1.2. Đƣờng lối đối ngoại của Đảng và chủ trƣơng thiết lập, củng cố
1.2.1. Đường lối đối ngoại của Đảng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam rõ ràng là cuộc chiến không cân sức, giữa một bên là đất nước nhỏ bé, lạc hậu, bị tàn phá nghiệm trọng bởi chiến tranh liên miên với một siêu cường mạnh nhất thế giới nắm ưu thế tuyệt đối về kinh tế – quân sự. Đây là cuộc chiến rõ ràng không cân sức, cho nên ngoài yếu tố nội lực, Việt Nam cũng rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước XHCN anh em, của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình thế giới. Xuất phát từ yêu cầu đó, nhiệm vụ cơ bản của hoạt động đối ngoại nước ta lúc này là tiếp tục vận động quốc tế, tận dụng điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc, hoàn thành CMDTDCND ở miền Nam.
Độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế là hai nội dung quan trọng của vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin và thực hành CNQTVS. Thấm nhuần quan điểm của CN Mác-Lênin, Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì mục tiêu chiến lược, coi trọng tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại là một trong những yếu tố quan trọng hợp thành đường lối kháng chiến phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, trong những năm 1960-1965, trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn, đánh giá thời cơ và thách thức, Đảng Lao động Việt Nam từng bước hoạch định đường lối đối ngoại trên nguyên tắc độc lập, tự chủ phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam.
Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (1/1959) và Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III (9/1960) đã đề ra. Từ đó, Đảng và Chính phủ đã hoạch định đường lối đối ngoại cho phù hợp với nhiệm vụ mới cách mạng Việt Nam trong cả thời kỳ và với từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở phong trào cách mạng miền Nam phát triển nhảy vọt sau phong trào “Đồng khởi”(1959-1960). Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ngoài hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã xác định vị trí và nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại.
Đồng thời, Nghị quyết Đại hội III cũng chỉ rõ những nội dung chính của chính sách đối ngoại của Việt Nam là:
1) Ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe XHCN do Liên Xô dứng đầu, tăng cường đoàn kết nhất trí và củng cố tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa nước ta và các nước XHCN anh em, phát triển quan hệ tương trợ hợp tác với các nước anh em theo những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
2) Kiên quyết cùng các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ thế giới tiếp tục chung sức đấu tranh để bảo vệ và củng cố hòa bình…
3) Ra sức ủng hộ phong trào đấu tranh chống CNĐQ và giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh…
4) Kiên quyết đấu tranh làm cho Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương dược thi hành đầy đủ nhằm duy trì hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
5) Đi đôi với xây dựng và tăng cường quan hệ giữa Chính phủ ta với Chính phủ các nước, cần mở rộng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước[53, tr. 939-940].
Trên cơ sở đường lối kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở miền Nam được đề ra tại Hội nghị 15 và Đại hội III của Đảng, nhiệm vụ hàng đầu trong đường lối đối ngoại và vận động quốc tế là tranh thủ sự ủng hộ quốc tế với đường lối đấu tranh của Đảng, trong đó việc vận động, tăng cường đoàn kết các nước trong phe XHCN với trụ cột là đoàn kết Xô – Trung.
Sau Đại hội III, chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, MTDTGPMNVN ra đời ngày 20-12-1960. Mặt trận ra đời có vai trò đoàn kết các
tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, phấn đấu thực hiện mục tiêu cho miền Nam Việt Nam “độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập” tiến tới thống nhất nước nhà. Sự ra đời của Mặt trận là một sáng tạo mang tính sách lược đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng miền Nam. Mặt trận ra đời với sách lược linh hoạt, khôn khéo để mở rộng mặt trận đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong nước và tập hợp lực lượng quốc tế, là một bước tiến công chính trị và ngoại giao sắc bén, tranh thủ sự ủng hộ và công nhận quốc tế rộng rãi trong lúc đế quốc Mỹ giương chiêu bài “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” và nhân dân thế giới còn chưa hiểu về CNCS và còn sợ Mỹ[117, tr. 38].
Mặt trận ra đời, chúng ta có ngoại giao hai miền…ngoại giao hai miền đã phát huy có hiệu quả chính sách hòa bình, trung lập của Mặt trận để mở rộng tập hợp lực lượng quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, đưa đến sự mở rộng trên thực tế một mặt trận ngoại giao bao gồm nhiều lực lượng, gồm cả ngoại giao nhân dân[14, tr. 187].
Sau đó, các Hội nghị BCT đầu năm 1962, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (12-1963) đã bàn cụ thể về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại.
Tại Hội nghị BCT đầu năm 1962, đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày bản Báo cáo Đề cương công tác đối ngoại nêu rõ mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ của ngoại giao. Về mục tiêu: Không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ về mọi mặt giữa nước ta và các nước trên thế giới, không ngừng nâng cao địa vị quốc tế của nước VNDCCH để phục vụ cho việc xây dựng CNXH ở miền Bắc và cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước trên cơ sở của Hiệp định Giơnevơ. Dựa trên mục tiêu chính, Báo cáo nêu rõ định hướng toàn bộ hoạt động đối ngoại của nước ta phải xuất phát từ lợi ích của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng ấy, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và XHCN. Căn cứ vào mục tiêu, định hướng, Báo cáo tiếp tục làm rõ nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động đối ngoại là góp phần giữ vững và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong phe XHCN…tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất và tinh thần của các nước XHCN trở thành nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 3 ngày 14-1-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải tăng cường đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường hữu nghị với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân thế giới, trên cơ sở chống chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến và xâm lược đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì lợi ích hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[86, tr. 19].
Trong những năm 1961 – 1964, trong các hội nghị Trung ương, hội nghị BCT của Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là tăng cường đoàn kết quốc tê với các nước XHCN. Đó là nhiệm vụ quan trọng mà hoạt động đối ngoại thường xuyên phải thực hiện: “Tăng cường đoàn kết nhất trí và sự hợp tác tương trợ giữa các nước trong phe XHCN do Liên Xô làm trung tâm mà sự đoàn kết Xô – Trung là cái trụ, và sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN là hạt nhân của sự đoàn kết nhất trí toàn phe”[55, tr. 196].
Như vậy, các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước luôn chiếm vị trí quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, sách lược. Những vấn đề cơ bản nhất về hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế được Đảng Lao động Việt Nam hoạch định và hoàn thiện trong những năm 1960-1964 có những đặc điểm cơ bản sau: 1) Đường lối đối ngoại được hoạch định trên nguyên tắc độc lập, tự chủ; 2) Mọi hoạt động ngoại giao phải xuất phát từ lợi ích sự nghiệp cách mạng Việt Nam; 3) Những quan điểm quốc tế đề ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và những biến đổi phức tạp của tình hình thế giới nhằm mục tiêu vận động cao nhất các nhân tố quốc tế góp phần thúc đẩy cuộc chiến phát triển; 4) Trong đó, tăng cường đoàn kết với các lực lượng cách mạng thế giới, nhất là các nước trong hệ thống XHCN, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới mà trọng tâm là các nước XHCN anh em là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế của Đảng.