Tình hình nghiên cứu sản xuất vắc xin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm vắc xin vô hoạt nhị giá ND IB phòng bệnh newcastle và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gia cầm (Trang 34 - 35)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình nghiên cứu sản xuất vắc xin

2.3.1. Trên thế giới

Trên thế giới, với nền tảng công nghệ nghiên cứu và sản xuất hiện đại nên việc phát triển các sản phẩm vắc xin đa giá, kết hợp nhiều loại kháng nguyên trong một sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm đã và đang có những tiến bộ vượt bậc. Trong đó, có thể kể đến các tập đoàn và công ty lớn như: Merial (Pháp), Intervet (Hà Lan), Ceva (Pháp), Zoetis (Mỹ), Bayer (Đức), Virbac (Pháp), Boehringer (Mỹ), Medion (Indonesia)... với các sản phẩm vắc xin đa giá được sản xuất và phân phối tại rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Về chủng loại, các sản phẩm vắc xin đa giá phòng bệnh cho gia cầm có thể được nghiên cứu, sản xuất ở dạng đông khô với các chủng nhược độc hoặc dạng vô hoạt với chất bổ trợ giúp định hướng đáp ứng miễn dịch, tăng độ ổn định, kéo dài thời gian bảo hộ.

- Vắc xin nhược độc ND-IB: là vắc xin khá phổ biến, phòng 2 bệnh Newcastle và viêm phế quản truyền nhiễm. Được sản xuất từ 2 chủng virus nhược độc Newcastle B1 và IBV H120 hoặc Massachusetts với chất nền đông khô là sữa gầy (Skimmilk) hoặc đường.

- Sản phẩm vắc xin vô hoạt: Với các dạng bào chế và công nghệ sản xuất khác nhau, các công ty trên thế giới cho ra đời rất nhiều sản phẩm vắc xin vô hoạt đa giá phòng bệnh cho đối tượng gia cầm nuôi dài ngày và gia cầm sinh sản. Một số sản phẩm tiêu biểu như: Công ty Veva (Pháp) có một số dòng sản phẩm vắc xin vô hoạt đa giá như CEVAC® ND IB EDS K phòng bệnh ND, IB và Hội chứng giảm đẻ trên gia cầm, CEVAC® ND IB IBD K phòng bệnh ND, IB và Gumboro. Vắc xin Nobilis IB + G + ND (Intervet), vắc xin Pro-Vac 3 (Zoetis), Medivac ND-IB-IBD Emulsion (Medion) là những vắc xin vô hoạt phòng bệnh Newcastle, IB và Gumoro.Vắc xin vô hoạt phòn 4 bệnh ND, IB, Gumboro, bệnh do Reovirus gây ra như: Pro-Vac 4 (Zoetis), Nobilis Reo + IB + G + ND (Intervet),...

Với chủng loại đa dạng, sử dụng thuận tiện, an toàn và hiệu quả, vắc xin đa giá nhập ngoại đã được các đơn vị trong nước nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam từ khá sớm. Được đánh giá là loại vắc xin sử dụng phù hợp cho quy mô chăn nuôi tập chung, các cơ sở sản xuất, cung ứng con giống do giảm chi phí vắc xin và nhân công cho việc triển khai chủng ngừa vắc xin.

2.3.2. Tại Việt Nam

Do hạn chế về nền tảng công nghệ kỹ thuật, việc đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin đa giá nói chung và vắc xin đa giá phòng bệnh cho gia cầm nói riêng còn rất nhiều giới hạn. Việc đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiến tới đầu tư dây chuyền công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất các loại vắc xin công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn, chưa tính đến việc phải cạnh tranh về giá thành và thị trường với các sản phẩm nhập ngoại vốn đã có mặt rất sớm và được thị trường trong nước chấp nhận.

Tại Việt Nam, mặc dù vắc xin đa giá cho gia cầm đã được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, gần như tất cả là vắc xin ngoại nhập, trong đó không ít sản phẩm đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia).

Nhận thấy tiềm năng lớn từ vắc xin đa giá cho gia cầm, đã có một số cơ sở khoa học, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển vắc xin đa giá. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ được đánh giá là những nghiên cứu, thử nghiệm trên quy mô nhỏ mà chưa thể ứng dụng và triển khai hiệu quả trong sản xuất trên quy mô lớn để đưa sản phẩm ra phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công trình nghiên cứu của Nguyễn Hồng Minh (2012) về sản phẩm vắc xin nhược độc đa giá kết hợp phòng 3 bệnh Newcastle, Gumboro và Viêm phế quản truyền nhiễm. Đây là công trình nghiên cứu được đánh giá có ý nghĩa thực tiễn, có tính khả thi cao để áp dụng triển khai trong sản xuất và thương mại hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm vắc xin vô hoạt nhị giá ND IB phòng bệnh newcastle và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gia cầm (Trang 34 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)