Giải pháp về phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thu hút khách đến với làng văn hóa du lịch các dân tộc việt nam (thí điểm) (Trang 81 - 86)

7. Kết cấu của luận văn

3.2. Một số giải pháp chủ yếu

3.2.1. Giải pháp về phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch

Về bản chất hoạt động du lịch là sự khám phá, trải nghiệm. Nhìn chung, các khách luôn muốn đi đến những vùng đất mới lạ, tìm hiểu những nền văn hóa độc đáo, trải nghiệm những lối sống khác nhau. Đối với những khách có điều kiện, du lịch là một phần thiết yếu trong cuộc sống bên cạnh quá trình lao động, làm việc. Họ có điều kiện dành thời gian và nguồn tài chính để thực hiện nhiều chuyến du lịch trong đời và coi đây là cơ hội vừa để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa để khám phá những nền văn hóa mới và bồi đắp kiến thức cho mình. Việc lựa chọn một điểm đến cũ có thể sẽ không phải là ưu tiên của họ nếu không có một nhu cầu đặc biệt nào đó hoặc sự cảm mến, gắn kết đặc biệt.

Các sản phẩm du lịch là yếu tố cấu thành nên sức hấp dẫn, thu hút khách, vì vậy không những phải nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mà

còn cả dịch vụ du lịch. Dưới đây là một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng và phát triển du lịch nhằm thu hút khách tại Làng VH – DL các DTVN:

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về cảnh quan môi trường và kiến trúc của các khu nhà dân tộc (thường xuyên, định kỳ và đột xuất) để đảm bảo cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp, các kiến trúc tái hiện văn hoá các dân tộc không bị xuống cấp, mai một. Nâng cao bảo tồn, giao lưu văn hóa và sắc tộc: văn hóa là nền tảng của hoạt động du lịch. Phát triển du lịch đặt ra yêu cầu bảo tồn văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, những di sản văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, thách thức đối với Làng VH – DL các DTVN do nhiều nguyên nhân trong đó có việc bảo tồn không đúng cách làm sai giá trị, làm mới, bóp méo, tạo dựng, sân khấu hóa, cóp nhặt, dập khuôn, thương mại hóa quá mức... dẫn tới không phát huy đúng giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Giao lưu văn hóa giữa khách du lịch với cộng đồng dân cư bản địa cũng là vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi người dân đủ năng lực, sự tự tôn văn hóa địa phương mình để chủ động giao lưu, bình đẳng với khách; vừa bảo vệ được nền văn hóa bản địa, vừa tiếp thu được văn minh, vừa mang lại những trải nghiệm mới cho khách. Đây là thách thức về nhận thức, quản lý điểm đến hướng tới những giá trị trải nghiệm văn hóa với khách đến.

- Kêu gọi nhiều hơn nữa đồng bào các dân tộc về sinh hoạt cố định tại Làng VH – DL các DTVN , để tạo được không khí làng, bản tại khu du lịch. Bên cạnh đó, có các chính sách và cơ chế phù hợp để đồng bào các dân tộc có đam mê, nhiệt huyết ở lại sinh hoạt cố định, lâu dài tại Làng. Để chính chủ thể làm thuyết minh viên, giới thiệu về kiến trúc nhà, cuộc sống sinh hoạt của bản, làng đó. Riêng đối với các sự kiện, khi chủ thể được huy động ra sinh hoạt, đề nghị xin lại hoặc có giải pháp mua lại hiện vật và trang phục để phục vụ trưng bày cho kịp thời, đáp ứng cái hồn cho các khu làng. Các nghệ nhân tiếp tục rà soát, sưu tầm, phục dựng những lễ hội và bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình để trình diễn, trao đổi, giao lưu với các dân tộc khác trong đất nước.

- Bên cạnh việc phục dựng và làm mới những trò chơi dân gian để khách có thể tham gia nên có những hình thức thưởng cho người chiến thắng để tạo hứng khởi với khách đến, để họ nhiệt tình tham gia, tự bản thân có được trải nghiệm, để làm sống dậy nét đẹp văn hoá của dân tộc trong lòng mỗi khách. Qua đó, khách sẽ cảm thấy điểm đến Làng VH – DL các DTVN thực sự độc đáo và hấp dẫn.

- Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch MICE, tổ chức hội nghị, hội thảo, các sự kiện. Đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống phòng hội thảo với nhiều quy mô, hệ thống âm thanh, ánh sáng, công cụ, vật dụng trong phòng,... đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, Làng VH – DL các DTVN sẽ trở thành một trong những sự lựa chọn cho các khách vừa có nhu cầu cho công việc kết hợp nghỉ dưỡng, thư giãn, khám phá văn hoá.

Ngoài ra, dựa trên những sản phẩm và dịch vụ du lịch mà khu du lịch đã có, chúng ta cần đầu tư và đẩy mạnh triển khai ba mô hình du lịch sau để thu hút khách và quảng bá hình ảnh Làng VH – DL các DTVN nhiều hơn:

- Đẩy mạnh phát triển du lịch vui chơi giải trí:

Làng VH – DL các DTVN cần đa dạng các loại hình hoạt động, ngoài việc tôn tạo các công trình văn hóa của 54 dân tộc, khôi phục các trò chơi dân gian như hiện tại khu du lịch đã và đang thực hiện. Làng VH – DL các DTVN cần phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch khác thuộc các khu chức năng như trong dự án ban đầu đã đề ra. Đặc biệt là khu trung tâm hoạt động văn hóa thể thao, giải trí, phát triển các trò chơi cảm giác mạnh như tàu lượn siêu tốc, vòng xoay vũ trụ, tháp phi thuyền vũ trụ, crazy wave,... phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của khách đủ mọi lứa tuổi, nhất là với giới trẻ hiện nay. Làng VH – DL các DTVN cần tập trung đầu tư mạnh cho các hoạt động vui chơi, giải trí để thu hút khách, để làm tròn vẹn hơn nữa những trải nghiệm của khách khi đến với Làng mà Disney Land là một trong nhiều mô hình có thể áp dụng. Có khu vui chơi giải trí thì khách mới ở lại với khu du lịch lâu hơn. Bởi lẽ xu hướng chung là đi du lịch không chỉ là khám phá, tìm hiểu văn hoá mà

cái chính là con người ta muốn được giải trí nhằm giảm bớt mệt mỏi, giảm stress sau những ngày làm việc căng thẳng. Đồng thời, hoàn thiện xong khu giải trí đồng nghĩa với việc thu hút và giữ được chân khách lâu hơn, khách sẽ chi tiêu nhiều hơn, và doanh thu tăng nhanh hơn, giúp ngân sách nhà nước tăng. Không những thế, dự án hoàn thành sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút được khách du lịch quốc tế lưu trú lại nhiều hơn mà cũng là điều kiện cho môi trường du lịch cuối tuần cho khách du lịch nội địa. Như vậy, khách sẽ được ở lại trong chính những ngôi nhà sàn hoặc nhà rông của các dân tộc, được trải nghiệm cuộc sống của các dân tộc ngay tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, BQL Làng VH – DL các DTVN cũng cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn trong phương tiện và việc tổ chức các trò chơi, cần đầu tư các phương tiện chơi hiện đại, tính an toàn cao.

- Liên kết du lịch vùng:

Làng VH – DL các DTVN nằm ở một vị trí rất thuận lợi, một địa điểm đẹp, lý tưởng để phát triển du lịch. Nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, suối Ngọc Vua Bà, rừng Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông…, Làng VH – DL các DTVN sẽ là một trong các điểm nối kết tạo thành một chương trình tour cho các công ty lữ hành. Như vậy, Làng VH – DL các DTVN cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác liên kết với các công ty lữ hành hoặc với các điểm, khu du lịch trên địa bàn vùng để thu hút được khách tới tham quan. Từ đó, việc quảng bá hình ảnh cho khu du lịch cũng được mở rộng hơn. Dưới đây là một số chương trình du lịch tiêu biểu trong cụm du lịch vùng Hà Nội:

+ Hà Nội – Làng VH – DL các DTVN – Trượt cỏ Asean Resort + Hà Nội – Vườn Quốc gia Ba Vì – Làng VH – DL các DTVN + Đền Thượng – Vườn Quốc gia Ba Vì – Làng VH – DL các DTVN + Làng cổ đường Lâm – Làng VH – DL các DTVN

+ Làng VH – DL các DTVN – Ao Vua

Theo đó, nên có những chế độ thưởng doanh thu cho điều hành các công ty lữ hành hoặc hướng dẫn viên nhằm mục đích tạo động cơ tốt trong quá trình phục vụ khách. Các phòng ban lên kế hoạch chăm sóc, hỏi thăm, quan tâm đến các công ty lữ hành thường xuyên bằng các hình thức gửi thư điện tử, gọi điện, gặp mặt trực tiếp để khai thác các thông tin về nguồn khách, đưa ra những cơ hội đón tiếp nhằm mục đích giữ vững mối quan hệ có sẵn và củng cố mối quan hệ mới. Việc phát triển mối quan hệ với các công ty lữ hành để tận thu thêm doanh thu từ hoạt động phục vụ khách trên cơ sở phát huy những điều kiện có sẵn của khu du lịch, một phần tăng thêm thu nhập cho nhân viên, một phần là quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho khu du lịch trên phạm vi khu vực và quốc tế, là tiền đề cho sự thành công của hoạt động thu hút khách du lịch nước ngoài đến với các khu du lịch sau này.

- Xây dựng mô hình nghỉ dưỡng cuối tuần:

Khách du lịch nội địa hiện nay có xu hướng đi du lịch nhiều nhưng thời gian của họ lại không nhiều để có thể tiến hành những chương trình du lịch dài ngày, trong khi đó hàng ngày họ phải tiếp xúc với môi trường khói bụi ô nhiễm, không gian chật chội, họ có nhu cầu tìm đến những nơi yên tĩnh có môi trường trong lành để nghỉ dưỡng, có dịch vụ tốt, mặt khác hiện nay “du lịch tìm về nguồn cội” hay “du lịch khám phá” là một sở thích của rất nhiều khách. Còn gì bằng sự khám phá và tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống của các dân tộc ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội mà không phải đi đâu xa. Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng chừng 40km về phía Tây, vừa là du lịch trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu, vừa là du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch Làng VH – DL các DTVN hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu trên. Mặt khác, nhu cầu khám phá văn hóa, định hướng giáo dục văn hóa dân tộc, lịch sử dân tộc cho giới trẻ của các gia đình, kết hợp nghỉ dưỡng cuối tuần của khách Thủ đô Hà Nội cũng như lân cận là lớn, trong khi không gian văn hóa khu vực Ba Vì – Sơn Tây lại thiếu, đa phần vẫn là du lịch nghỉ dưỡng, hướng về thiên nhiên như núi non, suối, thác, tắm khoáng với các địa danh như Thác Đa, Ao Vua, Tản Đà, Suối Hai, Thiên Sơn Suối Ngà,…, nên là

yếu tố quan trọng để khách tìm đến Làng VH – DL các DTVN để mở đầu cho hành trình cuối tuần cũng như các dịp nghỉ ngơi của các gia đình, các nhóm khách, các cơ quan ban ngành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thu hút khách đến với làng văn hóa du lịch các dân tộc việt nam (thí điểm) (Trang 81 - 86)