Xây dựng cơ quan quốc gia bảo vệ quyền trẻ em

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền được bảo vệ của trẻ em ở việt nam hiện nay (Trang 94 - 98)

3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền được bảo

3.2.3. Xây dựng cơ quan quốc gia bảo vệ quyền trẻ em

Ở Việt Nam có rất nhiều bên có trách nhiệm chính đối với quyền trẻ em. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước và bao gồm một số Ủy ban có chức năng trực tiếp liên quan tới trẻ em. Trong khuôn khổ của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chung về quyền trẻ em và cùng với các Bộ ngành liên quan giữ vai trò quan trọng trong từng lĩnh vực tương ứng của mình. Cơ quan tư pháp đóng một vai trò quan trọng và Việt Nam nỗ lực không ngừng để cải tiến khuôn khổ pháp lý cho trẻ em và làm rõ cơ cấu tổ chức cũng như nhiệm vụ của các tòa án. Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đang dần dần phát triển, và vai trò quan trọng của các tổ chức này ngày càng được thừa nhận. Các tổ chức đoàn thể nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất năng động ở cấp cơ sở. Cơ quan thông tin đại chúng tham gia vào việc tăng cường các hoạt động truyền thông liên quan tới quyền trẻ em…

Tuy nhiên sự chồng chéo về mặt chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan này vẫn đang là một vấn đề lớn đối với công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. Để

giải quyết được vấn đề này, trước tiên phải có những nghiên cứu cụ thể về vai trò, tác động, nhiệm vụ của từng cơ quan, đoàn thể. Từ đó xây dựng khung pháp lý rõ ràng có sự phân công chức năng và quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan một cách hợp lý. Song đây cũng chỉ là giải pháp chung ở tầm vĩ mô, chưa bám sát với nhiệm vụ, công tác bảo vệ quyền trẻ em.

Ở Việt Nam chưa có một cơ chế chuyên biệt giữ vai trò điều phối các hoạt động thực thi quyền con người và khả năng xây dựng một cơ quan như vậy ở Việt Nam trong tương lai gần khó có thể thực hiện được. Bởi vì việc thành lập một cơ quan chuyên môn về nhân quyền không chỉ đòi hỏi phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (các nguyên tắc Paris về Cơ quan nhân quyền quốc gia) mà còn phải căn cứ trên đặc điểm, điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Với những điều kiện hiện tại và cả trong tương lai gần, Việt Nam khó có thể đảm bảo rằng có thể xây dựng được một Ủy ban nhân quyền quốc gia với tính chất là một cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này. Tuy nhiên nói vậy không phải là Việt Nam không thể xây dựng các cơ quan chuyên môn về nhân quyền ở cấp độ nhỏ hơn, chẳng hạn như dựa trên việc phân chia các nhóm chủ thể của quyền con người, trong đó bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật người lao động di trú….

Nhìn nhận từ quan điểm cá nhân, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết, từ khi giải thể Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đến nay, cơ chế phối hợp liên ngành của công tác trẻ em rất yếu. Trẻ em là đối tượng liên quan trong nhiều lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nhưng cơ chế để phối hợp liên ngành giữa các bộ trong thực hiện, triển khai việc tiếp nhận thông tin đa chiều về trẻ em trong cơ quan quản lý Nhà nước còn đang lỏng lẻo. Do đó, cần cơ chế hoạt động thế nào để phù hợp với điều kiện trong nước. Các đối tượng phụ nữ, thanh niên đều đã có Uỷ ban quốc gia, riêng trẻ em thì chưa. Để đồng bộ, nên có Uỷ ban quốc gia về trẻ em, có hoạt động tương tự như Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia hiện nay, với sự điều hành thống nhất cùng cơ chế phối hợp liên ngành.

Vì vậy, tác giả mạnh dạn đề xuất xây dựng Ủy ban trẻ em quốc gia

Nhằm mục đích khắc phục tính thiếu đồng bộ về cơ chế thực thi và bảo vệ quyền tham gia của trẻ em, đề xuất nghiên cứu xây dựng một Ủy ban trẻ em quốc gia bởi:

Như đã nêu ở trên, Việt Nam ở thời điểm này chưa có khả năng xây dựng một cơ quan nhân quyền quốc gia, nơi có thể đảm bảo công tác nghiên cứu chính sách, đánh giá tác động của pháp luật đối với tất cả các nhóm chủ thể của quyền con người. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về kinh tế, xã hội nhưng Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo. Thực trạng kinh tế là một trở ngại về mặt khách quan chi phối đến nhiều mặt trong đời sống xã hội trong đó có cả các vấn đề về quyền con người. Thêm vào đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và pháp luật về các vấn đề nhân quyền nói riêng còn chưa được đồng bộ gây ra những khó khăn trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật và bảo vệ quyền. Nhà nước đã nhận ra được hạn chế này và đang nỗ lực tìm kiếm biện pháp khắc phục, nhưng trong thời gian ngắn chưa thể đạt được hiệu quả cải cách như mong muốn.

Trong số các nhóm chủ thể dễ bị tổn thương (phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, lao động di trú…) thì có thể thấy rõ ba nhóm chủ thể lớn nhất ở Việt Nam đó là phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số. Tuy rằng đã có những cơ quan, tổ chức chuyên biệt dành riêng cho các nhóm chủ thể này với quy mô hoạt động và địa vị pháp lý có khác nhau nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền cho các nhóm này. Và vấn đề đặt ra ở đây là lựa chọn nhóm nào cho ưu tiên bảo vệ quyền. Để có thể lựa chọn ra một nhóm chủ thể cần được ưu tiên trong việc bảo vệ quyền thì phải căn cứ trên những điều kiện cũng như những nguy cơ thực tại của nhóm chủ thể đó. Trong khi việc đảm bảo quyền cho nhóm phụ nữ và nhóm người dân tộc thiểu số trên thực tế cũng chưa được triệt để, nhưng các chủ thể này lại gặp phải ít nguy cơ xâm phạm quyền hơn so với nhóm trẻ em. Bởi như đã nói, trẻ em do bị hạn chế về cả năng lực thể chất cũng như tinh thần, lại là nhóm chủ thể có ảnh hưởng to lớn đến tương lại phát triển của bất kỳ dân tộc nào nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Cùng với những phân tích ở các phân trước có thể rút ra rằng

nhu cầu thiết lập một cơ quan chuyên môn về quyền trẻ em là yêu cầu cấp bách và có thể thực hiện được trong giai đoạn hiện nay.

3.2.3.1. Chức năng của Ủy ban trẻ em quốc gia

Một ủy ban trẻ em quốc gia sẽ là cơ quan chuyên môn có chức năng nghiên cứu, đánh giá các yếu tố tác động đến vấn đề đảm bảo quyền trẻ em nói chung và thực thi quyền tham gia của trẻ em nói riêng.

Việc thành lập Ủy ban trẻ em quốc gia nếu có thể sẽ đáp ứng được các nguyên tắc Paris về cơ quan nhân quyền quốc gia. Tuy nhiên, do phạm vi của Ủy ban này không bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam mà chỉ đáp ứng một phần nhỏ về một bộ phận chủ thể quyền con người là trẻ em cho nên có thể chưa nhất thiết phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của các nguyên tắc Paris.

3.2.3.2. Về địa vị pháp lý

Với tư cách là một cơ quan quốc gia phụ trách về quyền trẻ em, Ủy ban trẻ em quốc gia nên có địa vị pháp lý của một cơ quan chuyên môn cấp Bộ chứ không phải là một cơ quan thuộc Bộ như hiện nay. Với địa vị pháp lý cao hơn như vậy rõ ràng sẽ khẳng định quyết tâm của Đảng, nhà nước trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền trẻ em được đánh giá cao hơn. Kéo theo đó là những hệ quả trong quá trình thực thi, bảo vệ quyền sẽ được thống nhất cả về mặt chính sách lẫn phương thức thực hiện đảm bảo quyền.

3.2.3.3. Nhiệm vụ của ủy ban quốc gia về trẻ em

Các nghiên cứu của Ủy ban này chủ yếu tập trung vào việc đánh giá chính sách, sự tác động của pháp luật đối với việc thực thi các quyền trẻ em. Từ đó đưa ra những kiến nghị, khuyến cáo với tư cách là một cơ quan nhà nước chuyên trách. Cùng với các chức năng nội luật, Ủy ban này cũng chịu trách nhiệm tạo dựng sự liên kết chặt chẽ giữa Việt Nam với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quyền con người nhằm thúc đẩy sự phát triển của quan hệ quốc tế trong các vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam nói chung và đối với lĩnh vực quyền trẻ em nói riêng. Để thức hiện được các chức năng, nhiệm vụ này, Ủy ban trẻ em quốc gia sẽ được đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao và nhận được

sự hỗ trợ tối đa từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện thúc đẩy việc đảm bảo quyền và trong tương lai là tạo nền tảng cho mục tiêu thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia của Việt Nam mang đúng tính chất của một cơ quan nhân quyền quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền được bảo vệ của trẻ em ở việt nam hiện nay (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)