Nghĩa vụ và quyền nhân thân của con đối với cha mẹ.

Một phần của tài liệu nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa cha mẹ và con theo luật HNGĐ việt nam năm 2000 (Trang 31 - 38)

Điều 35 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về nghĩa vụ và quyền của con đối với cha mẹ:

“Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng

nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”.

- Quan hệ gia đình với tính chất đặc thù của mình luôn thiết lập một tôn ti, trật tự tự nhiên của nó. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục con, ngược lại, con cái với tư cách là người được hưởng sự yêu thương, nuôi dưỡng và hy sinh của cha mẹ phải có bổn phận yêu quí, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình. Việc cha mẹ và con cháu thực hiện nghĩa vụ và quyền mà pháp luật quy định đã trở thành một chuẩn mực đạo đức được cả xã hội thừa nhận. Con cái với tư cách là thế hệ nối tiếp và kế thừa lịch sử phải có nghĩa vụ tôn trọng, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Quy định này thể hiện tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta trong việc đề cao những bản sắc quý báu, truyền thống đạo đức tốt đẹp trong gia đình Việt Nam, tránh lối sống thực dụng cá nhân, phủ nhận lịch sử. Nhứng hành vi bất kính của con đối với cha mẹ, làm tổn thương đến lòng yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ tùy thuộc vào mức độ đều bị lên án hoặc bởi dư luận, đạo đức xã hội hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu mức độ nghiêm trọng.

- Con có nghĩa vụ và quyền lợi chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật, trong trường hợp gia đình có nhiều con, thì các con phải cùng nhau chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Khi cha mẹ già yếu hoặc không có điều kiện lao động, tự lo cho cuộc sống của mình nữa, thì con cái có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Đây là một nét đặc thù, một đạo lý tốt đẹp của truyền thống gia đình Á Đông, khác hẳn với chế độ gia đình ở hầu hết các nước phương Tây, việc chăm sóc người già chủ yếu do Nhà nước hoặc các tổ chức từ thiện, do quan niệm của họ cho rằng, người làm cha, làm mẹ đương nhiên có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, nhưng khi về già con cái không buộc phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho cha mẹ mà xã hội là người có trách nhiệm này.

Theo khoản 2 Điều 36 Luật HN&GĐ năm 2000, con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật. Điều 1 Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 đã quy định: “Người tàn tật

theo quy định của Pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn”. Quy định của Luật HN&GĐ

năm 2000 phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, thể hiện được truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Điều luật cũng không phân biệt con sống chung hay sống riêng với cha mẹ. Pháp luật không quy định rõ, chỉ có con có khả năng nuôi dưỡng mới có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Nhưng liệu tất cả các con có nghĩa vụ nuôi dưỡng đều buộc phải cấp dưỡng khi không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng? Chắc chắn, con đã thành niên và có khả năng lao động là những người đầu tiên có nghĩa vụ nuôi dưỡng được bảo đảm thực hiện bằng nghĩa vụ cấp dưỡng. Con đã thành niên mất năng lực hành vi hoặc không nhận thức được hành vi của mình, nhưng có tài sản sinh lợi, như đã nói, cũng có nghĩa vụ nuôi dưỡng; song khó có thể nói được rằng nếu con không làm tròn nghĩa vụ nuôi dưỡng (thông qua vai trò của người giám hộ) trong

trường hợp này, thì có thể bị buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Con chưa thành niên đủ 15 tuổi mà có thu nhập cũng có nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với cha mẹ; tuy nhiên, có vẻ như người làm luật không sẵn sàng buộc con chưa thành niên đủ 15 tuổi mà có thu nhập vào nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp con trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với cha mẹ. Nói chung, nghĩa vụ nuôi dưỡng của con chưa thành niên đủ 15 tuổi và con thành niên mất năng lực hành vi hoặc không nhận thức được hành vi của mình nhưng có tài sản, đối với cha mẹ, mang đậm tính chất của một nghĩa vụ tự nhiên hơn là của một nghĩa vụ pháp lý. Tóm lại, chỉ có con đã thành niên và có khả năng lao động là những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà có thể bị buộc phải cấp dưỡng.

Để cụ thể hóa quy định trên, Điều 14, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ năm 2000, có chỉ rõ: Trong gia đình có nhiều con, thì các con thỏa thuận về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và thỏa thuận đó phải được sự đồng ý của cha mẹ; các con không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp các con không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, thì có quyền làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết, tòa án sẽ xét xử, chỉ định cụ thể người nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ.

Trong lòng mỗi người dân Việt đều thấm nhuần hai chữ hiếu thuận. Tuy nhiên, do tác động của cuộc sống xã hội con cái phải đi làm hoặc ở xa gia đình, không có điều kiện để chăm sóc cha mẹ già. Vì thế, đã có trường hợp con cái phải thuê người chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Vậy việc thuê "người ngoài" để chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, trong khi các con có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là trái với quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp con cái không có khả năng nuôi cha mẹ và những người cha, mẹ này có thể sẽ được trung tâm Bảo trợ xã hội địa phương nhận nuôi dưỡng, chăm sóc.

- Điều 38 Luật HN&GĐ năm 2000 có quy định con riêng có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình. Do

vậy, không phân biệt con riêng hay con đẻ một khi đã có quan hệ nuôi dưỡng thì sẽ có các quyền và nghĩa vụ như nhau và nếu vi phạm đều áp dụng các chế tài như nhau.

Khi nói đến vấn đề này cũng phải lưu ý đến nghĩa vụ và quyền cấp dưỡng của con cái đối với cha mẹ. Đây là quyền nhân thân gắn liền với tài sản, nhưng trong đề tài này chỉ nghiên cứu dưới góc độ là quyền nhân thân. Tức là quyền này gắn liền với con cái, không thể thay thế bằng nghĩa vụ và quyền khác, cũng không ai khác có quyền hay có nghĩa vụ thực hiện thay trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu con cái trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 152 BLHS năm 1999.

- Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ. Những hành động ngược đãi của con cái đối với cha mẹ không chỉ là hành vi bạo lực gia đình được quy định trong Điều 2 Luật PCBLGĐ năm 2007 quy định các hành vi được coi là bạo lực gia đình như sau : Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

+ Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

+ Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

+ Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

+ Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

+ Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

+ Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần (Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “các tội xâm phạm chế độ HN&GĐ” của BLHS năm 1999). Sự tha hóa về mặt đạo đức đã khiến một số người không ý thức được đạo lý xã hội và bổn phận của mình, có rất nhiều hành vi cư xử không đúng và không tốt có thể gây tổn thương về sức khỏe và danh dự của cha, mẹ. Vì vậy, để đề cao đạo lý làm con, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cha mẹ, nhắc nhở và giáo dục những người không làm tròn đạo hiếu, pháp luật quy định “ nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm

cha mẹ”.

Điều 38 Luật HN&GĐ năm 2000 có quy định bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau và cũng như trên đã nói, không phân biệt con riêng hay con đẻ một khi đã có quan hệ nuôi dưỡng thì sẽ có các quyền và nghĩa vụ như nhau và nếu vi phạm đều áp dụng các chế tài như nhau. Đối với những trường hợp con cái hành hạ, ngược đãi cha mẹ thì luật cũng có biện pháp xử lý như sau:

Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ có quy định xử phạt đối với một trong các hành vi:

+ Đánh đập hoặc xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; + Hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình;

+ Xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Ngoài ra BLHS năm 1999 cũng có điều luật liên quan đến những hành vi này, cụ thể: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con,

cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm (Điều 151 BLHS năm 1999).

Pháp luật đã đề ra những chế tài nghiêm khắc đối với những người có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ mình “tùy theo tính chất, mức độ

vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường”, nhằm bảo vệ trật tự và đạo lý xã hội.

- Bên cạnh đó luật còn quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS năm 2005, con đã thành niên có đủ điều kiện là người giám hộ cho cha mẹ nếu cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự : “…Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực

hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ...”.

Như vậy, khi cha mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự thì con là giám hộ đương nhiên của cha mẹ. Tất nhiên, con phải đáp ứng đủ các điều kiện của người giám hộ được quy định tại Điều 60 BLDS năm 2005 thì mới là người giám hộ cho cha mẹ:

“ Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ ”.

Theo đó, quy định này còn bao gồm cả việc con riêng giám hộ cho bố dượng, mẹ kế trong trường hợp bố dượng, mẹ kế không có người giám hộ theo quy định tại Điều 72 BLDS năm 2005.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa cha mẹ và con theo luật HNGĐ việt nam năm 2000 (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w