Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể của bạo lực gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình (qua thực tiễn tại tỉnh quảng trị) (Trang 58 - 62)

Chương 1 : KHÁI QUÁT CHUNG VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

2.2. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể của bạo lực gia đình

2.2.1. Quyền, nghĩa vụ của nạn nhân

Nạn nhân BLGĐ được pháp luật bảo vệ song họ cũng cần có trách nhiệm thực thi Luật PCBLGĐ.

Nạn nhân bạo lực gia đình mà chủ yếu là người phụ nữ bị bạo lực thường không dám chia sẻ cùng ai vì họ xấu hổ, sợ gia đình đổ vỡ. Những người sử dụng bạo lực trong gia đình cũng đã triệt để lợi dụng yếu điểm này để che đậy hành vi bạo lực của mình. Thái độ im lặng, âm thầm chịu đựng, né tránh tố cáo của người phụ nữ khi bị bạo lực chính là khe hở dung túng cho

hành vi bạo lực tồn tại. Trong thực tế khi bạo lực trong một gia đình xẩy ra nghiêm trọng thì các tổ chức, cộng đồng mới có lý do để can thiệp và giúp đỡ. Vì vậy để ngăn chặn bạo lực trong gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình phải biết tự bảo vệ mình, phải ý thức được quyền và trách nhiệm của mình để được hỗ trợ, được giúp đỡ kịp thời.

Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại Điều 5, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm:

“1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”

Nạn nhân bạo lực gia đình, những người đã bị chính người thân của mình gây ra những thương tổn nhất định, rất cần nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội. Họ được pháp luật trao cho các quyền cơ bản của con người là yêu cầu bảo vệ và được cung cấp, hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để ngăn chặn bạo lực gia đình đang xảy ra. Quy định này một mặt khẳng định quyền của nạn nhân bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức của nạn nhân bạo lực gia đình đối với việc bảo vệ quyền lợi của mình, mặt khác cũng tác động tích cực đến thái độ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bởi lẽ trước đây khi nạn nhân đến báo tin cho chính quyền địa phương về tình trạng bạo

lực họ đang phải chịu, thường thì những khiếu nại hoặc đề nghị của họ không được coi trọng và họ chỉ miễn cưỡng can thiệp khi bạo lực xảy ra vì cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ trong gia đình, người ngoài không nên can thiệp nên vấn nạn bạo lực gia đình không được giải quyết một cách triệt để.

Bên cạnh những quyền lợi được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, nạn nhân bạo lực gia đình cũng phải thực hiện nghĩa vụ nhất định, đó là: cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu. Bởi lẽ, xưa nay, người phụ nữ Việt Nam (nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình) vẫn quen thói chịu đựng, quen lệ thuộc, truyền thống văn hoá Việt Nam là “đóng cửa bảo nhau”, tuy nhiên có những việc không giải quyết được trong nội bộ gia đình thì cần phải công bố cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền biết để giúp sức giải quyết. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình, không ai khác ngoài nạn nhân bạo lực gia đình phải thực hiện một số nghĩa vụ cần thiết để các cơ quan bảo vệ giúp đỡ mình. Đây là việc làm chính đáng tự cứu mình thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình.

2.2.2. Quyền và nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình

Trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, nghĩa vụ của họ được ghi nhận ở Điều 4, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình:

“1. Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực.

2. Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

4. Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.”

Người có hành vi bạo lực gia đình là người đã gây ra những tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại cho thành viên khác trong gia đình, đây được

xác định là hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Vì vậy, người có hành vi bạo lực gia đình phải thực hiện các nghĩa vụ do luật quy định. Đó là phải “tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng”, điều này rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, người có hành vi vi phạm không nhận thấy sai lầm của mình mà thậm chí còn trút giận sang những người can thiệp (chửi bới, xúc phạm và có khi là đánh đập, hành hung…), do đó đã làm hạn chế sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Ngược lại, những sự can thiệp bất hợp pháp, điển hình là việc dùng vũ lực để ngăn chặn hành vi bạo lực một cách không cần thiết cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng: vừa không ngăn chặn có hiệu quả hành vi bạo lực gia đình, vừa tăng nguy cơ phát sinh tội phạm khác.

Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng là nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình. Trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, những chủ thể có thẩm quyền có thể đưa ra những chế tài như: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; cấm tiếp xúc; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn… Việc bị xử lý hành vi bạo lực gia đình vốn không quen thuộc với người Việt Nam, vì rất nhiều người vẫn nghĩ đó là quyền của họ. Do đó, quy định người có hành vi bạo lực có nghĩa vụ chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là cần thiết để tạo ra cơ sở pháp lý mạnh mẽ, buộc chủ thể phải thực hiện, đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cần tới sự can thiệp của y tế thì người thực hiện hành bạo lực phải kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Đây tưởng chừng là điều hiển nhiên, là ứng xử bắt buộc của các thành viên gia đình đối với nhau, nhưng lại là điều rất khó thực hiện khi một bên là chủ thể, một bên là nạn nhân của hành vi bạo

lực. Người thực hiện hành vi khi đã nhẫn tâm ra tay thì rất khó có chuyện thương xót, lo lắng cho nạn nhân mà đưa họ đi chữa trị, chăm sóc; hoặc có khi hành vi là bột phát, họ nhận thấy sai lầm của mình nhưng do sợ bị phát hiện, sợ phải gánh trách nhiệm nên không dám đưa nạn nhân tới cơ sở chữa trị. Chính vì vậy, pháp luật cần quy định đây là nghĩa vụ, bắt buộc họ phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi về sức khỏe cho nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân từ chối sự chăm sóc của người đã gây tổn thương cho mình – điều này là hoàn toàn phù hợp về tâm lý - thì người có hành vi bạo lực cũng phải tôn trọng và thực hiện điều đó.

Phù hợp với những quy định của pháp luật dân sự, người thực hiện hành vi bạo lực cũng phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không nhắc tới quyền mà chỉ quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình. Điều này trước hết có lẽ bởi vì những người này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nên họ phải chịu những trách nhiệm nhất định và không được hưởng sự bảo vệ của pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, người có hành vi BLGĐ có thể nhận được sự hỗ trợ như tư vấn về Luật PCBLGĐ, tham gia vào các hội thảo nâng cao nhận thức… nhằm thay đổi hành vi và suy nghĩ của mình. Người có hành vi BLGĐ có thể tới các trung tâm tư vấn, trung tâm bảo trợ xã hội… để nhận được sự trợ giúp. Họ cũng có thể tới gặp các cán bộ chức năng để nhận được sự giúp đỡ theo quy định của pháp luật về PCBLGĐ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình (qua thực tiễn tại tỉnh quảng trị) (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)