Một số nghiên cứu sử dụng phân bón cho lúa trong điều kiện mặn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón 16PB01 đến khả năng cải tạo mặn và năng suất lúa trên đất phù sa nhiễm mặn tại huyện tiền hải, thái bình (Trang 33 - 36)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.4.3. Một số nghiên cứu sử dụng phân bón cho lúa trong điều kiện mặn

Các nghiên cứu của Yokoi & cs. (2002); Ashraf và Foolad (2007) và Khattak & cs. (2007) Mahmood Imdad Ali & cs. (2013) đã chỉ ra rằng trên các vùng đất mặn trong canh lúa ngoài việc chọn các giống có khả chịu mặn cần tăng cường bón thêm Ca2+ do Ca2+ có khả năng hạn chế sự xâm nhập của Na+ vào tế bào thực vật, nhất là vùng rễ.

Phân hữu cơ giúp giảm độc chất Al, Fe trong đất, giúp gia tăng pH đất (Muhrizal et al., 2003 và Muhrizal et al., 2006), giúp tăng hàm lượng đạm hữu

dụng và lân hữu dụng, từ đó giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt và gia tăng năng suất lúa đáng kể trong điều kiện mặn.

Theo nghiên cứu của Trần Văn Dũng và Đặng Kiều Nhân (2010), bón tăng cường phân Kali giúp cải thiện độ mặn và giảm hàm lượng Na+ trao đổi trên keo đất (p<0,05), bên cạnh đó bón tăng cường phân Kali làm gia tăng năng suất lúa so với nghiệm thức đối chứng (p<0,05) trên nền đất mặn của mô hình lúa - tôm. Tuy nhiên, hiệu quả của phân hữu cơ đến khả năng cải thiện độ mặn và năng suất lúa chưa được thể hiện rõ trong thí nghiệm.

Theo Lê Văn Dũng & cs. (2018), sử dụng 5 tấn phân hữu cơ/ha và 500 kg CaCO3 trên đất phèn nhiễm mặn canh tác lúa giúp gia tăng độ pH của đất, giảm độc chất nhôm, vôi và phân hữu cơ có chứa lượng Ca2+ cao, giúp cải thiện hàm lượng Na trao đổi trên đất nhiễm mặn, vì Ca2+ có thể thay thế Na+ trao đổi trên hệ phức hấp thu, do đó giảm sự sodic hoá của đất, đồng thời gia tăng hàm lượng đạm và lân hữu dụng trong đất, giúp tăng khả năng chống chịu mặn, từ đó giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt trên đất phèn nhiễm mặn, thể hiện qua gia tăng số bông, hạt chắc/bông, trong lượng hạt dẫn đến gia tăng năng suất lúa.

Tất Anh Thư (2016), đã thực hiện thí nghiệm trong điều kiện nhà lưới nhằm đánh giá hiệu quả của phân hữu cơ và vôi trong cải thiện đặc tính bất lợi của đất và tăng năng suất lúa trên đất nhiễm mặn. Kết quả thu được là bón phân vô cơ, phân hữu cơ và vôi tương đương ngoài đồng ruộng với lượng 60kgN – 20kgP2O5

– 20kgK2O/ha và 5 tấn phân hữu cơ (bã bùn mía hoặc Bio- Pro) kết hợp 0,5 tấn vôi/ha giúp giảm Na+ trao đổi, giảm trị số ESP, gia tăng pH và giảm ECe trong đất, cải thiện hàm lượng đạm hữu dụng, lân hữu dụng trong đất có ý nghĩa. Phân hữu cơ bã bùn mía thể hiện rõ hiệu quả cải thiện đặc tính bất lợi của đất mặn hợn phân Bio-Pro. Cả hai dạng phân hữu cơ kết hợp bón vôi giúp cây lúa sinh trưởng tốt và tăng năng suất hạt có ý nghĩa.

Theo Nguyễn Văn Bộ & cs. (2011), bón calcium bước đầu cho thấy có sự gia tăng sự tích lũy proline trong cây lúa, giúp lúa sinh trưởng tốt hơn dưới điều kiện tưới mặn. Sử dụng Ca2+ dạng CaSO4 và Ca(NO3)2 đã cải thiện được chiều cao cây lúa so với tưới mặn không bón Ca2+. Dạng Ca(NO3)2 đã góp phần gia tăng phần trăm hạt chắc, trọng lượng 1.000 hạt và năng suất hạt trong điều kiện tưới mặn cho lúa. Trong điều kiện tưới tạm thời nước mặn ở nồng độ mặn 10‰ để duy trì sự sống cho cây lúa, có thể sử dụng Ca2+ dạng CaSO4 và Ca(NO3)2 để nâng cao khả năng chịu mặn của lúa.

Thực tế việc đối phó và giảm thiểu tác động của hạn - mặn gây ra như biện pháp công trình (thủy lợi), bố trí chuyển đổi và luân canh cây trồng, sử dụng những giống chịu mặn - hạn thường tốn kém và mất nhiều thời gian. Trong khi những giải pháp khắc phục từ gốc, dễ thực hiện, đồng đều và quy mô áp dụng được rộng hơn, biện pháp thích ứng như xác định chính xác nguyên nhân, những yếu tố hạn chế chính (thừa, thiếu) trong đất mặn - hạn, sử dụng các sản phẩm phân bón chuyên dùng và chất cải tạo theo mức độ mặn, độ phì đất từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng,... Nếu không được quan tâm thích đáng, với tốc độ hạn - mặn, hoang hóa nhanh như hiện nay quá trình càng kéo dài thì việc khắc phục thường ít hiệu quả hoặc tốn kém hơn. Với những hạn chế nêu trên, đề tài tập trung nghiên cứu giải pháp sử dụng phân bón vô cơ (dựa trên đặc điểm, yếu tố hạn chế và cấp độ mặn của đất) chuyên dùng cho đất mặn được ưu tiên theo hướng thay đổi, điều chỉnh sử dụng các nguyên liệu và từ phế phụ phẩm đầu vào sản xuất phân bón, sẵn có và rẻ tiền trong nước, từ chất thải trong sản xuất phân bón DAP... làm giảm hoạt tính, trung hòa của các tác nhân gây mặn và cải tạo lý tính đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón 16PB01 đến khả năng cải tạo mặn và năng suất lúa trên đất phù sa nhiễm mặn tại huyện tiền hải, thái bình (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w