2.1. Yêu cầu khách quan và điều kiện chủ quan để phát triển quan hệ
2.1.1. Yêu cầu khách quan để phát triển quan hệ Việt Nam – Cuba
Trong những năm 60 – 70 (XX), quan hệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Mâu thuẫn, xung đột ý thức hệ giữa hai hệ thống xã hội TBCN và XHCN là điển hình nhất, tiếp tục gia tăng và chi phối sự vận động quan hệ quốc tế, thế giới tiếp tục bị kéo vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh lạnh (đứng đầu là hai siêu cường Xô – Mỹ) chưa có hồi kết. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn trong nội bộ của từng phe phái bộc lộ ngày càng gay gắt. Những chủ thể quốc tế mới (xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc) là các nước đồng minh của hai phe nỗ lực vươn lên thoát dần khỏi ảnh hưởng, phụ thuộc vào các nước lớn vốn là đồng minh của mình nhằm khẳng định vai trò, vị trí của mình trên trường quốc tế.
Hệ thống các nước XHCN tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện kinh tế, khoa học – kỹ thuật, quốc phòng. Đến giữa thập kỷ 70, phe XHCN đã đạt được thế cân bằng chiến lược – quân sự với phe đế quốc. Đây là thành quả to lớn của CNXH và cách mạng thế giới, chấm dứt ưu thế nguy hiểm của CNĐQ về vũ khí quân sự chiến lược[129, tr. 79]. Đó là yếu tố khách quan tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam tận dụng sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước trong phe XHCN, các nước trong phe XHCN có điều kiện thực hành có hiệu quả CNQTVS.
Tuy nhiên, nền kinh tế vốn đã thiếu tính năng động, cộng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế các nước XHCN Đông Âu. Đồng thời, những hạn chế của phe XHCN ngày càng bộc lộ sâu sắc. Đến cuối những năm 60 (XX), xuất hiện những vụ rối loại chính trị nghiêm trọng tại một số nước như: 1) Khủng hoảng Tiệp Khắc (9-1968) đánh dấu bước khủng hoảng trong các nước XHCN và phong trào cộng sản thế giới. Những bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng ngày càng trở nên phức tạp; 2) Những mâu
thuẫn trong phe XHCN bộc lộ ngày càng sâu sắc, phức tạp. Quan hệ Liên Xô – Trung Quốc vận động theo chiều hướng xấu hơn. Biểu hiện thành những bất đồng tư tưởng, những tranh chấp, xung đột liên quan đến lợi ích quốc gia và cả những vấn đề của Việt Nam. Trong suốt những năm 70 (XX), quan hệ hai nước căng thẳng ở mức độ rất cao, nhiều thời điểm gần như lâm vào bế tắc (Đảng Cộng sản hai nước chấm dứt quan hệ, đụng đầu quân sự không ngừng gia tăng trong nhiều năm)…
Những mâu thuẫn ngày càng gia tăng và bộc lộ thành những cuộc xung đột giữa hai cường quốc, cùng những bất đồng trong nội bộ phe XHCN, những biến động phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã tác động tiêu cực làm giảm uy tín và vai trò của CNXH đối với phong trào cách mạng thế giới, phương hại cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản các nước XHCN, các phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đều bày tỏ quan điểm ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi, Mĩ Latinh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Lần lượt các nước Á – Phi giành được độc lập, lật đổ nền thống trị của chế độ thực dân cũ.
Ở các nước Mỹ Latinh, từ sau cách mạng Cuba thành công, xu hướng thoát khỏi sự khống chế của Mỹ ngày càng lớn mạnh, nhiều nước đã giành được độc lập. Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Cuba, tháng 8-1961, Mỹ đề xướng thành lập Liên minh vì tiến bộ nhằm lôi kéo các nước Mỹ Latinh. Từ thập niên 60 – 70 (XX), phong trào đấu tranh chống Mỹ và chế độ độc tài thân Mỹ giành độc lập dân tộc ở khu vực này ngày càng phát triển và giành được nhiều thắng lợi. Cùng với nhiều hình thức đấu tranh, tiêu biểu là đấu tranh vũ trang biến khu vực này thành “lục địa bùng cháy” trong cuộc chiến chống chế độ độc tài thân Mỹ. Ở nhiều nước, chính phủ dân tộc dân chủ được thiết lập.
Ở khu vực châu Phi, cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ tiếp tục phát triển, nhiều quốc gia giành được độc lập. Trong những năm 1950-1975, nhiều thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan tuyên bố độc lập, đánh dấu thời kỳ “Phi thực dân hóa” trên phạm vi toàn thế giới. Năm 1975, hai nước Môdămbich và Ănggôla tuyên bố độc lập, chấm dứt sự thống trị thực dân Bồ Đào Nha. Vì thế, về cơ bản nhân dân châu Phi đã hoàn thành quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ.
Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của Phong trào Không liên kết. Phong trào tiếp tục giành nhiều thành công trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc…người bạn tin cậy của phe XHCN và nhân loại tiến bộ. Đến năm 1970 có 54 thành viên tham gia Phong trào
trở thành một lực lượng chính trị mới trên trường quốc tế. Đặc biệt, từ sau Hội nghị ở Lucaxa (Zambia) tháng 9-1970, xu hướng chống đế quốc của phong trào ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Những thành công quan trọng của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới, Phong trào Không liên kết là điều kiện thuận lợi, nguồn động viên, cổ vũ đáng quý cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ sau CTTG II, các nước trong khối tư bản không ngừng phát triển mạnh mẽ trên mọi phương diện. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn lợi ích quốc gia tiếp tục gia tăng đáng kể, làm giảm mối liên kết giữa các nước này trong mặt trận chống lại các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Về phía Mỹ, trong khi Mỹ tiếp tục lún sâu và sa lầy vào những tham vọng bá quyền của mình, đặc biệt trong chiến tranh xâm lược ở Việt Nam với những chi phí khổng lồ do cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô. Đây cũng là giai đoạn nền kinh tế của Mỹ xuất hiện những dấu hiệu suy giảm, đặc biệt năm 1973 chịu ảnh hưởng không nhỏ cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới dẫn tới tình trạng khủng hoảng và suy thoái kinh tế Mỹ kéo dài tới những năm đầu của thập kỷ 80. Vị trí đứng đầu thế giới về kinh tế - tài chính của Mỹ vẫn được duy trì song sức mạnh của nó đã bị suy giảm nhiều so với giai đoạn đỉnh cao sau CTTG II.
Trong lòng nước Mỹ, những mâu thuẫn nội tại vẫn tiếp tục diễn ra một cách sâu sắc. Đó là những cuộc khủng hoảng kinh tế có tính giai đoạn ở các nước tư bản cũng như ở Mỹ, nạn phân biệt chủng tộc giữa người da đen, da đỏ với người da trắng, lạm phát, thất nghiệp gia tăng. Đặc biệt, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam nổ ra, lan rộng đã làm cho nội bộ nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, ý thức về lợi ích quốc gia trỗi dậy, thoát khỏi sự ảnh hưởng, phụ thuộc về chính trị vào đồng minh trụ cột Mỹ ngày càng gia tăng trong các nước tư bản. Các quốc gia tư bản muốn thoát khỏi “cái bóng” của Mỹ, thể hiện chính kiến độc lập của mình trong quan hệ quốc tế ngày một gia tăng nhằm khẳng định vai trò, vị trí của mình.
Đầu tiên, trong quan hệ Pháp – Mỹ, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên phất ngọn cờ “độc lập dân tộc”, tách dần khỏi ảnh hưởng và ràng buộc của “siêu cường” đàn anh [79, tr. 191]. Quan hệ Pháp – Mỹ trở nên căng thẳng trong những năm của thập niên 60 (XX). Chính phủ Pháp chú ý phát triển quan hệ với Liên Xô và các nước XHCN khác. Đặc biệt năm 1966, Pháp rút khỏi Bộ chỉ huy NATO và yêu cầu rút tất cả các căn cứ quân sự và quân đội Mỹ ra khỏi nước Pháp. Chính phủ và nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam. Tiếp theo là trường hợp của Cộng hòa Liên bang Đức, từ năm 1965 nước này đã đẩy mạnh quan hệ với các nước XHCN. Mỹ đã không thể khống chế được hai nước lớn Tây Âu là Pháp và Đức. Đế quốc Mỹ đã không thể khống chế và kiểm soát được hai đồng minh của mình như trước đây được nữa.
Trong khi Mỹ vẫn mải mê với những tham vọng bá chủ, với những toan tính và những bước phiêu lưu quân sự mới, tăng cường chạy đua vũ trang, chú trọng vào đầu tư quân sự.... Ngược lại, đây là giai đoạn các nước tư bản tìm cách vươn lên tập trung phát triển kinh tế, coi đó làm trọng tâm, là chiến lược quốc gia nhằm nâng cao sức mạnh và vị thế của mình trên trường quốc tế. Nhiều nước và tổ chức liên minh đã vươn lên trở thành đối thủ nguy hiểm của Mỹ trên lĩnh vực kinh tế (Nhật Bản, Pháp, Anh, Tây Âu). Vì vậy, trong hệ thống các nước TBCN những năm 60, 70 (XX) hình thành ba trung tâm kinh tế - tài chính gồm Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Rõ ràng vị trí siêu cường số 1 về kinh tế - tài chính đã bị suy giảm, Mỹ không còn đứng ở vị trí thượng phong của giai đoạn sau CTTG II. Từ đó, nảy sinh mâu thuẫn giữa ba trung tâm này và giữa các nước tư bản với Mỹ trở thành một trong những mâu thuẫn cơ bản của thế giới. Cùng với đó, các cuộc khủng hoảng tiện tệ và nhất là khủng hoảng năng lượng 1973, các cuộc “chiến tranh kinh tế” ngày càng gay gắt. Hệ thống TBCN không còn ổn định và tương đối thống nhất như giai đoạn trước.
Thêm vào đó, sự gia tăng mâu thuẫn giữa các khối quân sự, liên minh quân sự cũng bộc lộ gay gắt hơn. Trong khối NATO, mâu thuẫn xuất hiện ngay khi thành lập, thể hiện ở việc Anh – Mỹ tranh nhau vị trí đứng đầu. Vấn đề này càng phức tạp hơn khi Pháp và Tây Đức cũng đòi chia sẻ quyền lực, các đồng minh khác của Mỹ cũng dần muốn độc lập hơn trong quann hệ với Mỹ. Sau thất bại quân sự của Mỹ
năm 1968 trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quan hệ Mỹ và các nước đồng minh của minh không còn gắn bó được như trước.
Ở các nước tư bản, các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đòi các quyền dân sinh, dân chủ và vì hòa bình thế giới tiếp tục phát triển hơn với qui mô rộng lớn. Tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp ngày càng gia tăng là nguyên nhân thúc đẩy các phong trào đấu tranh ngày càng gia tăng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã trở thành một nội dung chính trong phong trào đấu tranh của nhân dân lao động yêu hòa bình ở các nước tư bản. Phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong quần chúng.
Những biến đổi về vị trí kinh tế - tài chính – quân sự của các nước trong hệ thống các nước TBCN, đẩy những mâu thuẫn trong phe này ngày càng trở nên sâu sắc, cùng với những mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ giai đoạn này làm suy giảm vị thế siêu cường số 1 thế giới. Đó là những điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Nhờ đó, Đảng ta đã phát huy cao độ vai trò của Mặt trận nhân dân thế giới chống Mỹ xâm lược Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quỹ đạo của cuộc chiến tranh lạnh, đế quốc Mỹ tiếp tục triển khai những học thuyết mới, lôi kéo đồng minh vào quỹ đạo đó, những chiến lược quân sự mới mà qui mô và mức độ ác liệt ngày càng lớn, và Việt Nam vẫn được chọn là nơi thí điểm điển hình của các học thuyết và chiến lược mới đó.
Như vậy, những biến đổi trong quan hệ quốc tế tạo ra những thuận lợi nhất định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ triển khai với quy mô lớn những chiến lược chiến tranh mới ở miền Nam Việt Nam, những nhân tố không thuận trong và ngoài nước cộng hưởng khiến cho cuộc kháng chiến của chúng ta thêm phức tạp và khó khăn. Vì thế, chủ trương và biện pháp của Đảng và Nhà nước vận động quốc tế tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, đoàn kết các nước XHCN anh em vận động cùng Việt Nam chống Mỹ cần phải linh hoạt, khéo léo và nhạy bén hơn nhằm phục vụ đắc lực cuộc kháng chiến.
Cách mạng Cuba
Trong giai đoạn 1960-1965, khi cách mạng Cuba vừa mới thành công, gặp muôn vàn khó khăn do chính sách bao vây, cô lập, phá hoại của Mỹ nhằm tiêu diệt
đất nước đi đầu trong việc lật đổ chế độ thực dân mới kiểu Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Cách mạng Cuba đã kiên quyết chống lại những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập của mình, đồng thời kiên định lựa chọn CNXH làm mục tiêu chiến lược cho đất nước. Những thành công bước đầu của Cuba trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt sự trưởng thành của cách mạng Cuba trong việc bảo vệ nền độc lập, tự chủ thật sự của mình. Vì vậy, Cuba tiếp tục trở thành tấm gương và nguồn cổ vũ đáng quý của nhân dân Mỹ Latinh và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Trong giai đoạn 1965-1975, mặc dù vẫn nằm trong vòng vây thù địch của Mỹ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Cuba từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành công quan trọng:
1) Tháng 10-1965, BCHTƯ Đảng Cộng sản Cuba được thành lập do đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô đứng đầu. Sự kiện đó đã “đánh dấu bước trưởng thành quan trọng về chính trị có ý nghĩa quyết định đối với quá trình cách mạng Cuba”[78, tr. 85]. Trong Cương lĩnh chính trị do Đại hội I của Đảng Cộng sản Cuba (tháng 12- 1875) nhận định về vai trò của Đảng: “đảm bảo cho tính liên tục của quá trình phát triển lịch sử và cho sự thực hiện mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[112, tr. 49]. Đảng Cộng sản Cuba ra đời đã góp phần quan trọng tăng cường tình đoàn kết chiến đấu với các Đảng Cộng sản, phong trào công nhân, cộng sản quốc tế trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản[112, tr. 50-51].
2) Trong công cuộc xây dựng đất nước, nhân dân Cuba đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quốc phòng, anh ninh được củng cố (đến năm 1965, những toán phỉ cuối cùng do Mỹ tổ chức đã bị quét sạch, những toán biệt kích gián điệp do Mỹ tung vào cũng nhanh chóng bị tiêu diệt). Những sách lược khôn khéo của Cuba trong đấu tranh ngoại giao, tranh thủ quan hệ kinh tế với các nước tư bản làm vô hiệu hóa chính sách bao vây, cấm vận của đế quốc Mỹ. Trên lĩnh vực kinh tế đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng sản phẩm xã hội các giai đoạn đã không ngừng tăng lên: Từ 1961-1965 chỉ đạt 1,9%, từ 1966-1970 đạt 3,9%, từ 1971-1975 đạt 10%[112, tr. 65]. Đồng thời, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại với nhiều ngành kinh tế trọng điểm như
đường, ni-ken, thuốc lá...Những thành tựu to lớn đó mà chỉ trong thời gian rất ngắn, nền kinh tế Cuba đã “thoát khỏi sự lệ thuộc nguy hiểm”[135, tr. 77](vì trước 1959, kinh tế Cuba phụ thuộc vào các tập đoàn tư bản độc quyền Mỹ]... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa.
Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn không chịu từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng