dựng chiến lược, kế hoạch và pháp luật quản lý đối với thị trường vàng
2.2.1. Quy định pháp luật
Là một trong những biện pháp cơ bản nhất trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, thẩm quyền xây dựng chiến lược, kế hoạch và pháp luật của Ngân hàng Nhà nước được ghi nhận bởi những văn bản có giá trị pháp lý cao, bao gồm: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước quy định:
2. Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
4. Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng [Luật NHNN, Điều 4].
Điều 40 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối, xây dựng và ban hành chính sách quản lý ngoại hối, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ chứng từ và thông tin báo cáo” [PLNHối, Điều 40].
Phù hợp với nội dung của các văn bản luật, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định trực tiếp hơn về chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước với hoạt
động kinh doanh vàng: “Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.” [ND24, Điều 16].
Qua các quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật đã ghi nhận tương đối đầy đủ về thẩm quyền xây dựng chiến lược, kế hoạch và pháp luật quản lý đối với thị trường vàng. Tuy nhiên, từ góc độ quản lý một cách toàn diện đối với thị trường vàng, hệ thống các quy định dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động quản lý thực tiễn. Theo các quy định hiện hành, thẩm quyền ban hành các văn bản của Ngân hàng Nhà nước chưa bao quát hết tất cả các mối quan hệ xã hội phát sinh trên thị trường vàng. Khả năng điều chỉnh hành vi bằng công cụ pháp luật (cụ thể là bằng biện pháp ban hành Thông tư của Ngân hàng Nhà nước) chỉ tập trung vào nhóm đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh trên thị trường vàng. Trong số đó, chủ yếu hướng tới các chủ thể kinh doanh là ngân hàng – nhóm đối tượng vốn chịu sự quản lý về mọi phương diện hoạt động từ phía Ngân hàng Nhà nước, không chỉ riêng đối với lĩnh vực kinh doanh vàng.