Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.3. Vai trò của thông tin KH&CN đối với sự phát triển kinh tế-xã hội
1.3.1. Thông tin là nguồn lực của sự phát triển xã hội
Ngày nay, cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra với quy mô lớn - nhân tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Khoa học công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội thì thông tin khoa học công nghệ được trở thành nguồn lực tạo nên những ưu thế về kinh tế và chính trị cho mỗi nước. Tiềm lực khoa học và kỹ thuật là điều kiện để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền sản xuất xã hội thì thông tin khoa học công nghệ được coi là yếu tố cấu thành rất quan trọng của tiềm lực khoa học kỹ thuật.
Nhờ có thông tin mà có sức cạnh tranh trong việc để các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có giá thành thấp nhưng trình độ tiên tiến hơn. Thông tin là nền
tảng phát triển khoa học công nghệ: để có sản phẩm mang tính cạnh tranh phải đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm để phát triển sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung. Mặt khác, thông tin là tiền đề để phát triển khoa học quy luật phát triển khoa học là tính kế thừa mà thông tin với vai trò là bộ nhớ và đường dẫn đưa các thành tựu trước đây truyền qua không gian, thời gian được loài người tích luỹ trở thành cái mới. Thông tin rút ngắn khoảng cách về thời gian và áp dụng cho cái mới. Thông tin giúp khoa học phát triển, là nền tảng để phát triển công nghệ mới, đổi mới sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ. Thông tin là tài sản kinh tế..., là nguồn lực phát triển của mỗi quốc gia. Trước đây, mọi nền kinh tế đều dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc sở hữu, sử dụng và khai thác thông tin đã và đang đem lại hiệu quả về kinh tế rất lớn cho đời sống xã hội trong khi tài nguyên thiên nhiên khó có thể mở rộng phát triển không ngừng.
Khả năng mở rộng của thông tin thể hiện ở chính các thuộc tính của thông tin:
- Thông tin là nguồn lực vô hình và không bị hạn chế; - Thông tin thường lan truyền một cách tự nhiên;
- Thông tin không bao giờ cạn đi mà trái lại càng trở nên phong phú do đó được tái tạo và bổ sung thêm các nguồn thông tin mới;
- Thông tin được chia sẻ, nhưng không mất đi trong giao dịch.
1.3.2. Thông tin trở thành cơ sở cho nhiều hoạt động xã hội
Khả năng truyền với tốc độ cao và khả năng đem lại ưu thế cho người dùng tin, thông tin đã thực sự đi vào hoạt động tích cực cho các ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ sở giáo dục đào tạo, hoạt động xuất bản, tiếp thị và hoạt động chính trị.
Mối quan tâm của xã hội đối với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được mở rộng, đặc biệt trong việc quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thông tin về kinh tế đem lại sự ổn định cho thị trường; thông tin chính trị và thời sự giúp cho các thành viên trong xã hội có thái độ về chất lượng xã hội đúng đắn; thông tin về thời tiết đảm bảo an toàn cho người sản xuất.
1.3.3. Thông tin trong hoạt động kinh tế và sản xuất
Thông tin là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh tế và sản xuất bởi:
- Nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi liên tục - Khuynh hướng thị trường ngày càng mở rộng - Các vật liệu sản xuất mới đang xuất hiện
- Các thiết bị mới với khả năng kỹ thuật cao thay đổi liên tục - Các công nghệ mới được triển khai áp dụng thường xuyên...
Từ giữa thế kỷ XX, nền sản xuất công nghiệp và kinh tế hàng hoá phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thông tin và xử lý thông tin mới nảy sinh nhanh chóng. Sản xuất đòi hỏi thông tin: nhu cầu, giá cả và kỹ thuật đáp ứng kịp thời, do đó vai trò của thông tin ngày càng quan trọng.
1.3.4. Thông tin trong sự phát triển của khoa học
Vai trò của thông tin thể hiện trong chính quy luật nội tại của khoa học - là tính kế thừa và tính quốc tế của nó. Một phát minh khoa học là sản phẩm lao động của nhiều người, nhiều thế hệ chứ không phải một cá nhân nào đó trong một thời điểm nhất định nào đó. Issac Newton đã nói: “Nếu tôi có nhìn xa hơn một người khác một phần nào đó là do tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Tính kế thừa là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Thế hệ sau chọn lọc, hệ thống hoá thành quả của người đi trước,
cũng là thông tin khoa học mới. Hoạt động nghiên cứu khoa học là loại hoạt động đặc thù của con người nhằm thu hút nhiều thông tin khoa học mới trên cơ sở những thông tin mà xã hội loài người đã tích luỹ được. Hoạt động nghiên cứu khoa học còn là hệ thống có sự đầu tư vật chất và tiếp nhận thông tin để tạo ra những thông tin mới. Thiếu thông tin là nguyên nhân dẫn đến yếu kém về khoa học kỹ thuật của cả nước.
1.3.5. Thông tin trong phát triển giáo dục
Trong thiết chế của xã hội người ta cho rằng giáo dục là hoạt động xã hội nhằm thực hiện chức năng chuyển giao thông tin giữa các thế hệ. Do đó, giáo dục là nhân tố hàng đầu của sự phát triển. Nguồn thông tin trước hết là những kho tài liệu, các hoạt động khai thác và phát triển tri thức của các tri thức, thông tin thư viện và các hoạt động giảng dạy, học tập, tự đào tạo có vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục truyền tải tri thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người. Thuộc tính cơ bản của thông tin là độc lập và bất định và ngẫu nhiên nó cũng phản ánh cái xác định và trật tự trong các mối quan hệ của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, thông tin đúng đắn và chính xác đem lại trật tự và sự ổn định của tổ chức giáo dục và đời sống cộng đồng.
1.3.6. Thông tin đối với sự phát triển của quản lý
Quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý lên khách thể quản lý, nhằm đạt được mục đích của nhà quản lý. Quản lý là hoạt động tương tác liên kết của con người với môi trường xung quanh nhằm đạt được mục tiêu trên cơ sở sử dụng tài nguyên: con người, tri thức, kinh phí, vật chất, năng lượng và không gian, thời gian. Đây chính là nguồn nhân lực, vật lực, trí lực. Chính vì vậy, trong quản lý thông tin là yếu tố quan trọng nhất mà thiếu nó thì không thể có bất kỳ một hệ thống quản lý nào trong hệ thống tổ chức của xã hội. Do vậy, nếu thông tin chính xác, tốt, cập nhật chắc chắn nhà quản lý sẽ đưa ra quyết định sáng suốt và ngược lại.
1.3.7. Thị trường thông tin và kinh tế thông tin
Trong nền kinh tế quốc dân đã hình thành một bộ phận mới đó là khu vực dịch vụ thông tin. Khu vực này ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin đa dạng, đóng góp một tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế quốc dân. Thông tin trở thành hàng hóa và hình thành các thị trường thông tin cùng với các khu vực kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp, khu vực kinh tế thông tin đã hình thành và có sức phát triển nhanh chóng. Khối lượng, chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thông tin đã trở thành tiêu chí đánh giá trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước.
Công nghệ thông tin là một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều việc làm mới và làm thay đổi đáng kể nhiều ngành công nghiệp hiện có. Trong xã hội thông tin, thông tin là yếu tố làm tăng giá trị và tăng hiệu quả sản xuất, có giá trị trao đổi và trở thành hàng hoá. Giá trị của thông tin được đặc trưng bởi lợi ích kinh tế có được do sử dụng thông tin dưới mọi dạng dịch vụ cung cấp nội dung có thể truy cập: thư viện, viện bảo tàng...
Khu vực thông tin đang trở thành một yếu tố xuất khẩu quan trọng. Trong nền kinh tế thông tin, thông tin và hàng loạt những dịch vụ liên quan tới nó có thể trở nên xuất khẩu và nhập khẩu được. Nhờ khả năng hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm, nền kinh tế thông tin đang trở thành một thành phần quan trọng nhất và đồng thời là một động lực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hoá. Trong xã hội thông tin, các mạng máy tính, các công nghệ truyền thông và viễn thông là những yếu tố chủ chốt có tính chiến lược bởi vì thông qua chúng, nguồn nhân lực có kỹ năng sẽ tiến hành quá trình sản xuất thông tin và trao đổi các nguồn thông tin khoa học công nghệ và kiến thức hiện được coi là nguồn lực trọng yếu đối với nền kinh tế quốc gia và quốc tế.
Vai trò của thông tin vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, không có thông tin thì không thể có tri thức. Tất nhiên đôi khi có thông tin mà vẫn không có tri thức. Năm 1996 nhà tương lai học người Anh John Naisbet đã cảnh báo: “Chúng ta đang chìm ngập trong thông tin mà vẫn thiếu tri thức”. Thông tin trong thời đại ngày nay có tốc độ gia tăng, lan truyền và được phổ biến rất nhanh, gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất và đời sống xã hội.
Nguồn: Asia and the Pacific Asian and Pacific Centre for Transfer of Technology (APCTT)