Kế thừa và phát triển các nguyên tắc, các chế định cơ bản của Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 cần chi tiết hóa đến mức độ cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho việc thi hành Luật HN&GĐ trong cuộc sống, giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn áp dụng luật, góp
phần củng cố, phát huy vài trò của gia đình Việt Nam trong điều kiện đổi mới hiện nay; mở rộng quyền đồng thời đề cao trách nhiệm của các thành viên trong gia đình; tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con cháu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người già, trẻ em; cụ thể hóa các quy định của luật HN&GĐ năm 2000 về quan hệ nhân thân trong quan hệ giữa cha mẹ và con. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cộng đồng xã hội đối với các quan hệ HN&GĐ, bảo đảm tính khả thi của Luật HN&GĐ trong đời sống xã hội; hạn chế được tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với các quan hệ HN&GĐ. Việc cụ thể hóa các quan hệ HN&GĐ cần thiết được điều chỉnh bằng pháp luật nhưng cũng phải phù hợp với sự phát triển của các điều kiện kinh tế, xã hội và thực tế vận động của các quan hệ HN&GĐ (quan hệ giữa cha mẹ và con), phù hợp với truyền thống, tập quán tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Vì hệ thống quy phạm pháp luật HN&GĐ là ý chí của Nhà nước và ý chí đó… “Không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do cơ sở kinh tế đó quyết định”(1)
Một số chế định của Luật HN&GĐ năm 2000 cần được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
- Thứ nhất, về việc khai sinh cho con. Khai sinh là một trong những quyền cơ bản nhất của mỗi người đã được quy định trong BLDS năm 2005. Vấn đề đăng kí khai sinh cho con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ. Điều này được quy định trong các văn bản pháp lý về bảo vệ quyền trẻ em, về quản lý hộ tịch cũng như các văn bản khác có liên quan ví dụ như: Nghị định số 36/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 3 năm 2005 quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật BVCS&GDTE, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng kí quản lý hộ tịch. Tuy nhiên nghĩa vụ và quyền khai sinh cho con của cha mẹ lại chưa được nhắc đến trong Luật HN&GĐ năm 2000.
Do vậy, Luật HN&GĐ năm 2000 nên bổ sung thêm quy định nghĩa vụ và quyền đăng kí khai sinh cho con nhằm hoàn thiện hơn trong vấn đề nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con.
- Thứ hai, pháp luật quy định cha mẹ không được hành hạ, ngược đãi, xúc phạm con. Vậy vấn đề hành hạ, xúc phạm, ngược đãi được pháp luật quy định như thế nào? Liệu rằng việc cha mẹ đánh con có được coi là xúc phạm con về mặt thể chất hay không? Và với mức độ như thế nào thì phải chịu sự chế tài của pháp luật?
Thật ra việc con cái hư hỏng, không nghe lời dạy bảo của cha mẹ thì việc đánh đòn nhưng không gây thương tích nghiêm trọng, trong một số trường hợp là cần thiết. Pháp luật Đài loan đã quy định về vấn đề này như sau: “cha mẹ có thể trừng phạt con cái trong phạm vi cần thiết”. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên sửa đổi theo xu hướng này sẽ rõ ràng và chặt chẽ hơn.
- Thứ ba, về việc cha mẹ quyết định vấn đề quan trọng của con chưa đến tuổi thành niên. Trong một số trường hợp cha mẹ không đạt được sự nhất trí đối với những công việc trọng đại liên quan đến con chưa thành niên, đành rằng đã lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con thì cần xử lý như thế nào để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em? Trong khi pháp luật nước ta quy định cha mẹ phải cùng nhau thực hiện nghĩa vụ và quyền đối với con cái. Pháp luật Đài Loan quy định trong trường hợp này cha mẹ có thể yêu cầu Tòa án quyết định trên cơ sở lợi ích tốt nhất đối với đứa trẻ. Trước khi đưa ra quyết định theo quy định này Tòa án phải trưng cầu ý kiến của đứa trẻ chưa thành niên, các cơ quan chủ quản, tổ chức phúc lợi xã hội. Vậy sẽ có một đơn vị thứ 3 có quyền đưa can thiệp vào nếu như giữa cha mẹ không thống nhất được trong việc nuôi day, quyết định các vấn đề nhân thân của con cái. Nếu theo pháp luật nước ta lúc sẽ không có đơn vị, cơ quan, tổ chức nào có thể đưa ra quyết định có hiệu lực, giải quyết được vấn đề này.
Thiết nghĩ pháp luật của nước ta cũng nên quy định thêm về vấn đề này. Có thể việc quyết định này sẽ do một tổ chức nào đó, không nhất thiết phải là Tòa án.
- Thứ tư, vể hủy việc nuôi con nuôi. Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không có quy định nào về huỷ việc nuôi con nuôi, mặc dù vấn đề này có thể nảy sinh trong thực tiễn xét xử. Ví dụ: Khi việc nhận nuôi con nuôi vi phạm một trong các điều kiện của việc nuôi con nuôi, như vi phạm độ tuổi, thiếu sự tự nguyện của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, có sự gian lận về nguồn gốc của đứa trẻ v.v… Những trường hợp này không thuộc các trường hợp chấm dứt nuôi con nuôi được quy định tại Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 nên không thể áp dụng để giải quyết. Do đó với quy định của pháp luật hiện hành thì không có cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm điều kiện nuôi con nuôi khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi.
Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể phân biệt giữa huỷ việc nuôi con nuôi và chấm dứt việc nuôi con nuôi. Cần phải quy định về vấn đề này rõ ràng thì mới có thể xác định được chính xác các nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con trong quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi này.