Dự báo tình hình tội phạm là một hoạt động quan trọng và không thể thiếu được trong nghiên cứu khoa học luật hình sự. Làm tốt việc dự báo tình hình tội phạm sẽ cho phép người nghiên cứu có được những căn cứ khoa học để đưa ra các biện pháp phòng, chống tội phạm có hiệu quả cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để phù hợp với thực tiễn. Chỉ trên cơ sở những dự báo mang tính khoa học, chính xác về tình hình tội phạm sẽ xảy ra trong thời gian tới thì mới có thể đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Trong một số cuốn sách, các học giả nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về dự báo tình hình tội phạm:
Dự báo tình hình tội phạm về thực chất là dự báo xu hướng phát triển của tội phạm, cơ cấu của tình hình tội phạm, các nguyên nhân và điều kiện ảnh hưởng đến tình hình tội phạm trong tương lai; Dự báo tình hình tội phạm là sự phán đoán về thực trạng, diễn biến cơ cấu tính chất của tình hình tội phạm có thể xảy ra trong tương lai về các nguyên nhân và điều kiện, về các khả năng phòng chống nó trong từng giai đoạn nhất định và việc đánh giá về chất lượng của những thay đổi trong tình hình tội phạm, các nguyên nhân và điều kiện của nó.
Các định nghĩa trên đây tuy cách thể hiện có điểm khác nhau song đều thể hiện được nội dung cơ bản của việc dự báo tình hình tội phạm là dự báo (phán đoán) về mức độ, cơ cấu, tính chất và xu hướng vận động của tội phạm
Nghiên cứu chế định phạm nhiều tội trong Luật hình sự Việt Nam, việc dự báo tình hình phạm tội trong trường hợp này chính là việc phán đoán về mức độ, cơ cấu, tính chất và xu hướng vận động của trường hợp phạm nhiều tội trong tương lai. Để có được những phán đoán hợp lý, chính xác về tình hình phạm nhiều tội trong tương lai, chúng ta phải dựa trên căn cứ là các số liệu, tài liệu có độ tin cậy cao, đồng thời phải dựa vào kết quả nghiên cứu tình hình phạm nhiều tội, các nguyên nhân, điều kiện của trường hợp phạm nhiều tội trong những năm gần đây để đưa ra những phán đoán về mức độ, cơ cấu, tính chất và xu hướng vận động của trường hợp phạm nhiều tội trong những năm sắp tới.
Việc nghiên cứu về tình hình phạm nhiều tội ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy: tình hình phạm nhiều tội diễn ra với mức độ và tính chất rất nghiêm trọng; cơ cấu, diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân làm phát sinh tình trạng này là do sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố này tác động lẫn nhau và tác động lên những người phạm tội có đặc điểm khác nhau dẫn đến việc làm phát sinh những hành vi thuộc trường hợp phạm nhiều tội có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau. Các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phạm nhiều tội bao gồm nhiều loại, cớ sự tác động đến người phạm tội với những hình thức, mức độ khác nhau để làm phát sinh hành vi phạm tội hoặc tạo điều kiện để trường hợp phạm nhiều tội diễn ra.
Từ cơ sở lý luận và các căn cứ nên trên, tác giả có đưa ra một số dự báo về tình hình phạm nhiều tội trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, trong thời gian qua, trường hợp phạm nhiều tội diễn ra với mức độ và tính chất rất nghiêm trọng nhưng vẫn tuân theo những quy luật nhất định. Trường hợp phạm nhiều tội phát sinh do sự tác động của nhiều yếu tố nguyên nhân, điều kiện khác nhau. Các nguyên nhân, điều kiện của trường hợp phạm tội này là do sự tác động qua lại lẫn nhau và tác động lên người
phạm tội của các yếu tố tiêu cực phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế xã hội, những yếu kém, hạn chế của hoạt động giáo dục đào tạo, của hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật, của một số hoạt động quản lý có liên quan… Những yếu tố tạo thành nguyên nhân, điều kiện của trường hợp phạm nhiều tội chính là hệ quả của những yếu kém, hạn chế của quá trình phát triển kinh tế xã hội, phát triển giáo dục, đào tạo ở nước ta từ nhiều năm nay. Các nguyên nhân, điều kiện của trường hợp phạm nhiều tội có tính ổn định và không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn, do đó trường hợp phạm nhiều tội vẫn sẽ diễn ra với mức độ và tính chất rất nghiêm trọng (có thể tương tự hoặc diễn ra với mức độ nghiêm trọng cao hơn so với thời gian vừa qua).
Thứ hai, sự tác động của các yếu tố tiêu cực phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế xã hội kết hợp với những yếu kém hạn chế của hoạt động giáo dục, đào tạo sẽ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu việc làm, không có việc làm, kinh tế khó khăn của người lao động ở các khu vực nông thôn, miền núi. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa càng diễn ra mạnh mẽ càng làm cho người nông dân bị thu hẹp đất canh tác, hơn nữa, hoạt động sản xuất công nghiệp hiện đại không đòi hỏi sử dụng nhiều lao động mà còn đòi hỏi người lao động có tay nghề cao nên những người có trình độ tay nghề thấp sẽ bị dôi dư, người lao động ở các khu vực sản xuất nông nghiệp chưa qua đào tạo bị rơi vào tình trạng thiếu hoặc không có việc làm. Điều này dẫn đến hoàn cảnh kinh tế của họ ngày càng khó khăn. Trình độ học vấn thấp, không có việc làm, thiếu việc làm, kinh tế khó khăn của người lao động là những yếu tố có tác động xấu, là nguyên nhân, điều kiện làm xuất hiện tội phạm nói chung và trường hợp phạm nhiều tội nói riêng. Ngoài ra, đây còn là những vấn đề xã hội hết sức phức tạp không thể khắc phục trong thời gian ngắn, vì vậy trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới, các yếu tố này vẫn là các yếu tố góp phần tạo thành nguyên nhân, điều kiện của trường hợp phạm nhiều tội. Đặc điểm này
còn cho phép chúng ta thấy trước được rằng, trong những năm tới trường hợp phạm nhiều tội vẫn sẽ xảy ra trên nhiều địa bàn, nhất là những khu vực tập trung đông người không có việc làm, những đối tượng lười lao động nhưng lại ăn chơi, đua đòi.
Thứ ba, các nghiên cứu về địa bàn phạm tội, thủ đoạn thực hiện tội phạm, động thái của trường hợp phạm nhiều tội cho thấy trường hợp này đang diễn ra rất phức tạp, có xu hướng tăng và lan rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước với nhiều thủ đoạn phạm tội mới, quy mô và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều chương trình, biện pháp mạnh, huy động nhiều cấp, nhiều ngành tham gia vào việc phòng chống tội phạm cũng như trường hợp phạm nhiều tội nhưng trong 3, 4 năm trở lại đây, tình trạng này lại có xu hương tăng nhanh với nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Để đối phó với hoạt động đấu tranh ngăn chặn tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền, người phạm tội sử dụng ngày càng nhiều những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, xảo quyệt và nguy hiểm hơn.
Thứ tư, việc quản lý xã hội về an ninh, trật tự của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là ở cấp cơ sở hiện nay còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, các trường hợp phạm nhiều tội vẫn diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương và luôn biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.