8. Bố cục của đề tài
1.4. Tình hình tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia
1.4.2.4. Khối tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ
Ngoài các loại hình tài liệu trên, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III còn bảo quản một khối lớn tài liệu có xuất xứ cá nhân của gần 70 văn nghệ sĩ và một số nhà hoạt động tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học xã hội khác có thời gian từ 1919 - 1994. Đó là những tài liệu được hình thành trong quá trình sống và hoạt động sáng tác của các cá nhân như: tài liệu tiểu sử, văn bằng chứng chỉ, thư từ, sổ sách, giấy tờ công vụ, bản thảo các tác phẩm, công trình sáng tác và nghiên cứu khoa học ... Đây là những nguồn tài liệu quý hiếm giúp cho người đọc có thể nghiên cứu về chân dung và cuộc đời của các cá nhân sau này. Một số phông có khối lượng tài liệu tương đối lớn, thành phần đa dạng như: phông của nhà sử học Trần Văn Giáp, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Hoài Thanh, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Giáo sư xã hội học Phạm Huy Thông, nhà hoạt động nhà nước Tôn Quang Phiệt, nhà viết kịch Hàn Thế Du. Ngoài ra, có rất nhiều các sưu tập tài liệu do các văn nghệ sĩ sáng tác như: nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương, nhà giáo - nhà nghiên cứu lịch sử Lê Thước, giáo sư sử học Văn Tân. Đặc biệt, trong số đó có hơn 2.000 tấm phim - ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III còn lưu giữ hơn 7 vạn hồ sơ cá nhân cùng một số kỷ vật của các cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, trong đó có hồ sơ đi B của chị Phan Thị Quyên là vợ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Những hồ sơ, kỷ vật này là những minh chứng quan trọng, không những giúp cho các cán bộ đi B và thân nhân của họ giải quyết các chế độ chính sách mà còn là những kỷ vật về một thời chiến đấu vì cách mạng của các thế hệ tiền bối.