Lý luận về truyền thông mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự biến thể của tin báo chí trên các thiết bị di động ( khảo sát trường hợp báo thanh niên từ tháng 1 2014 6 2014) (Trang 29 - 34)

Để nghiên cứu sự biến thể của tin báo chí trên các thiết bị di động, người viết sẽ tiếp cận những lý thuyết liên quan đến truyền thông mới. Bởi báo chí đã luôn gắn kết chặt chẽ với công nghệ, từ những phát minh của công nghệ in ấn đến công nghệ kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối tin tức. Suy cho cùng, sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật truyền thông, sự ra đời các phương thức truyền thông mới là một trong những lý do dẫn đến sự biến thể của tin hiện nay.

1.2.1. Những khái niệm về truyền thông mới

Những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã đưa thế giới đến với một kỷ nguyên của truyền thông mới, trong đó con người được tiếp cận với nguồn thông tin

phong phú và đa dạng mà không bị giới hạn bởi thời gian và khoảng cách địa lý. Các loại phương tiện truyền thông mới ra đời với những phương thức truyền tải, hình thành nên những cách tiếp nhận sử dụng thông tin mới.

Lý thuyết truyền thông mới (new media) hay các phương tiện truyền thông mới là một lĩnh vực được các nhà nghiên cứu quan tâm trong những năm gần đây. Thuật ngữ “new media” xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XXI và đến nay vẫn chưa có một định nghĩa hoàn thiện và sẽ còn vận động bởi các loại hình truyền thông mới đang tiếp tục phát triển và biến đổi không ngừng.

Nhà nghiên cứu truyền thông Marshall McLuhan (1964) đã từng nhận định rằng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện truyền thông sẽ làm cho thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu”, trong đó khả năng truyền đạt của con người được mở rộng tối đa về mọi phương diện [59]. Từ thế kỷ trước, nhà nghiên cứu này đã nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ kỹ thuật và tiên đoán sự phát triển ấy sẽ tạo nên những thay đổi nhất định trong nội dung truyền tải, từ nội dung xây dựng trên văn tự, đến nội dung xây dựng trên cấu trúc phi văn tự.

W. Russell Neuman cũng đồng ý khi cho rằng truyền thông mới đang nắm giữ thế mạnh công nghệ. “Sự kết nối này có thể làm mờ đi ranh giới giữa giao tiếp cá nhân và giao tiếp đại chúng, giữa giao tiếp mang tính cộng đồng và giao tiếp mang tính riêng tư [53, tr. 322]”. Và nó đã tạo ra “những thay đổi ý nghĩa về khoảng cách địa lý; cho phép các kênh giao tiếp được mở rộng mạnh mẽ; cung cấp phương tiện đẩy nhanh tốc độ giao tiếp; cung cấp điều kiện cho những giao tiếp mang tính tương tác; tạo điều kiện cho các hình thức giao tiếp trước đây đã từng bị tách biệt được nối liền với nhau, tương tác lẫn nhau [53, tr. 323].”

Còn theo Lev Manovich (2003) đã đưa ra dấu hiệu cơ bản để nhận biết truyền thông mới như sau: “Truyền thông mới gắn với văn hóa Internet, và sử dụng công nghệ máy tính như một nền tảng để phân phối và trình bày thông tin. Truyền thông mới là dữ liệu kỹ thuật số được quản lý bởi phần mềm [61]”.

Trong khi đó, nhà báo Friedman (2005) đã nêu bật lên cả những tích cực, tiêu cực của công nghệ truyền thông mới [46]. Ông nhấn mạnh đặc biệt vai trò của

các phương tiện truyền thông mới như một trong những yếu tố góp phần làm cho thế giới trở nên “phẳng” thông qua các loại tín hiệu kỹ thuật số, các chương trình Internet, điện thoại di động với nhiều chức năng mới, và nhiều hình thức lưu trữ, chuyển tải thông tin khác.

Tổng hợp các ý kiến của những nhà nghiên cứu, Bailey Socha và Barbara Eber-Schmid (2014) thuộc Học viện Truyền thông mới tại Mỹ trong bài viết “Defining New Media Isn‟t Easy” đã đưa ra một định nghĩa khá đầy đủ về truyền thông mới: “Hiểu theo nghĩa rộng, truyền thông mới là phương thức tổ chức một đám mây gồm công nghệ, kỹ năng và quá trình xử lý thông tin. Nó cho phép người dùng truy cập nội dung vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu hay trên bất kì thiết bị số nào, cũng như cho phép người dùng tương tác và tham gia vào quá trình xây dựng nội dung truyền thông. Quá trình này cũng hứa hẹn sẽ mang đến sự “dân chủ hóa” hơn trong việc sáng tạo, xuất bản, phân phối và sử dụng nội dung truyền thông [51]”.

Như vậy “truyền thông mới” là một khái niệm rộng trong nghiên cứu truyền thông. Nó được hiểu là một khái niệm phát triển trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số và gắn bó với Internet, cho phép nâng cao năng lực truyền tải thông tin, nâng cao tính tương tác của truyền thông và khả năng tham gia của công chúng vào hệ thống truyền thông. Yếu tố “mới” chính là căn cứ để phân biệt nó với các phương tiện truyền thông truyền thống. Truyền thông mới sử dụng đa dạng các hình ảnh, từ ngữ và âm thanh, qua quy trình tổ chức sản xuất truyền thông mới; với cách thức thông tin truyền thông, cách thể hiện, trình bày văn bản mới… Những mạng lưới hình ảnh, âm thanh và chữ viết, tổ chức văn bản này hoàn toàn khác với truyền thông kiểu cũ như báo giấy hay những sản phẩm in ấn.

1.2.2. Đặc điểm của truyền thông mới

Truyền thông mới đã thoát khỏi những giới hạn của các định dạng cũ như báo giấy, sách và tạp chí hoặc các ấn phẩm trên giấy khi nó mang những đặc điểm ưu thế, đó là: khả năng siêu liên kết văn bản và lưu trữ, tính đa phương tiện, khả năng tương tác và tính phi định kỳ.

Khả năng siêu liên kết văn bản và lưu trữ: Truyền thông mới thiết lập các đường siêu liên kết (link, superlink, hyperlink), cho phép kết nối tổng hợp các

đường dẫn liên kết với nhau trên mạng Internet. Tính chất siêu liên kết văn bản còn thể hiện ở khả năng liên kết đa giao diện và liên kết đa ứng dụng. Các siêu liên kết này tổ chức thông tin thành từng lớp, tạo mối quan hệ giữa thông tin mới nhất với các thông tin tham chiếu, bổ sung trong cùng một chủ đề. Vì vậy có thể thấy nội dung thông tin trong truyền thông mới không bị quy định bởi không gian và dung lượng mà được mở rộng ra rất nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ, ở trang chủ báo điện tử, tiêu đề sẽ dẫn siêu liên kết đến trang nội dung của tác phẩm báo chí. Trong nội dung này lại chứa một số các siêu liên kết dẫn đến các nội dung thông tin khác có liên quan đến vấn đề đó. Siêu liên kết giúp cho các phương tiện truyền thông mới thực sự trở thành kho tư liệu lưu trữ khổng lồ, nơi cho công chúng dễ dàng tìm kiếm, tiếp nhận lượng thông tin toàn diện, phong phú về mọi vấn đề.

Tính đa phương tiện: Khả năng truyền tải thông tin đa phương tiện cho

phép phương tiện truyền thông mới sử dụng tối đa và kết hợp các yếu tố chữ viết, âm thanh, hình ảnh, màu sắc, đồ hoạ, hình khối…để truyền tải thông tin. Phương tiện truyền thông mới cho phép công chúng tiếp nhận thông tin bằng nhiều hình thức, không chỉ đọc nội dung thông tin (text) mà còn có thể nghe (audio), xem (image; video) liên quan đến thông tin. Sự truyền tải thông tin đa phương tiện giúp đa dạng hoá cách tiếp nhận thông tin của độc giả, khắc phục được sự khô khan của hình thức trình bày, trang trí cố định của các sản phẩm in ấn như sách hay báo giấy.

Khả năng tương tác: Công nghệ Internet giúp các phương tiện truyền thông

mới có khả năng giao tiếp hai chiều với công chúng. Tính tương tác cho phép công chúng truyền thông cùng tham vào quy trình truyền thông, xây dựng nội dung thông tin cũng như phản hồi trên phương tiện truyền thông mới. Tương tác làm gia tăng giá trị của phương tiện truyền thông mới, là cơ chế để cho công chúng trở thành chủ thể truyền thông, góp phần tạo ra sự dân chủ hóa trong hoạt động truyền thông. Ở truyền thông mới, việc biên tập nội dung thông điệp được thực hiện từ nhiều phía thông qua các cuộc đối thoại công khai. Mọi cá nhân có thể cùng truyền tải và hiệu chỉnh một vấn đề, sự kiện truyền thông ngay khi nó đang diễn ra. Nói như Berman (2007), “trong thế giới truyền thống, nội dung được tạo ra bởi các

thế giới mới, nội dung là thường người dùng tự tạo ra và truy cập thông qua các nền tảng (67, tr. 23)”.

Tính phi định kỳ: Nội dung thông tin của các kênh truyền thông mới không

bị giới hạn trong khuôn khổ cố định hạn hẹp trên mặt giấy, cũng như không bị chế định bởi những nguyên tắc bất dịch về thời gian phát hành của báo giấy. Nhờ tính phi định kỳ nên thông tin liên tục cập nhật trực tuyến, phản ánh nhanh nhạy kịp thời những sự kiện nóng hổi của đời sống, thể hiện tính thời sự vượt trội so với phương tiện truyền thông truyền thống.

1.2.3. Thiết bị di động - phương tiện truyền thông mới

Trong lĩnh vực của truyền thông mới, các thiết bị di động được nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng đây là một phương tiện truyền thông mới và là một trong “những nhân tố làm thay đổi thế giới” [33]. Theo Bailey Socha and Barbara Eber Schmid (2014), điện thoại di động vào nửa sau thập kỷ 80 có thể coi là một phần của truyền thông mới, trong khi ngày nay khái niệm này có thể chỉ áp dụng đối với một số loại điện thoại nhất định, với một hệ thống những ứng dụng nhất định, hoặc phổ biến hơn, là nội dung của các ứng dụng đó [51].

David Cameron (2014) trong nghiên cứu“Mobile Journalism: A snapshot of

current research and practice” [52] đánh giá rằng điện thoại di động hiện nay

không chỉ là một thiết bị liên lạc mà đang trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến. Thiết bị này ngày càng kết hợp nhiều tính năng như văn bản và tin nhắn đa phương tiện, video máy ảnh, định vị GPS, đài phát thanh, máy thu truyền hình và một loạt các phần mềm từ trò chơi cũng như các cá nhân, đã và đang hình thành một xu hướng truyền thông, trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của truyền thông trên toàn cầu trước sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ kỹ thuật số khác.

Hiện nay, các thiết bị di động (như điện thoại thông minh, máy tính bảng) còn có thể được sử dụng như một phương tiện truyền thông theo nhiều cách khác nhau như truy cập thông qua các trang web tin tức, mạng xã hội, nghe đài, xem truyền hình trực tuyến, email… Các ứng dụng cho thiết bị di động liên tục phát triển làm cho nó không chỉ là những thiết bị thông tin liên lạc cá nhân hay giải trí đơn

thuần, mà còn là một phương tiện truyền thông đại chúng, “trong đó tích hợp cả giao tiếp và chức năng đa phương tiện, cho phép sản xuất nội dung và xử lý thông tin thông qua âm thanh, video, đồ họa, văn bản, và hình ảnh động một cách tương tác (67, tr. 2)” và thậm chí là truyền tải thông tin báo chí.

Thực tế cho thấy rằng, các thiết bị di động đang được công chúng sử dụng để tiếp nhận các thông tin báo chí thay cho máy tính trở nên khá phổ biến. Thậm chí đã có quan điểm cho rằng báo chí di động (mobile news) sẽ là một loại hình báo chí mới tồn tại bên cạnh báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử [1]. Với những đặc điểm như đó là “một thiết bị cầm tay, luôn di động, có một màn hình nhỏ, thể hiện tính cá nhân rất cao” [65]. Các thiết bị di động đã và đang định hình và chi phối cách thức tiếp nhận tin tức báo chí của công chúng trên di động với nhiều nét khác biệt so với cách thức đọc báo in hay xem báo mạng điện tử. Vì vậy nội dung thông điệp trên báo chí cho các thiết bị di động, một mặt vẫn mang những đặc điểm báo mạng điện tử (vì hiện nay phần lớn vẫn đang là những phiên bản phát triển từ báo điện tử), song mặt khác sẽ có những thay đổi do nền tảng kỹ thuật mới và cách công chúng tiếp nhận thông tin trên thiết bị này chi phối.

Nó cũng đặt ra nhiều vấn đề cho hoạt động truyền thông đại chúng nói chung, hoạt động báo chí nói riêng về chiến lược phát triển nội dung thông điệp, về hình thức trình bày và quy trình kỹ thuật sao cho phù hợp với cách tiếp nhận của công chúng và tận dụng phát huy những đặc trưng ưu thế của phương tiện truyền thông mới này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự biến thể của tin báo chí trên các thiết bị di động ( khảo sát trường hợp báo thanh niên từ tháng 1 2014 6 2014) (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)