Các Hội nghị không chính thức

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 40 - 41)

Hội nghị không chính thức của các quốc gia thành viên họp lần đầu tiên vào tháng 7/2002 đã thảo luận về việc rà soát thực thi Hiệp định năm 1995 tại các nước thành viên và các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, thực thi phần VII (những yêu cầu đối với các nước đang phát triển), bao gồm việc thiết lập chương trình hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, những thay đổi đối với các thông tin được yêu cầu và thực trạng các báo cáo của các quốc gia là thành viên và không phải là thành viên của Hiệp định, cũng như tương lai của Nghị quyết của Đại hội đồng về các vấn đề liên quan đến nghề cá, cùng với những vấn đề khác.

Hội nghị không chính thức của các quốc gia thành viên họp lần thứ hai vào tháng 7/2003, tập trung đánh giá những tác động của việc thi hành Hiệp định đối với các văn kiện liên quan hoặc được đề xuất thông qua Liên hợp quốc, thành lập quỹ hỗ trợ theo Phần VII và chuẩn bị dự thảo điều kiện tham chiếu của quỹ này, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quốc tế tham gia vào việc thực thi Hiệp định và xem xét phần II, về bảo tồn và quản lý các đàn cá.

Hội nghị không chính thức của các quốc gia thành viên họp lần thứ ba vào tháng 7/2004, thảo luận về những phát triển mới trong việc thi hành Hiệp định tại các nước thành viên, bao gồm: tăng cường nhiệm vụ của các quốc gia mà tàu cá mang cờ; thực thi trong phạm vi khu vực, kể cả thành lập các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực mới; cập nhật những đề xuất của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu; tổng kết việc thực thi các điều khoản của Phần VII, kể cả những đóng góp vào quỹ hỗ trợ và công tác chuẩn bị cho Hội nghị rà soát.

Hội nghị không chính thức của các quốc gia thành viên họp lần thứ tư vào tháng 6/2005, tập trung vào các vấn đề về thể chế, thủ tục quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị rà soát, dựa vào bản tham luận tiền đề của Chủ tịch Hội nghị về các tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả của Hiệp định và các đề xuất khả thi nhằm tăng cường tính hiệu lực của các điều khoản được quy định trong Hiệp định. Tại hội nghị này các đại biểu đã thảo luận về khung thời gian và chương trình làm việc của Hội nghị rà soát, dự thảo chương trình nghị sự cho hội nghị

trù bị và tổng hợp các khuyến nghị để trình Đại Hội đồng liên quan tới công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị rà soát.

Hội nghị không chính thức của các quốc gia thành viên họp lần thứ năm vào tháng 3/2006, được coi là hội nghị trù bị cho Hội nghị rà soát. Tại buổi trao đổi liên quan đến bản báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc phê chuẩn và gia nhập Hiệp định, đặc biệt là các quốc gia có nghề khai thác thuỷ sản; ưu tiên các hành động chống lại sự suy thoái của các hệ sinh thái biển; thành lập các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực mới; tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Các bên không phải là thành viên bày tỏ mối quan ngại về các hoạt động được thực thi ở biển cả và sự lạm dụng có thể có về quyền của các quốc gia mà tàu cá mang cờ, trong khi đó các quan sát viên đề nghị thúc đẩy công tác báo cáo về việc khai thác thuỷ sản ở biển cả đối với các đàn cá riêng biệt và cấm tạm thời việc sử dụng các hình thức khai thác có tính huỷ diệt ở ngoài khơi.

Các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề liên quan đến các khuyến nghị dự kiến được nêu trong Hội nghị rà soát, đặc biệt là dự thảo quy định về thủ tục biểu quyết, thành phần ban thư ký và ban soạn thảo, các đầu ra của Hội nghị và các hoạt động dự kiến trong tương lai. Các thảo luận tập trung vào hình thức tham gia của các nước không phải là thành viên trong Hội nghị, cũng như phạm vi tham gia của họ trong quá trình đưa ra quyết định. Liên quan đến dự thảo quy chế về trình tự, thủ tục bỏ phiếu, hầu hết các nước là thành viên của Hiệp định nhất trí với việc Hội nghị có thể tiến hành bỏ phiếu đối với các vấn đề quan trọng, trong đó các nước là thành viên có quyền bỏ một phiếu, còn các nước không phải là thành viên có quyền đưa ra ý kiến và được ghi lại trong biên bản hội nghị. Tuy nhiên, có một số nước không phải là thành viên không nhất trí với đề xuất này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Việt Nam gia nhập hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 thách thức và giải pháp (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)