3.2. Các giải pháp thúc đẩy quyền của ngƣời bị hại và ngƣời làm
3.2.1. Các giải pháp thúc đẩy quyền của người bị hại
Thứ nhất, hoàn thiện hơn nữa Bộ luật hình sự và Bộ luật TTHS bằng cách sửa đổi bổ sung hoặc ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết để đảm bảo đầy đủ hơn nữa các quyền của người bị hại đặc biệt khi Bộ luật hình sự và Bộ luật TTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành cần có những văn bản hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người bị hại thực thi cách quyền được ghi nhận trong luật. Tiến hành đào tạo để người tiến hành tố tụng và các người liên quan khác thay đổi cung cách làm việc lối mòn và thích ứng với các nhu cầu của người bị hại, sẵn lòng hướng dẫn đảm bảo các quyền của họ được thực hành nhanh chóng và đúng đắn.
Thứ hai, về việc đền bù, bồi thường và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm, hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam chưa đề cập đến sự đền bù hoặc hỗ trợ của nhà nước cho người bị hại trong các vụ án hình sự. Trong khi đó, Tuyên bố về những nguyên tắc cơ bản về công lý cho các nạn nhân của tội phạm và nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực tại đoạn 12 có quy định:
Khi nạn nhân không được bồi thường đầy đủ từ người phạm tội và từ các nguồn hỗ trợ khác, quốc gia thành viên cần nỗ lực bồi
thường tài chính cho: Những nạn nhân bị thương nặng hoặc chịu tổn thương về thể chất hoặc tinh thần do hành vi phạm tội nghiêm trọng gây ra; Gia đình, đặc biệt những người sống phụ thuộc của những nạn nhân đã chết hoặc bị tàn tật về thể chất và tinh thần do hành vi phạm tội nghiêm trọng [54].
Như vậy, pháp luật Việt Nam nên có quy định bổ sung theo hướng này để phù hợp với pháp luật quốc tế. Bổ sung như vậy cũng là để phù hợp thực tế đó là tác động đến các nạn nhân của tội phạm không chỉ thể hiện ở tổn thương về mặt thể chất, thiệt hại về tài sản mà còn là những tổn thất về thời gian trong khi chờ đợi để được đền bù tài chính và thay thế những hàng hóa hư hỏng, hay chi trả trước để khắc phục một phần thiệt hại. Bên cạnh đó việc lập ra một quỹ nhà nước dành cho việc bồi thường và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm với mục đích xoa dịu những tổn thất và mất mát họ phải gánh chịu mà người thực hiện tội phạm không có khả năng đền bù.
Thứ ba, vấn đề đối xử với nạn nhân trong khi thi hành công lý, do ảnh hưởng của cơ chế cũ mà việc coi các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan thực thi pháp luật nói riêng với vị thế của người có quyền chứ không phải là công bộc cho nhân dân là tương đối phổ biến. Ở đây, vấn đề cốt lõi trong việc đối xử với người bị hại trong khi thi hành công lý là phải đảm bảo việc công lý đã được thực thi. Sự quan liêu, cứng nhắc trong các giai đoạn tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự đã và đang làm trầm trọng thêm những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Thực tế cho thấy, người bị hại từ giai đoạn điều tra ban đầu được triệu tập đến cơ quan công an để lấy lời khai, việc ấn định ngày giờ làm việc là hoàn toàn do sự sắp xếp thời gian công tác của những người tiến hành tố tụng, trong khi người bị hại họ vừa phải vượt qua tổn thất của tội phạm gây ra vừa đang gánh chịu hậu quả của tội phạm, vì vậy những thủ tục hành chính của các cơ quan tố tụng cũng là tác nhân tạo thêm gánh nặng của cho người bị hại.
Trình tự giải quyết vụ án hình sự hiện nay gồm 4 giai đoạn chính: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Sau khi hành động tội phạm xảy ra, cơ quan điều tra là những người đầu tiên có tiếp xúc với nạn nhân và mối liên hệ này có thể tiếp tục một giai đoạn khá dài trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, việc điều chỉnh thái độ của công an với nạn nhân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền của nạn nhân. Mặc dù vậy, hiện pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể.
Để bảo đảm quyền của người bị hại được đối xử nhân đạo và được trân trọng khi làm việc với cơ quan công an, pháp luật nên bổ sung các quy định cụ thể về vấn đề này. Trong việc này, nên nghiên cứu Tuyên bố của Liên hợp quốc về những nguyên tắc cơ bản về công lý cho các nạn nhân của tội phạm và nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực cũng như các Khuyến nghị có liên quan của Hội đồng Châu Âu về vị trí của nạn nhân, theo đó: Công an nên được đào tạo để giải quyết các vấn đề của nạn nhân trên tinh thần thông cảm, trợ giúp và trấn an nạn nhân. Công an nên thông báo cho nạn nhân về khả năng được trợ giúp, tư vấn pháp luật và tư vấn thực tế, bồi thường từ người phạm tội và từ quốc gia thành viên. Nạn nhân nên được cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả điều tra của Công an. Trong bất kỳ báo các nào cho các cơ quan truy tố, cảnh sát nên tình bày rõ ràng và chính xác nhất những thiệt hại và tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu. Những quy định này giúp bảo đảm sự cảm thông và tôn trọng đối với người bị hại, đảm bảo cho họ thấy từng hành vi phạm tội được xem xét một cách cẩn thận, qua đó giữ niềm tin của người bị hại rằng công lý đang được thực thi.
Thứ tư, theo khái niệm người bị hại trong tố tụng hình sự Việt Nam bao gồm những “người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần và tài sản do tội phạm gây ra”. Những tổn hại về thể chất và tài sản có thể giám định một cách dễ dàng nhưng những thiệt hại về tinh thần là những điều rất trìu tượng, nếu tác
động của tội phạm nên tinh thần của người bị hại để lại hậu quả tâm lý cho người bị hại nhưng những hậu quả đó không được bộc lộ rõ ràng ra bên ngoài. Do đó, cần có quy định rõ ràng trong pháp luật để bảo đảm rằng cơ quan chức năng phải chú ý đến khía cạnh này để giải quyết một cách thích đáng, hạn chế những tác động tiêu cực hơn nữa đối với người bị hại sau khi tội phạm xảy ra. Liên quan đến vấn đề này, pháp luật nên khuyến khích thành lập các thiết chế (trung tâm) trợ giúp người bị hại nơi mà có những hiểu biết sâu sắc và đồng cảm với những nỗi đau của người bị hại, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong các vụ án hình sự, hỗ trợ họ và cung cấp những dịch vụ miễn phí về y tế, tâm lý xã hội như là một dịch vụ công của nhà nước đối với người bị hại trong vụ án hình sự và thông báo cho họ biết sự sẵn có của các dịch vụ này để họ có khả năng tiếp cận.
Thứ năm, tương tự là về vấn đề đối xử với nạn nhân của Tòa án, hiện pháp luật nước ta cũng chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này. Vì vậy, nên bổ sung những quy định có liên quan trên cơ sở nghiên cứu các Khuyến nghị rất cụ thể và chi tiết của Hội đồng Châu Âu về vị trí của nạn nhân, trong đó nêu rõ: Nạn nhân nên được thông báo về quyết định cuối cùng liên quan đến quá trình tố tụng, trừ khi nạn nhân không muốn nhận những thông tin như vậy. Nạn nhân nên có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xét xét lại quyết định không khởi tố vụ án, hoặc quyền tự đứng ra khởi tố.
Về vấn đề trên, tại Đức, Nga, Ba Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và một số quốc gia khác, người bị hại được phép đưa ra yêu cầu truy tố tư nhân đối với một số hành vi phạm tội ít nghiêm trọng; tại Áo, Na Uy và Thụy Điển, người bị hại có quyền yêu cầu truy tố trong trường hợp Công tố viên không tiếp tục truy tố; tại Anh và Mỹ, người bị hại không có vai trò gì đáng kể, họ tham gia tố tụng với vai trò như một người làm chứng; tại Trung Quốc, có một số vụ án người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp được truy
tố bị cáo ra tòa; tại Nhật bản, người bị hại được tham gia phiên tòa và trình bày ý kiến nhưng họ không thể tự mình khởi tố vụ án và cũng không có quyền buộc công tố viên phải khởi tố, truy tố. Ở nước ta, Nhà nước chỉ cho phép người bị hại quyền yêu cầu khởi tố hay không khởi tố vụ án đối với một số tội phạm. Từ những phân tích ở trên và ở chương 2, có thể thấy sự cần thiết quy định cụ thể hơn về quyền khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại theo hướng quy định rõ ràng về thời hạn người bị hại được đưa ra yêu cầu khởi tố của mình để họ đưa ra quyết định liên quan đến các quyền khác phát sinh trong quá trình tố tụng.
Đi kèm với quyền khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại là việc trao quyền cho người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền đưa ra lời buộc tội đối với bị cáo sau khi Kiểm sát viên đã trình bày lời luận tội. Tuy nhiên, trong phần tranh luận tại phiên tòa, luật tố tụng hình sự quy định chưa rõ ràng về quyền được tranh luận của người bị hại. Vì vậy, cần thiết bổ sung hoặc sửa đổi quy định có liên quan theo hướng làm rõ quyền của người bị hại tại phần tranh luận tại phiên tòa góp phần bảo đảm quyền của người bị hại và phản ánh sự thật khách quan của vụ án qua sự đối đáp của bị hại và bị cáo trong phiên tòa.
Thứ sáu, về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, cần có quy định cụ thể và chi tiết hơn về việc tham gia tố tụng của người bị hại trước xét xử, theo hướng cho phép người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án nếu không thuộc bí mật nhà nước để phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại; bên cạnh việc bổ sung quy định làm rõ hơn quyền trình bày ý kiến, quyền tham gia xét hỏi của người bị hại tại phiên toà để bảo đảm người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được quyền hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến quyền lợi của họ.
Thứ bẩy, về người bị hại chưa thành niên:
- Đề xuất tăng cường sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật tiên tiến để hạn chế sự có mặt trực tiếp của người bị hại từ độ tuổi dưới 14 tuổi có mặt tại phiên tòa. Việc phải phải đối mặt với tội phạm và nhớ lại hành động phạm tội đã xảy ra với mình là một quá trình không người bị hại nào mong muốn đặc biệt là người bị hại là trẻ em. Điều này góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người bị hại.
- Quy định về những biện pháp hỗ trợ đối với người bị hại trong quá trình tham gia tố tụng như tư vấn về tâm lý, các chăm sóc và tư vấn về y tế đặc biệt là đối với người bị hại là trẻ em gái trong các vụ án liên quan đến tình dục. Hiện đây là một trong những thiếu sót lớn do không hề có quy định cơ quan thực thi pháp luật nào có trách nhiệm phải cung cấp những sự hỗ trợ nói trên đối với người bị hại.
- Quy định về hỗ trợ chi phí đi lại , ngày công lao động , các chi phí khác…khi người đại diện của người bị hại dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người bị hại dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng để đảm bảo họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách tích cực nhất.
Thứ tám, về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản , quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình , người thân thích của mình khi bị đe dọa của người bị hại, trên thực tế, Việt Nam chưa có những cơ chế riêng biệt để thúc đẩy và hỗ trợ người bị hại và người thân một cách trực tiếp hay gián tiếp một cách toàn diện. Vì vậy, nên xây dựng và khuyến khích thành lập các thiết chế, trung tâm hỗ trợ người bị hại trong vụ án hình sự trên cả nước để những cơ chế này phát huy một cách tối đa trong việc bảo vệ, hỗ trợ người bị hại và thúc đẩy quyền của họ.
Thứ chín, về vấn đề tự ý thức được các quyền của người bị hại. Không người thực thi pháp luật và không có pháp luật nào có thể có các cơ chế hoàn hảo để bảo vệ quyền của người bị hại bằng tự bản thân họ ý thức được bản thân mình tại địa vị pháp lý là người bị hại có những quyền gì. Vấn đề này đòi hỏi người bị hại phải có trình độ nhất định và được giáo dục phổ biến pháp luật. Vấn đề đặt ra là làm cách nào họ nhận thức được mình có quyền để yêu cầu những người thực thi pháp luật phải tuân thủ pháp luật để bảo vệ quyền cho họ. Mặc dù pháp luật nước ta đã quy định người bị hại được các cơ quan thực thi pháp luật giải thích các quyền và nghĩa vụ trong từng giai đoạn tố tụng trong vụ án hình sự nhưng không phải người tiến hành tố tụng nào cũng tuân thủ. Việc này đòi hỏi phải có giải pháp sâu rộng để nâng cao dân trí toàn dân, để trong trường hợp một người khi không may trở thành nạn nhân của tội phạm họ có kiến thức nhất định để bảo vệ quyền của mình.
Thứ mười, cần tăng cường việc giáo dục phổ biến pháp luật sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm cán bộ thực thi pháp luật và quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn vùng sâu vùng xa nơi mà tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng về số lượng và tính chất nguy hiểm. Nhà nước cần có kế hoạch và cấp kinh phí cho các chương trình tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật, lồng ghép việc phổ biến pháp luật vào từ trong các cấp học và phối hợp với chính quyền địa phương để nhân dân ý thức được việc hiểu biết pháp luật là một công cụ tự bảo vệ bản thân.