và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tập trung chủ yếu bảo người lao động ở tất cả các giai đoạn: trước khi đi làm việc ở nước ngoài, trong thời gian làm việc ở nước ngoài và sau thời gian làm việc ở nước ngoài ở tất cả các hình thức hợp đồng.
2.1.1. Nội dung bảo vệ người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nước ngoài theo hợp đồng
Ngay từ lúc có nhu cầu, nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài người lao động đã phải được sự quan tâm, bảo vệ của pháp luật, bởi nếu không được bảo vệ họ dễ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động và hứng chịu hàng loạt các rủi ro khi ra nước ngoài làm việc. Bảo vệ người lao
động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành tập trung chủ yếu các nội dung:
- Đảm bảo cho mọi người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hiểu và nắm bắt rõ mọi thông tin liên quan đến chính sách và việc làm ngoài nước.
Việc cung cấp các thông tin cần thiết về việc đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện một cách công khai trong quá trình tuyển chọn lao động, tư vấn trực tiếp, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Khi người lao động hiểu và nắm bắt rõ chính sách và pháp luật của Việt Nam, của quốc gia tiếp nhận lao động họ có thể an tâm lên đường sang nước ngoài làm việc hơn. Trong lượng lớn các thông tin về chính sách và pháp luật Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì các thông tin liên quan đến điều kiện được đi làm việc ở nước ngoài của người lao động và nghĩa vụ tài chính mà người lao động phải thực hiện là những thông tin quan trọng mà mỗi một người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc quan tâm đầu tiên và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp.
Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có đủ các điều kiện luật định về năng lực hành vi dân sự, sự tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; trình độ ngoại ngữ, tay nghề [30, Điều 42, Điều 50] và đặc biệt là phải đi làm việc ở nước ngoài theo một trong bốn hình thức hợp đồng pháp luật quy định.
Trong 4 hình thức hợp đồng pháp luật quy định thì người lao động Việt Nam hiện nay chủ yếu đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp dịch vụ, bởi với hình thức này người lao động chỉ cần trả một khoản tiền cho doanh nghiệp dịch vụ thì có thể “mua” được một công việc ở nước ngoài một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn các hình thức khác. Các doanh nghiệp dịch vụ cũng là đơn vị khai thác thị trường lao động ngoài nước năng động hơn so
với tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp trúng thầu, tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài.
Bất kể một người lao động nào khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cũng muốn được biết chi phí mà họ phải bỏ ra là bao nhiêu, nghĩa vụ tài chính của họ được pháp luật quy định, giới hạn như thế nào. Vì thế pháp luật quy định các doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm cung cấp thông tin tài chính (về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ, phí đào tạo, phí visa, phí vé máy bay...) liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài để người lao động có thể lựa chọn thị trường đi làm việc phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình.
Tiền môi giới: là khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ phải trả cho bên môi giới để ký kết thực hiện hợp đồng cung ứng lao động [30, Điều 20]. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới. Để bảo vệ người lao động và thống nhất trong công tác quản lý, pháp luật quy định về mức trần tiền môi giới người lao động phải hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ, loại tiền nộp và tỷ giá áp dụng việc sử dụng tiền môi giới, quản lý tiền môi giới, những trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không được thu tiền môi giới của người lao động, hoàn trả tiền môi giới. Theo đó, mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng (Mục II Thông tư liên tịch 16/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 4 tháng 9 năm 2007 quy định cụ thể về tiên môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Một số thị trường lao động đặc thù được quy định mức trần tiền môi giới như: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Macau, Séc, Slovakia, Ba Lan... [9]. Để bảo vệ người lao động trong trường hợp họ phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh
nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp, Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới. Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Mục II Thông tư liên tịch 16/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 4 tháng 9 năm 2007 quy định cụ thể về tiên môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài (Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), tiền dịch vụ không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp (kể cả thời gian gia hạn theo hợp đồng) và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới. Mức trần tiền dịch vụ là không quá một tháng tiền tương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc, tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá 03 tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng), Doanh nghiệp thoả thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài (Mục III Thông tư liên tịch
16/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 4 tháng 9 năm 2007 quy định cụ thể về tiên môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Tiền ký quỹ của người lao động do người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Tiền ký quỹ chỉ được thực hiện khi hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được ký kết và người lao động đã được bên nước ngoài chấp nhận làm việc hoặc cấp visa. Pháp luật quy định cụ thể về cách thức nộp tiền ký quỹ của người lao động và ngân hàng, việc quản lý tiền ký quỹ, sử dụng tiền ký quỹ, việc hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động... Căn cứ vào tình hình thực tế tại các thị trường mà Việt Nam cung ứng lao động hiện nay thì khả năng người lao động vi phạm hợp đồng có thể xảy ra ở mọi thị trường lao động vậy nên pháp luật cho phép các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động ký quỹ ở tất cả các thị trường. Tuy nhiên để bảo vệ người lao động trước những yêu cầu, đòi hỏi khoản tiền ký quỹ quá cao, pháp luật cũng quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà Doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động ở một số thị trường lao động Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia,...
Các khoản phí visa và phí vé máy bay sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn quốc gia đến làm việc, mỗi quốc gia khác nhau thì phí visa và phí vé máy bay khác nhau.
Tuy nhiên đa phần người lao động hiện này còn hiểu biết rất mơ hồ và chung chung các quy định về liên quan đến nghĩa vụ tài chính dẫn đến hậu quả bị các doanh nghiệp dịch vụ cao hơn so với mức luật định. Bản thân người lao động vì mục tiêu muốn đi làm việc ở nước ngoài có thể không biết hoặc biết nhưng sẵn sàng “hy sinh” lợi ích trước mắt một cách không chính
đáng. Thị trường Đài Loan và một ví dụ, Đài Loan được đánh giá là thị trường truyền thống rất phù hợp với lao động phổ thông Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang do các đại lý môi giới Đài Loan thực hiện nên họ quyết định từ A-Z trong việc đưa lao động qua Đài Loan làm việc, các công ty môi giới Đài Loan đã tự đặt ra mức thu phí cao ngất ngưởng, và muốn xâm nhập vào thị trường các doanh nghiệp dịch vụ buộc phải chấp nhận, tổng chi phí xuất cảnh của lao động lên tới 6000 - 7000 USD và người lao động phải chạy vạy đủ đường để có tiền đi làm việc Đài Loan, đây cũng chính là nguyên nhân đẩy nhiều lao động đến lựa chọn trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp khi gần hết hợp đồng để bù lại chi phí. Để chấn chỉnh thị trường này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo từ ngày 01/02/2014 trở đi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động qua Đài Loan chỉ được phép thu mức phí không quá 4.000 USD/người lao động đối với các nghành nghề công xưởng, và 3.300 USD/ người lao động đi làm việc với ngành nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thỏa thuận tiền ký quỹ không được quá 1000 USD [18]. Hầu hết lao động có nhu cầu sang làm việc tại Đài Loan đều đã biết và hiểu rõ thông tin này song trên thực tế họ vẫn phải chấp nhận bị thu phí “bên ngoài” với vô vàn lý do mà doanh nghiệp đưa ra.
Lao động Việt Nam muốn đi làm việc ở nước ngoài thì phải biết và hiểu chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động, các thông tin này chủ yếu được phổ biến và cung cấp trong quá trình người lao động tham gia các khóa học giáo dục định hướng và bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Có đảm bảo được những thông tin này thì người lao động mới có thể mạnh dạn hòa nhập cuộc sống ở quốc gia khác được.
Ngoài ra việc đảm bảo cho người lao động nắm bắt được những diễn biến, tình hình đang xảy ra hoặc có thể xảy ra ở nước ngoài cũng là điều vô cùng quan trọng, nếu thuận lợi (chính trị ổn định, nhiều việc làm, thu nhập
cao,...) thì có thể khuyến khích, động viên người lao động đi làm việc nước ngoài, nếu diễn biến tình hình phức tạp, bất lợi cho người lao động (diễn biến chính trị bất ổn, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tệ nạn xã hội...) thì phải cảnh báo, khuyến cáo người lao động không nên đi làm việc tại những quốc gia đó. Để truyền đạt các thông tin đó tới người lao động một cách đầy đủ và chính xác đòi hỏi các chủ thể có trách nhiệm cũng phải là người biết và hiểu rõ các thông tin, thực tế cho thấy có rất nhiều thông tin vượt ra ngoài tầm hiểu biết của các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài và cần đến sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thế nhưng quy định pháp luật mới chỉ nhấn mạnh trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài. Mới đây Luật Việc làm năm 2013 đã quy định Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có trách nhiệm cung cấp chính xác và kịp thời thông tin thị trường lao động theo quy định của pháp luật; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan thu thập và công bố các thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách ngoài các thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; ban hành quy chế quản lý, khai thác, sử dụng và phổ biến thông tin thị trường lao động; xây dựng mạng thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì việc phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động thuộc thẩm quyền (Điều 24, 25, 26 27 Luật Việt làm 2013).
Đánh giá việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua cho thấy còn rất chậm chạp, nhiều vụ việc khi các cá nhân, doanh nghiệp đã đưa “trót lọt” lao động ra nước ngoài và xảy ra những hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan nhà nước mới biết và lên tiếng cảnh báo. Angola là một ví dụ điển hình. Với lời hứa hẹn thu nhập nghìn đô la của
những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động, hàng nghìn người lao động Việt Nam đã lên đường sang Angola làm việc trong sự không kiểm soát được của cơ quan chính quyền địa phương, các bộ, ngành chức năng, tuy nhiên khi sang đến Angola, người lao động vỡ mộng khi phải đối diện với tình trạng không có việc làm, tình hình chính trị bất ổn, tệ nạn xã hội, dịch bệnh, đói khát và không ít người lao động Việt Nam đã tử vong vì sốt rét và tệ nạn cướp bóc. Khi nhận được thông tin đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương cảnh báo trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và tìm cách ngăn chặn luồng di cư lao động trái phép sang Angola vẫn đang diễn ra trên nhiều tỉnh thành (đặc biệt là các tỉnh miền trung: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình...) [12]. Tuy nhiên, do nắm bắt tình hình khá muộn và các biện pháp ngăn chặn, trừng trị những kẻ lừa đảo chưa thực sự nghiêm khắc nên việc bảo vệ người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gần như không đạt hiệu quả mấy, nhiều lao động Việt Nam vẫn bị những kẻ lừa đảo đưa sang Angola làm việc và phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất.
- Đảm bảo việc ra nước ngoài làm việc của người lao động là hợp pháp và theo hình thức hợp đồng.
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp là nhiệm vụ và cũng là mục tiêu của nhà nước. Tính hợp pháp ở đây được thể hiện ở chỗ: không thực hiện các hành vi cấm, ngành nghề bị cấm đi làm việc ở nước ngoài, đi làm việc ở nước ngoài theo đúng hình thức hợp đồng với các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.