0
Tải bản đầy đủ (.doc) (69 trang)

Hợp đồng chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng tàu chuyến

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG BIỂN THEO LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM 2005 (Trang 43 -45 )

2.3.2.1. Khái niệm và đặc điểm

Phương thức thuê tàu chuyến cũng là một trong những phương thức thông dụng trong vận chuyển đường biển. Tàu chuyến được hiểu là loại tàu không chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, không đi qua những cảng nhất định và không theo một lịch trình đã định trước. Như vậy, khác với phương thức thuê tàu chợ, trong phương thức thuê tàu chuyến, tàu chuyến hoạt động không theo một lịch trình định trước, mà lịch trình của nó được đặt

ra theo yêu cầu của người thuê tàu. Khi thuê tàu chuyến, người thuê chở hàng yêu cầu người chuyên chở dành toàn bộ tàu hay phần tàu để vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của mình.

Hàng hóa chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chuyến thường là đầy tàu và được vận chuyển nhanh vì không phải ghé qua các cảng nhất định trước như trường hợp vận chuyển bằng tàu chợ, vì vậy giá cước vận chuyển rẻ. Mặt khác, tàu có thể thay đổi cảng xếp, cảng dỡ một cách dễ dàng nên hợp đồng có tính linh hoạt cao.

Hình thức pháp lý của phương thức tàu chuyến là hợp đồng chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng tàu chuyến. Hợp đồng chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng tàu chuyến là văn bản được ký kết giữa người chuyên chở và người thuê vận chuyển hàng hóa, theo đó người chuyên chở cam kết dùng toàn bộ hay một phần chiếc tàu đi biển để chuyên chở hàng hóa theo yêu cầu của người thuê vận chuyển hàng hóa và người thuê vận chuyển cam kết có nghĩa vụ trả tiền cước chuyên chở theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Từ khái niệm trên có thể thấy hợp đồng thuê tàu chuyến là văn bản pháp lý ràng buộc nghĩa vụ của người thuê vận tải và người vận tải. Hợp đồng thuê tàu chuyến thông thường được đàm phán ký kết theo một thủ tục phức tạp hơn nhiều so với thuê tàu chợ, mọi điều khoản đều được hai bên tự do thương lượng trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi nhằm xác định quyền và nghĩa vụ các bên đối với nhau. Người chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chuyến có thể là chủ tàu, cũng có thể là người thuê tàu của người khác để chuyên chở kinh doanh thu tiền cước. Người thuê tàu để vận chuyển hàng hóa có thể là người xuất khẩu và cũng có thể là người nhập khẩu.

Khác với hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng tàu chợ, hiện tại chưa có một điều ước quốc tế nào được ký kết để điều chỉnh hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyến. Vì vậy, loại hợp đồng này chủ yếu do pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế về vận tải biển điều chỉnh.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến, các hãng tàu, tổ chức hàng hải quốc tế đã soạn thảo nhiều mẫu thuê tàu chuyến. Đặc điểm nổi bật của mẫu hợp đồng thuê tàu chuyến là không mang tính chất bắt buộc mà chỉ mang tính tùy ý lựa chọn. Điều đó có nghĩa là các bên trong hợp đồng có quyền lựa chọn loại hợp đồng mẫu để làm căn cứ đàm phán. Trong quá trình đàm phán, các bên có thể sửa đổi, bổ sung các điều kiện in sẵn trong hợp đồng mẫu, sau khi các bên đã đi đến thống nhất ký kết thì nội dung của hợp đồng mới trở thành bắt buộc.

Do không có các công ước quốc tế điều chỉnh đối với hợp đồng thuê tàu chuyến, do đó nguồn luật chủ yếu đối với hợp đồng thuê tàu chuyến là luật quốc gia. Luật quốc gia điều chỉnh hợp đồng thuê tàu chuyến có thể là luật nước người chuyên chở, luật nước người gửi hàng, luật nơi gửi hàng, luật nơi nhận hàng. Luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng là do chính chính các bên thỏa thuận chọn luật áp dụng. Ngoài ra, tập quán hàng hải quốc tế cũng có thể được áp dụng trong những trường hợp không có luật áp dụng cho hợp đồng hay điều chỉnh không đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG BIỂN THEO LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM 2005 (Trang 43 -45 )

×