Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát hôn nhân cận huyết thống theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 73 - 75)

3.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện và áp dụng pháp luật kiểm

3.3.1. Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật

Thứ nhất: Mở rộng phạm vi cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi bốn đời. Đối chiếu với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959: “…cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Đối với những người khác có họ trong phạm vi năm đời hoặc có quan hệ thích thuộc về trực hệ, thì việc kết hôn sẽ giải quyết theo phong tục, tập quán”. Có thể thấy Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã có quy định rất chặt chẽ trong phạm vi cấm kết hôn giữa những người cùng huyết thống họ hàng, phạm vi được nới rộng đến năm đời. Trên phương diện lịch sử, tại thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực, các quan niệm về tự do hôn nhân và các quyền kết hôn của nam nữ chưa thực sự được coi trọng. Do đó, trong nếp nghĩ của nhiều người, thậm chí của những nhà làm luật, cần phải giới hạn phạm vi kết hôn đến đời thứ năm nhằm tránh sự xung đột trong nội tộc dòng họ. Mặc dù vậy, việc pháp Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định như vậy không phải là không có tính hợp lý, bởi nét đặc trưng trong truyền thống gia đình Việt Nam là coi trọng tôn ti trật tự, thứ bậc trong gia đình được đề cao trên cơ sở phát huy nề nếp gia phong. Do đó rất khó chấp nhận việc cháu lấy cô, chú hoặc ngược lại, một cuộc hôn nhân cận huyết thống sẽ kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến trật tự gia đình, điều mà từ lâu đã trở thành giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, trong môi trường hội nhập và đổi mới cả về mọi mặt xã hội và tư duy pháp lý, việc hoàn thiện pháp luật cũng cần để ý tới quyền và lợi ích của mọi người. Ngày nay, phạm vi cấm kết hôn trong năm đời trở lại có lẽ là khá rộng, hạn chế quyền tự do hôn nhân của người có nhu cầu kết hôn, qua đó dễ phát sinh tiêu cực trong nhận thức pháp luật của người dân, kìm hãm sự phát triển của gia đình và xã hội. Nhưng phạm vi ba đời có lẽ vẫn còn khá hẹp, rất khó thực thi trên thực tế vì tâm lý khó chấp nhận của họ hàng gia tộc

đôi bên. Nhiều quan điểm cho rằng cần quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi rộng hơn, vì xét về mặt khoa học, việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ gần là nhằm đảm bảo sức khỏe, sự lành mạnh của nòi giống, nên “phạm vi cấm kết hôn rộng càng tạo ra những điều kiện tốt hơn cho việc tổ hợp gen, tạo nên những cơ thể mới với những đặc điểm sinh học vượt trội hơn, đảm bảo sự phát triển về thể chất và trí tuệ của thế hệ mới” [7, tr.36]. Bởi vậy, để dung hòa tính hợp lý trên thực tế và quy định của luật trong việc bảo đảm quyền của người dân, điểm d, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nên thay đổi theo hướng: “cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi bốn đời”.

Thứ hai: Pháp luật hình sự cần có sự điều chỉnh tội loạn luân theo hướng thống nhất với quy định cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời. Điều 184 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Theo quy định của Điều 184 Bộ luật hình sự thì quan hệ cấu thành tội phạm bao gồm quan hệ cùng dòng máu về trực hệ và quan hệ bàng hệ anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Tuy nhiên, hậu quả từ những cuộc hôn nhân cận huyết hay nói cách khác là hậu quả từ hành vi có quan hệ tính giao với người có quan hệ họ hàng huyết thống không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ được liệt kê trong điều 184 bộ luật hình sự. Hành vi giao cấu với người mà biết rõ người đó có họ trong phạm vi ba đời hoàn toàn có thể đem lại hậu quả tiêu cực tương tự như quan hệ liệt kê trong điều luật quy định về tội loạn luân. Do đó, cần hoàn thiện điều luật theo hướng quy định các quan hệ cấu thành tội phạm một cách tổng quát hơn và theo hướng thông nhất với quy định của luật hôn nhân và gia đình, theo đó Điều 184 Bộ luật dân sự cần điều chỉnh theo hướng: “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là người có họ trong phạm vi ba đời với mình, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Thứ ba: Bổ sung căn cứ thực tế cho quy định cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Như đã đề cập, việc sinh con bằng phương pháp khoa học rất dễ nảy sinh trường hợp hôn nhân cận huyết thống trong tương lai gần. Mặc dù pháp luật không thừa nhận quan hệ cha mẹ con đối với đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp khoa học và người cha, người mẹ đã cho trứng, cho tinh trùng, những về mặt di truyền, giữa họ có mối quan hệ ruột thịt, thân sinh. Trong trường hợp này để tránh việc trong tương lai, người con được sinh ra đó kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với anh chị em hoặc cô, chú, cậu, dì ruột của mình, pháp luật hiện hành cần quy định theo hướng lấy cơ sở thực tế làm nền tảng. theo đó Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định theo hướng sau: “cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những ngườicó họ trong phạm vi ba đời dựa trên mối liên hệ huyết thống thực tế”. Mối liên hệ huyết thống thực tế được hiểu là quan hệ cha mẹ con dựa trên sự kiện kết hợp trứng và tinh trùng, mặc dù giữa những đối tượng này không có quan hệ cha mẹ con trên phương diện pháp lý nhưng cơ sở để pháp luật cấm hành vi kết hôn cận huyết phải là dựa trên quan hệ huyết thống thực tế. Muốn vậy, bên cạnh sự hoàn thiện quy định của pháp luật, pháp luật hôn nhân và gia đình cần bổ sung quy chế hướng dẫn việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và sinh con bằng phương pháp khoa học một cách chi tiết và cụ thể hơn. Đặc biệt việc giữ bí mật trong việc cho và nhận tinh trùng, trứng cần có ngoại lệ theo hướng ghi nhận quan hệ cha mẹ con thực tế sổ khai sinh, qua đó làm cơ sở để các cơ quan nhà nước phòng ngừa được tình trạng hôn nhân cận huyết có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát hôn nhân cận huyết thống theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)