Giai đoạn năm 1980 – 1994

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo vệ người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực trạng và giải pháp 07 (Trang 32 - 34)

Việt Nam bắt đầu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 1980. Trong giai đoạn này hoạt động hợp tác lao động thực hiện theo cơ chế tập trung bao cấp và chủ yếu với một số nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi. Cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc bảo vệ người lao động Việt

Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời kỳ này là Quyết định 46/ CP ngày 11/02/1980 quy định về việc đưa công nhân và cán bộ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ và làm việc có thời hạn tại các nước XHCN, Nghị quyết số 362/CP ngày 29/11/1980 về việc hợp tác sử dụng lao động với các nước XHCN.

Đến năm 1986, đường lối đối mới toàn diện đất nước được mở ra trong đó có hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiềm năng lao động xã hội, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 108/HĐBT ngày 30/06/1988 chỉ thị các ngành, các cấp thực hiện tốt chủ trương mở rộng hợp tác lao động và chuyên gia với nước ngoài. Chỉ thị cho phép thành lập các tổ chức kinh tế xuất khẩu lao động và chuyên gia. Đây có thể nói là mốc đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 1989 nhiều biến động chính trị lớn xảy ra tại các nước Đông Âu và khủng hoảng kinh tế, chính trị tại nhiều nước châu Phi dẫn đến phần lớn các nước này không còn nhu cầu nhận lao động Việt Nam, nhiều công nhân Việt Nam tuy chưa hết hợp đồng nhưng vẫn phải trở về nước.

Bước sang năm 1991, chủ trương và chính sách đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã được đổi mới một cách căn bản so với thời kỳ hợp tác lao động. Ngày 9/11/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 370/HĐBT về việc ban hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong đó quy định đổi mới phương thức và mục tiêu đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, coi hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hoạt động kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định cụ thể quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức kinh tế cũng như

trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, bộ, ngành, các cấp trong việc chăm lo và bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ việc tìm kiếm thị trường, lựa chọn hình thức đưa người lao động đi làm việc phù hợp với yêu cầu công việc, bảo đảm thực hiện các điều khoản hợp đồng như đã cam kết và thỏa thuận với người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài, đến trách nhiệm đưa người lao động về nước và giải quyết chính sách, chế độ cho người lao động theo quy định (Điều 6, 8, 9, 12, 13, 14 Nghị định số 370/HĐBT ngày 9/11/1991 về việc ban hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài).

Những quy định về bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn này bước đầu cũng thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với nhóm đối tượng lao động này. Tuy nhiên những quy định đó còn hết sức chung chung và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên thực tế chưa được áp dụng thường xuyên, hiệu quả bảo vệ chưa cao, nhiều người lao động bị xâm hại quyền lợi nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nắm bắt được tình hình hoặc không bảo vệ được tạo nên tâm lý lo sợ, e ngại khi đi làm việc ở nước ngoài của người lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo vệ người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực trạng và giải pháp 07 (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)