Hoàn thiện pháp luật kiểm soát hôn nhân cận huyết thống phải xuất phát từ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát hôn nhân cận huyết thống theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 68 - 73)

xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật

Nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật là mục tiêu mà bất cứ một quốc gia nào cũng đều hướng tới. Một hệ thống pháp luật dù ưu việt đến đâu nếu hiệu quả điều chỉnh không cao, mục đích sử dụng không đạt được trên thực tế thì đó là một hệ thống pháp luật lý thuyết, xa rời thực tế. Từ Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và đến nay là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giải quyết nhiều xung đột xã hội, định hướng hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực mà pháp luật đặt ra trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, phát triển lành mạnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, pháp luật hôn nhân gia đình cũng bộc lộ không ít những bất cập cần được khắc phục. Cụ thể, đối với vấn đề kiểm soát hôn nhân cận huyết thống, các bất cập của pháp luật thể hiện ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất: Phạm vi ba đời trong quy định phạm vi kết hôn giữa những người cùng huyết thống là chưa thực sự hợp lý. Mặc dù trên cơ sở khoa học, những người có họ ngoài phạm vi ba đời khi lấy nhau hoặc chung sống như vợ chồng với nhau thì tỷ lệ các con sinh ra mắc các bệnh di truyền là rất thấp và gần như rất hiếm gặp. Một cách khách quan, đây là phạm vi kết hôn đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quan hệ nội tộc họ hàng hết sức phức tạp và đa dạng nên quan hệ họ tộc đến đời thứ 4 vẫn là rất gần gũi xét về mặt thân sơ họ hàng. Bởi vậy, trên thực tế, những cuộc hôn nhân giữa những người trong phạm vi ba đời với người ngoài phạm vi ba đời mặc dù được pháp luật cho phép và bảo vệ, song thường xuyên vấp phải sự không đồng tình của họ tộc đôi bên. Lý do được đưa ra là trong suy nghĩ và quan niệm của phần lớn người Việt Nam, đặc biệt là người cao tuổi, các trường hợp kết hôn đến đời thứ tư vẫn khó có thể chấp nhận do giữa hai

bên nam nữ vẫn có quan hệ họ hàng khá gần gũi, nếu lấy nhau sẽ là lộn tổ lộn tông, đảo lộn thứ bậc và xưng hô. Do đó, việc quy định phạm vi cấm kết hôn trong ba đời là chưa sát với thực tế và tâm lý của người dân Việt Nam.

Thứ hai: Pháp luật hình sự hiện hành chưa có một cơ chế đối với hành cố ý kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời. Điều luật duy nhất có liên quan được quy định trong bộ luật Hình sự năm 2015 là Điều 184 quy định về tội loạn luân. Nếu xét trên phương diện đối chiếu, so sánh thì điều luật này là chưa phản ánh được hết mức độ nghiêm trọng của hành vi chung sống hoặc kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời. Hành vi được quy định trong tội danh loạn luân là hành vi giao cấu khi biết rõ quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, đó là chỉ khi hành vi đã được thực hiện, tức là điều luật quy định theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” trong khi việc chung sống như vợ chồng và kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ và họ hàng ba đời đã là hành vi chứa đựng nguy cơ cần được ngăn chặn ngay lập tức.

Mặt khác, những hành vi như cố ý kết hôn giả tạo nhằm bảo lãnh người thân, người trong họ hàng ra nước ngoài trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, với mức xử lý có phần nhẹ tay như pháp luật hiện hành thì rất khó có thể hạn chế được hành vi vi phạm này. Đối với trường hợp kết hôn cận huyết tại các vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế và chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi các phong tục, tập quán thì các quy định của pháp luật có hiệu quả điều chỉnh chưa cao. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó mà có ngoại lệ trong việc áp dụng các quy định của luật. Với cách xử lý mềm dẻo nhiều khi khó đạt được kết quả ngăn chặn, nhất là với hành vi tưởng chừng như ít xâm hại tới các lợi ích xã hội như hành vi kết hôn cận huyết thống. Nếu nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, hậu quả mà các cuộc hôn nhân cận huyết gây ra mang tính hệ thống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là với chất lượng giống nòi và giá trị đạo đức gia đình. Do đó, việc pháp luật hình sự cần có một quy định cụ thể đối với hành vi chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống là một yêu cầu hoàn thiện pháp luật.

Thứ ba: Cơ chế pháp lý cho phép sinh con theo phương pháp khoa học gây ảnh hưởng tới tình trạng kết hôn cận huyết. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 dã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Để hướng dẫn thi hành những điều liên quan đến vấn đề mang thai hộ, ngày 28/01/2015, Chính phủ đã ban hành nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con theo bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là cơ chế mới mang nhiều ý nghĩa nhưng khá nhạy cảm và phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như quyền nhân thân của con người. Đặc biệt, vấn đề đặt ra ở đây là việc xác định “huyết thống” cho mối quan hệ giữa các chủ thể liên quan. Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra”. Như vậy, những người con được sinh ra là con của vợ chồng nhờ mang thai hộ, còn người mẹ trực tiếp sinh ra đứa trẻ lại không được pháp luật thừa nhận quyền tự nhiên của mình. Mặt khác, đối với trường hợp sinh con bằng phương pháp khoa học, người con được sinh ra cũng được pháp luật công nhận là con của những người được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, và không được xác định là con của những người cho tặng tinh trùng, noãn, phôi. Theo nguyên tắc bí mật trong việc cho và nhận tinh trùng, trứng phôi khiến liên hệ huyết thống giữa những người con được sinh ra và cha, mẹ đẻ không được rõ ràng, minh bạch, đứa trẻ sinh ra từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành đều không được biết đâu là cha, mẹ đẻ của mình. Đây chính là nguy cơ khiến tình trạng hôn nhân cận huyết thống khó có thể kiểm soát. Về mặt huyết thống thực tế, đứa con được sinh ra bằng phương pháp khoa học là con đẻ của những người hiến, tặng tinh trùng, trứng phôi. Do đó, khi trưởng thành, có khả năng xảy ra nguy cơ đứa trẻ đó phát sinh quan hệ tình cảm và kết hôn với chính người con đẻ hiện tại của những người đã từng cho phôi, tinh trùng hoặc với những người họ hàng gần của những người đó, và về mặt thực tế, đó sẽ là những cuộc hôn nhân cận huyết. Đây là một bất cấp phát sinh của pháp luật và cần có sự điều chỉnh thích hợp. Theo Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan: “việc kết hôn không thể được thực hiện nếu người đàn ông và người đàn bà có quan hệ huyết thống trực hệ,

quan hệ họ hàng trên dưới, hoặc anh em, chị em cùng cha mẹ, hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Quan hệ nói trên phải đúng với quan hệ huyết thống, không xét đến tính hợp pháp của nó” [3, điều 1451]. Theo tinh thần của điều luật nêu trên, mặc dù về mặt pháp lý, quan hệ cha mẹ-con không được công nhận nhưng về mặt thực tế giữa họ tồn tại quan hệ huyết thống nên vẫn nằm trong phạm vi cấm kết hôn theo quy định của luật, đây thực sự là một sự dự liệu chặt chẽ và hợp lý, pháp luật Việt Nam nên có sự học hỏi trong những quy định trên đây. Bên cạnh đó,nhà làm luật cần có các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với việc sinh con theo phương pháp khoa học và vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để hạn chế được những biến tướng phức tạp trong thực tiễn, góp phần đảm bảo tính thực thi của quy định pháp luật.

Thứ tư, quy định về cấm chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời không có tính khả thi khi áp dụng tại các vùng dân tộc thiểu số. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, tình trạng kết hôn vi phạm điều cấm này vẫn còn diễn ra vì theo tập quán của địa phương, những người cùng một “họ” là anh, em (bao nhiêu đời cũng không lấy nhau được), còn những người khác “họ” (mặc dù vẫn trong phạm vi ba đời) thì vẫn được lấy nhau. Ví dụ: Người Mông ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An nói riêng, ở một số tỉnh khu vực phía Bắc (thông qua tìm hiểu ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng) và một số nước trên thế giới như Lào, Thái Lan, Mỹ…. nói chung, đều có quan điểm rằng những người cùng một họ cho dù trải qua bao nhiêu đời, dù sinh sống ở đất nước nào cũng là anh em một nhà, cùng dòng máu, cùng tổ tiên nên con, cháu của họ không được phép kết hôn, vì những người này có chung thủ tục ma nhà, ma cửa, con cháu của họ mà lấy nhau thì chẳng khác gì loạn luân, chẳng khác gì anh, chị, em trong nhà lấy nhau và bị xã hội lên án, chê cười. Do đó, nam nữ những người cùng một họ không được quyền bày tỏ tâm tư, tình cảm với nhau và không bao giờ kết hôn trên thực tế. Áp dụng phong tục trên, tránh được việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ. Nhưng việc nghiêm cấm, kiêng kỵ không cho kết hôn giữa tất cả những người cùng họ như trên là không cần thiết, không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tập quán này không dễ gì

được xóa bỏ. Bên cạnh đó, cũng tồn tại tập quán “Kết hôn giữa những người có liên quan dòng họ trong phạm vi ba đời”. Xuất phát từ việc quan trọng hoá thủ tục ma chay giữa những người cùng một họ nên người Mông cho rằng, khi người con gái xuất giá thì sống hay chết đều là ma của nhà chồng, con cái của họ đều là người phụng dưỡng, tuân theo các tục lệ bên họ bố mẹ chồng, mang họ nhà chồng. Các con của cô, dì, cậu ruột không phải là anh em nữa vì họ không cùng một họ, không cùng thủ tục ma chay. Do đó, những người này dù mới là đời thứ hai nhưng được phép kết hôn với nhau, được cộng đồng người Mông công nhận.

Thực tế, một số Tòa án địa phương đã có quyết định hủy kết hôn trái pháp luật đối với các trường hợp kết hôn cận huyết thống nhưng thường khó được thi hành do cơ chế cưỡng chế thi hành các loại án này chưa cụ thể. Ngoài ra, do tảo hôn và kết hôn cận huyết thống không thể được đăng kết hôn tại UBND, nên những trường hợp này thường là những cặp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Còn nhiều trường hợp kết hôn không phải là trường hợp kết hôn cận huyết nhưng do theo tập quán nên việc kết hôn giữa những người có mối quan hệ họ hàng ở đời thứ 4, thứ 5 thậm chí cao hơn đã không được gia đình, cộng đồng chấp nhận từ đó dẫn đến các tranh chấp trong các mối quan hệ hôn nhân rất phức tạp.

Như vậy có thể thấy phong tục tập quán trong hôn nhân và gia đình của các dân tộc thiểu số đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống sinh hoạt, ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, được người dân rất coi trọng và thực hiện chu đáo, ngay cả những phong tục, tập quán không trái với nguyên tắc cơ bản của Luật (được quy định tại danh mục vận động xóa bỏ để khuyến khích áp dụng) nhưng cũng không dễ xóa bỏ ngay được. Trong khi đó pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể các điều kiện để áp dụng phong tục tập quán tiến bộ, mang bản sắc; chưa có chế tài xử lý hoặc hạn chế những trường hơp vi phạm. Mặt khác, cùng một vấn đề nhưng mỗi dân tộc có một phong tục khác nhau, gây khó khăn khi xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong những trường hợp tương tự; ngoài ra công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, các vụ việc xử lý hành chính, hình sự về vi phạm chế độ hôn nhân, gia đình nói chung về các hành vi vi phạm điều kiện cận huyết nói riêng ít được giải quyết trên thực tế; cán bộ hộ tịch ở một số địa phương vì nhiều lý do cũng không nắm bắt đầy

đủ các thông tin về thực trạng kết hôn cận huyết dẫn tới có nhiều khó khăn trong việc đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát hôn nhân cận huyết thống theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)