Áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án trong giai đoạn thi hành bản án hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng pháp luật hình sự của tòa án nhân dân (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa ) (Trang 56 - 59)

hành bản án hình sự

Theo quy định tại phần thứ năm của BLTTHS năm 2003, Điều 20 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thì Tòa án còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn thi hành án hình sự, như: Chánh án hoặc phó chánh án làm Chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, quyết định thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 255, 256 BLTTHS năm 2003), yêu cầu truy nã với người bị kết án bỏ trốn (khoản 4 điều 256 BLTTHS năm 2003), quyết định việc tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án đối với người bị kết án chưa hoặc đang chấp hành án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 61, 62 BLHS năm 1999, quyết định miễn hình phạt tù trong trường hợp chính sách hình sự thay đổi không xem một hành vi nào đó là có tội nữa theo BLHS sửa đổi năm 2009, hoặc người bị kết án lập công, mắc bệnh hiểm nghèo theo Điều 57 BLHS năm 1999, quyết định giảm hình phạt cho người bị kết án đã tích cực chấp hành án theo quy định tại Điều 58, 59, 76 BLHS năm 1999, quyết định đưa người bị kết án đi bắt buộc chữa bệnh theo Điều 311, 315 BLTTHS năm 2003, quyết định hoặc cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án nếu sau khi chấp hành xong bản án một thời gian luật định không phạm tội mới theo Điều 270, 271 BLTTHS năm 2003.

Thi hành bản án và quyết định của Tòa án là giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết án hình sự nói chung. Dưới góc độ lý luận, đây là giai đoạn tổ chức thực hiện văn bản ADPL, cụ thể là thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc tổ chức thi hành đầy đủ các quyết định của Tòa án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Các quyết định của bản án được đưa ra thi hành phải đúng với trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn. Những bản án và quyết định được đưa ra thi hành phải là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, theo qui định tại Điều 255 BLTTHS năm 2003 bao gồm:

- Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm sau khi hết thời hạn kháng cáo kháng nghị (30 ngày kể từ ngày tuyên án), không bị kháng cáo kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;

- Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; - Những quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Việc quy định rõ ràng thời hạn thi hành bản án, quyết định của Tòa án thể hiện việc chặt chẽ trong trình tự thủ tục thi hành bản án. Điều 256 BLTTHS quy định:

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành bản án hoặc ủy thác cho Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án [45]. Ra quyết định thi hành bản án và quyết định của Tòa án là giai đoạn độc lập với hoạt động xét xử nhưng phụ thuộc vào kết quả xét xử của Tòa án. Tất cả các bản án, quyết định của Tòa án là kết quả của một quá trình tố tụng từ khởi tố vụ án đến điều tra truy tố xét xử, phải được đưa ra thi hành để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cả quá trình tố tụng. Các trường hợp người bị kết án bị bệnh nặng hoặc có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là lao động duy nhất trong gia đình, vì lý do công vụ đủ điều kiện theo quy định tại Điều 61 BLHS năm 1999 có thể xem xét được hoãn chấp hành hình phạt tù, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của nhà nước ta.

Ra quyết định thi hành bản án của Tòa án khẳng định những bản án cụ thể có hiệu lực pháp luật, yêu cầu các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải thi hành nghiêm túc bản án của Tòa án, là sự chính thức hóa của cơ quan nhà nước trong việc cưỡng chế các chủ thể bị ADPL phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý mà Tòa án đã quyết định. Theo quy định tại Điều 257 BLTTHS năm 2003 thì việc thực hiện quyết định thi hành án của Tòa án được pháp luật

giao cho nhiều cơ quan khác nhau, như: Công an thi hành hình phạt tù, hình phạt tử hình, trục xuất. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), phần dân sự của bản án, án phí, thực hiện việc xử lý vật chứng… Tòa án ra quyết định thi hành các loại hình phạt: Tử hình, hình phạt tù, hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt trục xuất.

Cơ quan công an phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án biết về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được phải nêu rõ lý do. Nếu người bị kết án bỏ trốn thì chánh án đã ra quyết định thi hành án phải có văn bản yêu cầu cơ quan công an ra quyết định truy nã bắt người bị kết án đi chấp hành án.

Nếu người bị kết án đang tại ngoại chưa chấp hành hình phạt tù mà mắc bệnh hiểm nghèo hoặc lập công lớn và xét thấy không còn nguy hiểm cho xã hội, được Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đề nghị miễn chấp hành hình phạt thì Tòa án cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét miễn hình phạt tù gồm 03 thẩm phán xem xét có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho người bị kết án được đề nghị theo Điều 57 BLHS năm 1999.

Khi chấp hành được 1/3 thời hạn chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách của án treo, mà người kết án có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt pháp luật, quy định của cơ quan thi hành án và được cơ quan thi hành án đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, thời hạn cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách của án treo. Tòa án phải thành lập Hội đồng xét giảm gồm 03 thẩm phán hoặc 01 thẩm phán, 02 Hội thẩm xem xét quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc thời gian thử thách cho họ. Dù được giảm thời hạn nhưng người bị kết án tù chung thân phải đảm bảo chấp hành thực tế được 20 năm tù, người chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, thời hạn thử thách của án treo phải bảo đảm chấp hành thực tế được 1/2 thời hạn. Trường hợp đặc biệt người già yếu, ốm đau, vị thành niên, lập công

trong quá trình cải tạo có thể được xét giảm án sớm hơn nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành thực tế là 2/5 thời hạn.

Tuy không phải là cơ quan thi hành án hình sự nhưng Tòa án có trách nhiệm phải ra quyết định đưa ra thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật theo đúng trình tự thủ tục luật định, quyết định việc cho người bị kết án hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, miễn, giảm hình phạt tù, thời gian thử thách của án treo, thời hạn cải tạo không giam giữ, thời hạn cấm cư trú, thời hạn chấp hành quản chế, phải theo đúng điều kiện, tiêu chuẩn luật định. Để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa đảm bảo thực hiện đúng chính sách hình sự nhân đạo, quyền của người bị kết án trong giai đoạn thi hành bản án hình sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng pháp luật hình sự của tòa án nhân dân (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa ) (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)