Quy định về hôn nhân cận huyết thống trong pháp luật Việt Nam từ Cách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát hôn nhân cận huyết thống theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 26 - 28)

1.3. Khái quát pháp luật điều chỉnh hôn nhân cận huyết thống ở Việt Nam

1.3.3.Quy định về hôn nhân cận huyết thống trong pháp luật Việt Nam từ Cách

Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, hiến Pháp năm 1946 của Nhà nước Việt Nam ra đời là một mốc dấu pháp lý đáng nhớ. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử mà Nhà nước ta thời bấy giờ chưa thể ban hành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Vì lý do đó, Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945 và Sắc lệnh 97/SL ngày 22/05/1950 được ban hành cho phép áp dụng chọn lọc quy lệ và chế định trong Bộ dân luật cũ, theo đó các quy định về cấm kết hôn giữa những người thân thích, họ hàng trong các bộ dân luật vẫn được giữ nguyên và

áp dụng theo từng miền. Đây là tiền đề để xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình sau này.

Việt Nam sau 1954 bị chia cắt làm hai miền Bắc-Nam. Ở miền Bắc, ngày 29/12/1959, Luật HN&GĐ năm 1959 được thông qua đánh dấu một sự kiện chính trị quan trọng khi trở thành đạo luật đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Luật HN&GĐ năm 1959 cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đối với những người khác có họ trong phạm vi năm đời hoặc có quan hệ thích thuộc về trực hệ, thì việc kết hôn sẽ giải quyết theo phong tục tập quán (Điều 9). Như vậy, Luật HN&GĐ năm 1959 cấm kết hôn trong phạm vi ba đời. Đến đời thứ tư và thứ năm thì việc kết hôn có thể được chấp nhận hoặc không tùy theo phong tục tập quán từng địa phương. Quan hệ thích thuộc về trực hệ là quan hệ giữa một bên vợ hoặc chồng với những người trong họ nhà vợ hay trong họ nhà chồng. Những người trong họ nhà vợ hay họ nhà chồng đó phải không được là những người cùng dòng máu về trực hệ. Như vậy, quan hệ thích thuộc về trực hệ là mối quan hệ giữa bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể. Những quy định của Luật HN&GĐ năm 1959 được ra đời trong hoàn cảnh chuyển giao lịch sử nên còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của những quy định pháp luật và tập tục cũ.

Ở Miền Nam Việt Nam, các đạo luật chủ yếu điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình trong giai đoạn này lần lượt là: Luật Gia đình số 1-59 ngày 2/1/1959; Sắc luật số 15-64 ngày 23/7/1964 quy định về giá thú tử hệ và tài sản cộng đồng và Bộ Dân luật năm 1972. Đối với các trường hợp cấm kết hôn giữa những người thân thích, cả ba đạo luật này đều giới hạn phạm vi khá rộng trong đó Luật Gia đình năm 1959 và Bộ dân luật năm 1972 có những quy định chi tiết và mở rộng phạm vi kết hôn hơn so với Sắc luật năm 1964. Theo đó, cấm kết hôn giữa những người trong trực hệ không kể thứ bậc, chính thức hay ngoại hôn (hôn nhân thực tế) bao gồm các hình thức: huyết tộc (huyết thống), hôn nhân hay nghĩa dưỡng. Về bàng hệ, cấm kết hôn giữa:

- Anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; giữa những người con nuôi của cùng một người hoặc giữa những người con nuôi với con của người đứng nuôi;

- Anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì, cháu chú, cháu bác, cháu cô, cháu cậu, cháu dì hai bên nội ngoại;

- Chị dâu, em dâu với em chồng, anh chồng, anh rể, em rể với em vợ, chị vợ; - Chú bác cậu, ông bác, ông chú, ông bác, ông cậu với cháu gái do huyết tộc hoặc hôn nhân; giữa cô, dì, bà cô, bà dì với cháu trai do huyết tộc hoặc do hôn nhân.

- Bác gái, thím, mợ, bà bác, bà thím, bà mợ với cháu chồng; Bác, chú, cậu, ông chú, ông bác, ông cậu với cháu vợ.

Như vậy có thể thấy phạm vi cấm kết hôn giữa những người thân thích, họ hàng trong ba đạo luật trên là khá rộng, thậm chí bao gồm cả yếu tố huyết thống và hôn nhân của những người được nuôi dưỡng. Sự kết hợp yếu tố pháp lý của truyền thống và kỹ thuật lập pháp phương Tây là một điểm tích cực làm phong phú thêm các quy định về hôn nhân và gia đình cũng như làm cơ sở pháp lý tham khảo cho các bộ luật hôn nhân và gia đình sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát hôn nhân cận huyết thống theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 26 - 28)