại kinh tế cho ngư dân. Đa số các tàu khai thác xa bờ có két chứa dầu, nước ngọt quá nhỏ, không đủ cung cấp cho tàu hoạt động dài ngày trên biển.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có thể nói, nguồn lợi thủy sản Việt Nam đã bị khai thác với cường lực quá cao, thậm chí ở một số vùng gần bờ đã quá giới hạn cho phép. Những kết quả điều tra nguồn lợi hải sản gần đây cho thấy, nguồn lợi hải sản gần bờ và xa bờ đều giảm nhiều so với 10 năm trước. Vì vậy, cần phải hạn chế và giảm dần cường lực khai thác, đồng thời cũng nên thận trọng khi phát triển đội tàu đánh cá. Khai thác hải sản của Việt Nam nên dừng lại ở mức tổng sản lượng hải sản không vượt quá 1,7 triệu tấn/năm. Việc phát triển nghề cá xa bờ nhằm giảm áp lực khai thác vùng biển ven bờ cần phải có kế hoạch đồng bộ bao gồm đội tàu, kỹ thuật khai thác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, dự báo ngư trường… nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Hiện nay, nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ đã bị khai thác quá mức, đang có nguy cơ cạn kiệt. Trong khi đó, số lao động trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản đang ngày một gia tăng, nếu như năm 2000 có 520.000 người thì cho tới nay, con số này đã lên tới trên một triệu lao động. Vì vậy, việc hướng cho ngư dân đi khai thác ở các vùng biển xa, biển cả và vùng biển của các nước khác (theo thoả thuận) là nhu cầu cấp thiết. Theo đó, Nhà nước ta cần chủ động để tham gia các Tổ chức nghề cá khu vực, cũng như tham gia các điều ước quốc tế về nghề cá.

Việc xây dựng các cảng cá, bến cá giai đoạn từ 1990 – 2000 đã có bước thay đổi lớn, tăng nhanh về số lượng. Những cảng cá và bến cá ở vùng ven biển và trên các hải đảo đã đáp ứng được một phần nhu cầu trú đậu, bốc dỡ sản

phẩm, trao đổi hàng hoá của các tàu đánh cá. Một số cảng cá đã phát huy tác dụng như: Cát Bà (Hải Phòng), Thuận Phước, âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), Phan Thiết (Bình Thuận), Cát Lở (Bà Rịa – Vũng Tàu), Tắc Cậu (Kiên Giang)…

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 66 cảng cá, 137 bến cá. Tuy nhiên các cảng cá đều ở trong tình trạng xuống cấp cả về cầu cảng, rất nhiều cảng chưa có hệ thống báo hiệu luồng lạch, chỉ 8 trong số 10 cảng cá lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB) là hoạt động hiệu quả, các cảng cá còn lại chỉ có cầu bến và nhà công vụ, thực chất các cảng cá này chỉ là một bến cá chứ chưa phải là một cảng cá theo đúng nghĩa. 137 bến cá còn lại chỉ là các điểm lên cá (bến cá tự do) [24].

Hệ thống hạ tầng dịch vụ trên các cảng cá, bến cá như cung cấp nhiên liệu xăng dầu, nước đá bảo quản, nước sinh hoạt, cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền ở một số cảng cá, bến cá đã được xây dựng hoàn chỉnh, tuy nhiên, phần lớn các cảng cá dịch vụ này có quy mô còn nhỏ và chưa đồng bộ.

So với nhu cầu phát triển chung của ngành Thuỷ sản, cơ sở hạ tầng nghề cá hiện nay vẫn còn hạn chế. Đứng về mặt tổng thể, hệ thống bến cá, cảng cá của cả nước chưa hoàn thiện, chưa tạo được các cụm cảng cá trung tâm cho từng vùng lãnh thổ, làm cơ sở cho việc hình thành các cụm công nghiệp nghề cá lớn của cả nước trong tương lai.

Hệ thống chợ cá còn ít và chưa phát huy tác dụng tốt, chưa có hệ thống chợ bán buôn thuỷ sản ngay cạnh cảng cá. Hình thức bán đấu giá ở các chợ chưa phát triển. Việc mua bán, tiêu thụ cá ở các chợ cá phần lớn do các “đầu nậu”

đảm nhiệm.

Hiện trạng cơ cấu và số lượng tàu cá hoạt động khai thác hải sản xa bờ: Về tổng số tàu cá: Năm 2000 có 9.766 tàu cá, năm 2007, đã lên tới 21.130 chiếc (tăng gần 2,16 lần)

Tổng công suất: Năm 2000 có 1.385,1 nghìn mã lực, năm 2007 đã tăng thành 3.091,6 nghìn mã lực (tăng 2,23 lần), (Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) [39].

Hiện trạng nghề khai thác thuỷ sản của Việt Nam là nghề cá nhân dân - nghề cá truyền thống với tàu thuyền nhỏ, công suất thấp, khả năng và kỹ thuật khai thác ở các vùng biển xa bờ còn lạc hậu, ngư dân còn nghèo, thiếu vốn sản xuất. Ngư dân còn thiếu thông tin về nguồn lợi xa bờ, ngư trường và mùa vụ; thiếu hậu cần dịch vụ dẫn đến tình trạng khai thác mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Do đó số tàu cá hoạt động xa bờ còn ít. Cũng có một số tàu cá đi khai thác thủy sản ở những vùng nước lân cận, liền kề, như đi khai thác ở vùng biển chồng lấn trong Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000, một số tàu cá khác đi khai thác theo hợp đồng hợp tác liên danh trên cơ sở thuê tàu trần hoặc thuê thuyền viên của ta sang khai thác thuỷ sản ở nước đó. Hình thức này mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, giữa các doanh nghiệp với nhau (Việt Nam với Brunêy, Việt Nam với Malaixia...). Tuy nhiên, cho đến nay hầu như chưa có tàu nào của Việt Nam đi khai thác thuỷ sản ở vùng biển cả.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 50 - 53)