Bối cảnh quốc tế và chủ nghĩa quốc tế vô sản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam với CuBa (1960-1975) (Trang 26 - 33)

1.1. Những yếu tố tác động tới việc thiết lập quan hệ Việt Nam với Cuba

1.1.2. Bối cảnh quốc tế và chủ nghĩa quốc tế vô sản

Bối cảnh quốc tế

Sau CTTG II, quan hệ quốc tế có nhiều biến đổi quan trọng, đó là: sự xuất hiện và lớn mạnh của những thực thể chính trị mới trên thế giới (phe XHCN); sự đối đầu giữa hai phe TBCN và XHCN trong khuôn khổ của chiến tranh lạnh; cùng với đó, sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc, sự ra dời và phát triển phong trào Không liên kết; những biến động trong hệ thống các nước TBCN và XHCN. Tất cả những nhân tố đó đã tác động, tạo ra những thuận lợi cũng như khó khăn cho cách mạng Việt Nam giai đoạn này.

Hệ thống XHCN ra đời sau CTTG II đã trở thành thực thể chính trị to lớn, chi phối vận động quốc tế. Dưới sự ảnh hưởng tích cực của Liên Xô, trong những năm 1945-1949, các nước XHCN lần lượt ra đời ở Đông Âu, ở châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên). Và như vậy, XHCN từ một nước đã trở thành một hệ thống trên thế giới. Năm 1959, thắng lợi của cách mạng Cuba dưới sự lãnh đạo của Phi-đen Ca-xtơ-rô đã đưa đến sự ra đời nước Cộng hòa Cuba, XHCN đã được mở rộng sang khu vực Mỹ Latinh, nối liền từ Đông sang Tây. XHCN đã lớn mạnh trở thành một hệ thống bao gồm hơn 10 quốc gia, chiếm 1/3 dân số và 26% diện

tích toàn thế giới [129, tr. 56]. Sau khi ra đời, Liên Xô và các nước XHCN tăng cường hợp tác, liên kết trên nhiều phương diện. Sự hình thành và củng cố thành hệ thống trên thế giới đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình tiến bộ của lịch sử loài người.

Các nước XHCN đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế, khoa học – kỹ thuật, sức mạnh quân sự tăng lên đáng kể.

Về chính trị, sau sự kiện Hung-ga-ri (1956), Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới (1957), quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa các nước XHCN được củng cố hơn trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác tương trợ nhau vì sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Liên Xô và các nước XHCN đã kiên trì ủng hộ và giúp đỡ các phong trào đó.

Về kinh tế, hầu hết các nước XHCN xây dựng đất nước trên điều kiện đất nước nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nhỏ, manh mún, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân và sự hợp tác có hiệu quả, nhất là thông qua tổ chức Hội đồng tương trợ kinh tế

(SEV), nền kinh tế các nước này có sự phát triển và đạt những thành tựu đáng kể. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng mạnh, năm 1960 chiếm 34% sản lượng công nghiệp toàn thế giới.

Về quân sự, năm 1955, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu ký Hiệp ước Vácsava, thành lập khối quân sự Vácsava, cùng với tiềm lực quốc phòng tăng lên đáng kể trở thành đối trọng, tạo thế cân bằng trong tương quan lực lượng với tổ chức NATO do Mỹ đứng đầu.

Trong lĩnh vực khoa học – quân sự: tháng 10-1957, Liên Xô phóng thành công tên lửa vượt đại châu và vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất mở đầu giai đoạn cân bằng về vũ khí chiến lược, có lợi cho Liên Xô và phe XHCN; năm 1961, Liên Xô phóng tàu vũ trụ bay vòng quanh trái đất, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người…

Hệ thống XHCN ra đời và lớn mạnh trở thành đối trọng hữu hiệu trước CNTB, tạo ra cục diện so sánh lực lượng có lợi cho CNXH trong suốt nhiều thập kỷ[129, tr. 64]. Hệ thống XHCN có vai trò cực kỳ quan trọng và cống hiến to lớn đối với quá trình thực hiện các mục tiêu to lớn của nhân loại sau CTTG II là: hòa

bình, an ninh và phát triển. Sự lớn mạnh về thế và lực của phe XHCN là cơ sở giúp những nước này đương đầu với sự xâm lược, bao vây phá hoại, cô lập của CNĐQ; là chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. “Đây là thời kỳ CNXH hiện thực có ảnh hưởng rộng lớn và mạnh mẽ nhất trong lịch sử”[79, tr. 26]

Sự lớn mạnh cả thế và lực của phe XHCN là nhân tố quốc tế quan trọng ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình, các nước XHCN cũng trải qua những giai đoạn sóng gió, thăng trầm mà nguồn gốc của nó là sự bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ. Các nước này nảy sinh những vấn đề khó khăn khi thực hiện các kế hoạch kinh tế và xuất hiện những bất đồng về quan điểm xây dựng CNXH và chủ trương đối ngoại. Sự khủng hoảng quan hệ giữa các nước như Anbani và Nam Tư… nhất là quan hệ giữa hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc. Những mâu thuẫn giữa hai nước lớn này bộc lộ rõ từ những năm 50 (XX), giai đoạn 1960-1965, quan hệ này tiếp tục lại xấu đi. Nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích quốc gia, dân tộc được biểu hiện thành những bất đồng về đường lối, mục tiêu chiến lược của từng nước, vị trí, vai trò quốc tế, mâu thuẫn trong vấn đề đường biên giới, bất đồng quan điểm. Hai nước này ra sức tập hợp lực lượng, tăng cường ảnh hưởng và vị thế của mình trong phe XHCN, dẫn đến sự bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chống chủ nghĩa xét lại trở thành vấn đề lớn trong nội bộ các nước XHCN.

Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế xuất hiện tình trạng khủng hoảng về đường lối, xuất hiện nhân tố gây rạn nứt, mặc dù Hội nghị vào các năm 1957 và 1960 đã cố gắng củng cố sự đoàn kết nhưng không thành công. Điều đó cũng tác động đến phong trào giải phóng dân tộc và xu thế đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, dân sinh và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Những nhân tố không thuận trên đã “làm tổn hại nghiêm trọng sức mạnh và uy tín của CNXH với tư cách là một hệ thống”[129, tr. 67]. Những mâu thuẫn trong nội bộ hệ thống XHCN đã “ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào giải phóng dân tộc, là cơ hội để Mỹ và các nước phương Tây lợi dụng, khoét sâu, phân hóa khối XHCN, cô lập các nước đang đấu tranh vì độc lập dân tộc”[79, tr. 101].

Đối với phong trào giải phóng dân tộc, Sau CTTG II, quá trình phi thực dân hóa diễn ra mạnh mẽ với sinh lực và tính chất cách mạng cao hơn nhiều giai đoạn trước[129, tr. 84]. Làn sóng chống CNTD cũ trên thế giới được cổ vũ và phát triển mạnh mẽ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 ở Việt Nam. Đến năm 1960 đã có 40 nước giành được độc lập[14, tr. 183] với những mức độ khác nhau ở khắp châu lục Á, Phi, Mỹ Latinh, thu hẹp đáng kể phạm vi thống trị của CNĐQ. Các nước đấu tranh giành độc lập dân tộc tập hợp thành lực lượng chính trị to lớn gọi là “Thế giới thứ ba”. Thực thể chính trị này thực hiện nhiều nỗ lực xác lập, củng cố vai trò, vị trí quốc tế của mình trên nhiều phương diện.

Đặc biệt tháng 4-1955, Hội nghị cấp cao triệu tập ở Băng-đung (Inđônêxia) bao gồm 29 quốc gia Á, Phi, Mỹ Latinh ra Bản tuyên bố với 10 nguyên tắc hòa bình, trung lập. Đó là sự kiện có ý nghĩa lớn đoàn kết các nước chống CNTD cũ và mới, bảo vệ hòa bình thế giới, góp phần cổ vũ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Lớn nhất là sự ra đời Phong trào Không liên kết vào tháng 9- 1961 tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của phong trào được tổ chức Bêôgát (Nam Tư) gồm 25 nước thành viên. Phong trào thể hiện mong muốn của các nước trong “Thế giới thứ ba” đoàn kết đấu tranh bảo vệ và củng cố độc lập chính trị, từng bước giành độc lập kinh tế, bảo vệ hòa bình thế giới để cùng tồn tại và phát triển. Phong trào đã cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của các quốc gia trên thế giới trong đó có cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Cuba.

Phong trào giải phóng dân tộc và Phong trào Không liên kết là những nhân tố mới hình thành và phát triển sau CTTG II, nhất là từ những năm 50 trở đi có ảnh hưởng lớn cổ vũ cho cuộc chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong hệ thống các nước TBCN tiếp tục biến đổi sâu sắc. Sức mạnh của hệ thống TBCN được củng cố, tăng cường một cách đáng kể sau CTTG II dựa trên cơ sở là các mối liên minh liên kết, phối hợp hành động giữa Mỹ và các cường quốc tư bản khác trên các phương diện kinh tế, chính trị - quân sự…Đồng thời các nước này thực hiện chính sách chính trị - ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu chống lại CNXH đang lớn mạnh, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và các lực lượng tiến bộ vì hòa bình trên thế giới.

Nổi bật nhất trong thực thể TBCN là Mỹ. Sau CTTG II, Mỹ trở thành siêu cường giàu có nhất chiếm ưu thế tuyệt đối về mọi mặt trên thế giới, đặc biệt về kinh tế, tài chính và quân sự. Dựa vào ưu thế đó, Mỹ đã cho triển khai chiến lược toàn cầu mà trọng tâm là lôi kéo các nước tư bản đồng minh chống lại Liên Xô và các nước XHCN, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, phong trào dân chủ thế giới.

Về quân sự, gạt bỏ ảnh hưởng của Anh, Pháp ra khỏi nhiều địa bàn chiến lược trên thế giới, đặc biệt ở châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ lần lượt thiết lập những liên minh quân sự do mình đứng đầu: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành lập năm 1949 ở Tây Âu – công cụ quan trọng nhất để Mỹ thực hiện kế hoạch toàn cầu [79, tr. 17], khối ANZUS ở Thái Bình Dương, khối SEATO (1954) ở Đông Nam Á…Trong vòng xoáy của chiến tranh lạnh, đế quốc Mỹ đã lôi kéo nhiều nước trên thế giới vào cuộc chiến tranh chống lại phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới như: dính líu vào nội chiến ở Triều Tiên (1950-1953), các vụ bạo loạn Trung Đông, dính líu chiến tranh Đông Dương của Pháp (1945-1954) và trực tiếp phát động chiến tranh xâm lược ở Việt Nam (1954-1975)…Tuy nhiên, Mỹ gặp nhiều khó khăn trong nước và thế giới. Nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm. Về quân sự, Mỹ mất dần ưu thế về hạt nhân và vũ khí chiến lược.

Mặt khác, bản thân hệ thống TBCN cũng dần bộc lộ những bất đồng, mâu thuẫn có tính đối kháng gay gắt không thể điều hòa.

Trong tương quan lực lượng Mỹ và các nước đồng minh phương Tây thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ. Sau CTTG II, Mỹ thông qua viện trợ về kinh tế - tài chính từng bước chi phối các nước TBCN trên thế giới. Các nước TBCN muốn thoát ra khỏi sự khống chế của Mỹ, vươn lên trở thành thực thể chính trị độc lập trên trường quốc tế.

Sự kiện đánh dấu rạn nứt trong quan hệ của các nước TBCN sau CTTG II, đó là những mâu thuẫn trong quan hệ Pháp – Mỹ, Đức – Mỹ. Nguồn gốc của những mâu thuẫn đó bắt nguồn từ những mâu thuẫn về lợi ích quốc gia giữa các cường quốc TBCN. Quan hệ Pháp – Mỹ xấu đi từ cuối thập niên 50 sang thập niên 60 (XX). Chính quyền Pháp (đứng đầu là De Gaulle) thực hiện những chính sách đối ngoại độc lập nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của Mỹ và khôi phục địa vị chính trị của mình trên chính trường quốc tế. Mặc dù dựa vào Mỹ để phục hồi nền kinh

tế nhưng Tây Âu và Nhật Bản bắt đầu chống lại sự khống chế của Mỹ bằng sức mạnh về kinh tế.

Những biến đổi trong hệ thống TBCN vừa tạo ra những khó khăn và thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Mỹ triển khai mạnh mẽ chiến lược toàn cầu mà trọng điểm là Việt Nam, lôi kéo các nước đồng minh tham chiến sẽ là nguy cơ lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, cũng có ít nhiều yếu tố thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.

Về chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Chủ nghĩa quốc tế vô sản được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của phong trào công nhân quốc tế với cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, chống chủ nghĩa dân tộc tư sản.

Bản chất của CNQTVS là tình đoàn kết quốc tế vô sản của giai cấp vô sản, là sự tăng cường hợp tác, ủng hộ và tin cậy lẫn nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng phối hợp đấu tranh vì những mục tiêu chung và cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế[153, tr. 15].

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã kêu gọi “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”. Đó là luận điểm mà các ông cho rằng để giành được thắng lợi trong cuộc chiến giải phóng giai cấp, giai cấp vô sản thế giới phải đoàn kết mới có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống sự thống trị của tư bản. Tuy nhiên, quan điểm của hai ông chỉ dừng lại ở kêu gọi đấu tranh giai cấp mà chưa đề cập đến vấn đề đấu tranh dân tộc.

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, CNĐQ hình thành và lớn mạnh. Các nước đế quốc đẩy mạnh xâm lược thuộc địa, tăng cường bóc lột nhân dân các thuộc địa. Sự thống trị tàn bạo của CNĐQ đối với các dân tộc thuộc địa đã bao trùm phạm vi cả thế giới. V.Lênin là Người đã phát triển quan điểm về quốc tế vô sản của Mác- Lênin, ông cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân tất cả các nước chỉ giành được thắng lợi nếu họ đoàn kết được với các dân tộc bị áp bức trong cuộc chiến chống tư bản thế giới (chống CNĐQ) với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Luận điểm của Lênin có nghĩa là sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc chỉ có thể đi đến thắng lợi triệt để khi nó trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng vô

sản thế giới. Nội dung và thực chất của CNQTVS được Lênin khẳng định đó là sự kết hợp hài hòa lợi ích quốc tế và lợi ích dân tộc, “Chỉ có một chủ nghĩa quốc tế thật sự, duy nhất và độc nhất là: làm việc quên mình cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở trong nước mình, ủng hộ (bằng sự tuyên truyền đồng tình, giúp đỡ vật chất) cũng cuộc đấu tranh ấy và chỉ đường lối ấy mà thôi, trong tất cả các nước, không trừ một nước nào”[153, tr. 8].

Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, góp phần quan trọng đưa lý luận Mác – Lênin về CNXH trở thành hiện thực. Với thắng lợi đó, Liên bang Xô Viết đã ra đời trở thành ngọn cờ của phong trào cách mạng thế giới, góp phần quan trọng đoàn kết phong trào đấu tranh giai cấp và dân tộc trên toàn thế giới. Sau CTTG II, với vai trò tích cực của Liên Xô, hệ thống các nước XHCN đã hình thành và phát triển. Chính vì vậy, nội dung của CNQTVS cũng phát triển lên tầm cao mới phong phú, đa dạng hơn, quy mô của phong trào đoàn kết cũng phát triển rộng rãi hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa quốc tế vô sản vì vậy được phát triển lên một bước cao hơn – chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa.

CNQTVS luôn phát triển cho phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh. Trên cơ sở của chủ nghĩa vô sản đã nảy sinh chủ nghĩa quốc tế XHCN. Chủ nghĩa quốc tế XHCN ra đời khi CNXH trở thành hệ thống trên thế giới, biểu hiện của nó chính là

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam với CuBa (1960-1975) (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)