2.4. Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp tham gia thị trường vàng thị trường vàng
2.4.1. Quy định pháp lý
Khoản 3 Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định:
3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây:
c) Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ [2, Điều 16].
Cụ thể hóa nội dung của Nghị định, ngày 04/03/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, trao thẩm quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định phương án can thiệp thị trường vàng về: Thời điểm, khối lượng, hình thức, đối tượng, mức giá và các nội dung khác có liên quan. Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia và tình hình biến động tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế can thiệp thị trường trong nước thông qua mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp được phép. Quyết định này đã mở ra khả năng linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước ứng biến với những thay đổi trên thị trường ngay khi những dấu hiệu đầu tiên có thể nhận ra. Cơ sở vật chất cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giao dịch trên thị trường nằm ở lượng vàng tại các kho quỹ do Ngân hàng Nhà nước nắm giữ. Theo Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/05/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, dự trữ ngoại hối được xác định gồm nhiều bộ phận, trong đó, dự trữ ngoại hối chính thức là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự trữ ngoại hối chính thức bao gồm “Quỹ dự trữ ngoại hối” và “Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng”. Liên quan đến thị trường vàng, Nghị định quy định về phạm vi sử dụng Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng, bao gồm:
Can thiệp thị trường ngoại tệ và vàng trong nước.
Đầu tư trên thị trường quốc tế, không bao gồm hoạt động ủy thác đầu tư.
Điều chuyển và hoán đổi ngoại hối với Quỹ dự trữ ngoại hối. Bán hoặc tạm ứng ngoại tệ cho các nhu cầu ngoại hối phát sinh từ các nghiệp vụ tác nghiệp, quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước theo phương án cân đối ngoại tệ đã được phê duyệt [3, Điều 16].
Bổ sung cho các Nghị định kể trên, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/03/2013 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho sự tham gia thị trường vàng trên thực tế. Khi thực hiện cơ chế can thiệp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường.
2.4.2. Thực tiễn áp dụng
Ngay sau thời điểm bộ khung pháp lý cho sự tham gia thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước được hoàn thiện với sự ra đời của Thông tư số 06/2013/TT-NHNN, công việc đã được triển khai một cách nhanh chóng. Cách thức được lựa chọn là tổ chức các phiên đấu giá vàng miếng với sự tham gia của những chủ thể kinh doanh đủ điều kiện. Tính từ ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước mở phiên đấu thầu vàng là ngày 28/03/2013 đến phiên cuối cùng ngày 31/12/2013, đã có 76 phiên đấu thầu được thực hiện.
Theo số liệu thống kê từ các trang báo mạng uy tín, có thể thấy những kết quả đạt được từ các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước:
Trong năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn [24]; Phiên đầu tiên giá trúng thầu là 43,40 triệu đồng/lượng, phiên thứ 76 giá trúng thầu cao nhất là 34,96 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 34,66 triệu đồng/lượng. Hiện nay, giá vàng đã giảm hơn 10 triệu đồng/lượng so với thời điểm khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu siết
chặt cơ chế quản lý [13] . Trong số gần 70 tấn vàng này, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường. So với các năm trước thì năm nay, nhu cầu vàng đã nguội dần (nhu cầu vàng của thị trường các năm trước là khoảng 80 tấn/năm) [24].
Đến năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã dừng các phiên đấu thầu vàng và bỏ ngỏ khả năng tiếp tục triển khai khi thị trường có nhu cầu.
Có thể nói, trong tổng thể các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng, các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước đã thành công nhất ở việc cung ứng nguồn vàng giúp các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, giải quyết khó khăn trước yêu cầu của chính sách mới. Đối với mục tiêu ổn định thị trường, những số liệu thống kê chưa cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Đặc biệt, cho đến nay tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế chưa được khắc phục, ngay cả trong suốt thời gian tiến hành các phiên đấu thầu vàng năm 2013. Bảng số liệu sau phần nào phản ánh thực tế đó.
Sơ đồ 2.1: Biểu đồ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới sau 19 phiên đấu thầu bán vàng của Ngân hàng Nhà nước, từ 28/3 đến 17/5. Sau 19 phiên, Ngân hàng Nhà nước bán được 18 tấn vàng trong tổng số hơn 21,2
Một khi chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế còn tồn tại ở khoảng cách lớn như diễn biến thị trường vàng những năm qua, sự hiện diện của tình trạng buôn lậu và đầu cơ sẽ tiếp diễn và theo những cách thức ngày càng tinh vi.
Thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng cũng xuất phát từ cùng một mục đích bổ sung nguồn cung cho thị trường vàng tại thời điểm diễn biến quá nóng của thị trường. Có nhiều nét tương đồng khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện biện pháp này với việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp thời gian trước đây. Sự khác biệt nằm ở sự chủ động hơn dành cho Ngân hàng Nhà nước khi cùng một lúc đảm bảo bình ổn thị trường vàng đồng thời kiểm soát tốt hơn cho vấn đề tỉ giá. Kết hợp cùng nguyên tắc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã được khẳng định trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức và vận hành thị trường vàng theo mô hình khá giống với cách thức của nghiệp vụ quản lý và điều tiết tiền đồng Việt Nam. Ở đó, một mô hình hai cấp cho thị trường được hình thành với cấp thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là người bán buôn của thị trường vàng miếng; và cấp thứ hai là hệ thống các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng có mối liên hệ với phần còn lại của nền kinh tế.
Thông qua hoạt động đấu thầu bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã tạo nguồn cung ra thị trường vàng. Thị trường vàng miếng đã ổn định, không còn các cơn “sốt vàng” gây bất ổn xã hội. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, ngoài Ngân hàng Nhà nước thì không có tổ chức kinh tế nào có thể đáp ứng được yêu cầu về năng lực điều tiết thị trường với kho dự trữ vàng tương xứng. Mặt khác, thời điểm hiện nay là quá sớm nếu như Ngân hàng
Nhà nước chuyển giao cho thị trường tự điều tiết giá cả với những diễn biến phức tạp trên thị trường vàng cách đây chưa lâu.