7. Kết cấu của luận văn
2.1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Toà án cấp sơ thẩm
2.1.1. Kiểm sát việc thụ lý vụ việc dân sự
Thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự hay yêu cầu giải quyết việc dân sự của các chủ thể là một trong những nội dung của nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Từ việc thực hiện quyền này của các chủ thể, sẽ dẫn đến việc Tòa án có thẩm quyền nhận được hồ sơ vụ việc dân sự. Tuy nhiên, điều đó chưa có nghĩa là vụ việc dân sự đã phát sinh tại Tòa án. Để vụ việc dân sự này thực sự thuộc trách nhiệm giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải tiến hành một loại hoạt động, được gọi là thụ lý vụ việc dân sự.
Thụ lý vụ việc dân sự là hoạt động TTDS do TAND tiến hành nhằm xác định các điều kiện cần thiết của việc khởi kiện, yêu cầu (đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự) để vào sổ thụ lý vụ việc dân sự theo quy đinh của pháp luật.
Việc khởi kiện vụ án dân sự hay yêu cầu giải quyết việc dân sự của các chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ bằng việc Tòa án thụ lý vụ việc dân sự để giải quyết sau khi xem các điều kiện thụ lý vụ việc dân sự. Thụ lý vụ việc dân sự là hoạt động đầu tiên của Tòa án trong quá trình tố tụng, làm phát sinh các hoạt động TTDS tiếp theo. Nếu không có hoạt động thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án thì sẽ không có các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình tố tụng. Việc thụ lý vụ việc dân sự có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện ở chỗ: Thời điểm thụ lý vụ việc dân sự là thời điểm tính các thời hạn tố tụng; bảo đảm việc bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLTTDS, thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án,
cho VKS cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án. Theo đó, mọi trường hợp thụ lý
vụ án dân sự, Tòa án phải thông báo cho VKSND cùng cấp để kiểm sát việc thụ lý. Kiểm sát việc thụ lý là trách nhiệm của VKSND đã được pháp luật quy định trước khi có BLTTDS (tại khoản 1 Điều 21 Luật Tổ chức VKSND năm 2002).
Kiểm sát thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án là hoạt động đầu tiên của KSVTTPL trong TTDS, nhằm bảo đảm cho việc thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tục thụ lý vụ việc dân sự bao gồm: Nhận đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu và nghiên cứu (Điều 167); yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu (Điều 169); xác định tiền tạm ứng án phí (hoặc lệ phí) và thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu (khoản 2 Điều 171); thực hiện việc thụ lý bằng cách vào sổ thụ lý (khoản 3 Điều 171). Khi nhận được văn bản của Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự hoặc văn bản thông báo trả lại đơn khởi kiện, KSV, cán bộ phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát và kiểm tra nội dung của các thông báo theo Điều 168, Điều 174 BLTTDS; nếu phát hiện vi phạm thì tập hợp báo cáo lãnh đạo VKS xem xét kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật (77). Kiểm sát việc thụ lý nhằm bảo đảm cho việc tiến hành các thủ tục thụ lý vụ việc dân sự
của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và có ý nghĩa rất quan trọng: Góp phần đảm bảo cho hoạt động TTDS đầu tiên của Tòa án được chính xác và xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án; là điều kiện để KSV nắm bắt kịp thời nội dung, tình tiết, chứng cứ ban đầu của vụ việc dân sự; ngăn chặn kịp thời, hạn chế vi phạm, sai sót có thể xảy ra ngay từ hoạt động đầu tiên của quá trình TTDS giải quyết vụ việc dân sự.
Hoạt động thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án được tiến hành bởi nhiều thủ tục, trong đó có việc trả lại đơn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 BLTTDS năm 2004, thì khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự cho Tòa án, nếu thấy có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều 168 BLTTDS, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và không thụ lý vụ án. Khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, Tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Điều 170 BLTTDS năm 2004 cũng quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án là quyết định cuối cùng. Theo tinh thần của Điều 311 BLTTDS thì các quy định trên cũng được áp dụng tương tự đối với thủ tục thụ lý và trả đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Thực tiễn thi hành các quy định nêu trên cho thấy, có thể xảy ra trường hợp Tòa án áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 168 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện cho đương sự không chính xác, mà pháp luật lại không quy định cơ chế bảo đảm để VKS thực hiện được quyền kiểm sát đối với việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để khắc phục vướng mắc này, Khoản 2 Điều 168 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung quy định rõ "Khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Toà án phái có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho VKS cùng cấp"; và Điều 170 BLTTDS cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng: bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận quyền của đương sự được khiếu nại về
việc trả lại đơn khởi kiện, điều luật còn quy định trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, VKS cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị của VKS, Chánh án phải ra quyết định trả lời kiến nghị. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, VKS có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Chánh án Tòa án cấp trên phải ra quyết định giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.
Như vậy, kiểm sát việc thụ lý vụ việc dân sự là thẩm quyền và trách nhiệm của VKS. Việc Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp về việc thụ lý vụ việc dân sự để kiểm sát việc thụ lý là nghĩa vụ của Tòa án quy định tại Điều 174 BLTTDS. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho VKS so với trước khi có BLTTDS trong việc nắm số lượng vụ việc dân sự và theo dõi quá trình giải quyết của Toà án để phục vụ cho hoạt động kiểm sát. Tuy nhiên, quy định hiện hành của BLTTDS về kiểm sát việc thụ lý chưa thực sự bảo đảm cho VKS thực hiện có hiệu quả chức năng kiểm sát, bởi vì mặc dù BLTTDS quy định VKS có quyền yêu cầu, kiến nghị về vi phạm của Toà án, nhưng lại không quy định ràng buộc trách nhiệm của Toà án đối với kiến nghị của VKS (chẳng hạn như trách nhiệm trả lời kiến nghị, thực hiện kiến nghị). Do đó quy định kiểm sát thụ lý trong chừng mực nào đó còn mang tính hình thức. Ngoài ra, BLTTDS mới chỉ quy định kiểm sát việc thụ lý vụ án ở thủ tục sơ thẩm tại Điều 174 BLTTDS mà chưa quy định cụ thể kiểm sát thụ lý việc dân sự và kiểm sát thụ lý ở thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm đã gây khó khăn đối với hoạt động KSVTTPL của VKS. Đây là hạn chế, thiếu sót của BLTTDS.