“Nhà thờ họ nằm ở thôn Trung Thiên, tức là Làng Nội cũ, tên thường gọi Đình
Làng Nội là một đình làng nguyên sơ, nhà thờ họ Võ Nhân không phải ở đó, nơi đó chỉ tổ chức hội làng nhưng đa số người dân là người của họ Võ, chỉ có 2 GĐ trong hội làng là người của họ khác thôi. Sau năm 1945, vì nhà thờ cũ của họ bị đốt đi, do vậy họ Võ xin chính quyền được lấy đình làng làm nhà thờ. Đình làng tuy không rộng nhưng được cái cổ kính, ngày xưa làm nơi ở cho bộ đội sau này phát triển mới
xây dựng thành nhà thờ của DH Võ Nhân hiện nay” [PVS số 3, nam, 43 tuổi].
Khi đánh giá hiệu quả việc xây dựng, sửa chữa nhà thờ họ có 95,1% ý kiến người được hỏi cho rằng đạt hiệu quả và chỉ có 4,9% cho là bình thường.
Quan tâm đến DH của người được hỏi, đa số ý kiến đều cho rằng đây là công việc có ý nghĩa rất quan trọng như họ Đặng và họ Võ đều có 100,0% ý kiến; họ Trần (90,3%), họ Nguyễn (93,8%) và họ khác 93,7% đánh giá hiệu quả. Chỉ có 9,7% họ Trần và 6,2% họ Nguyễn và 6,3% các họ khác có đánh giá là bình thường. Như vậy, việc xây dựng, sửa chữa nhà thờ họ đều được đầu tư chu đáo nhưng có thể nói DH nào càng lớn thì việc đầu tư đạt hiệu quả càng cao hơn so với những họ khác. Như họ Trần có nhà thờ Trần Phúc Tuy được công nhận di tích lịch sử VH thì ý thức về việc gìn giữ tôn tạo sửa sang nhà thờ có sẵn trong niềm tự hào về chính nhà thờ của DH.
Quan tâm đến số thế hệ trong GĐ người được hỏi thì giữa các nhóm có sự thay đổi về ý kiến đánh giá. Ở nhóm GĐ 1 thế hệ có 17,6% cho rằng rất hiệu quả, 76,5% hiệu quả, 5,9% bình thường. Ở nhóm GĐ 2 thế hệ có 23,9% cho rằng rất hiệu quả, 70,6% hiệu quả, 5,5% bình thường. Ở nhóm GĐ 3 thế hệ có 29,8% cho rằng rất hiệu quả, 66,3% hiệu quả, 3,8% bình thường. Ở nhóm GĐ 4 thế hệ có 53,8% cho rằng rất hiệu quả, 38,5% hiệu quả, 7,7% bình thường. Việc xây dựng, sửa chữa nhà thờ họ được các DH quan tâm nhưng xét đến thế hệ trong GĐ, DH thì nhóm nhiều
thế hệ đánh giá hiệu quả cao hơn so với nhóm ít thế hệ và DH nào càng lâu đời, có bề dày truyền thống thì quy mô đầu tư xây dựng càng lớn và ngược lại.
Xây mới, sửa sang mồ mả tổ tiên
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và “sống vì mồ vì mả” nên đối với mỗi người dân Việt Nam phần mộ ông bà, tổ tiên luôn được coi trọng, chăm sóc chu đáo. Phần mộ là cõi thiêng, là nơi gìn giữ thể phách, kết tụ sinh khí tiên linh mà lòng người hướng tới. Ở Thiên Lộc, trong những năm qua cùng với việc xây dựng, sửa chữa nhà thờ họ thì việc xây mới, sửa sang mồ mả tổ tiên cũng được con cháu quan tâm. Theo kết quả nghiên cứu có 71,9% ý kiến người được hỏi đánh giá việc xây mới, sửa sang mồ mả đạt hiệu quả, 7,8% cho là bình thường và 0,4% đánh giá chưa hiệu quả.
Khi xét DH người được hỏi, đa số ý kiến cũng đánh giá hiệu quả công tác xây sửa chăm sóc mồ mả tổ tiên chu đáo, nhưng điều đáng chú ý là ở mức bình thường, họ Đặng có 3,6%, họ Võ có 4,9%, họ Trần có 9,7%, họ Nguyễn có 10,4% và các họ khác có 8,4%. Tuy tỷ lệ này không lớn nhưng điều này được lý giải do những ngôi mộ tổ của một số DH đến nay vẫn chưa được tìm thấy hoặc đánh dấu chính xác vị trí do chiến tranh đánh phá, có trường hợp “Có 4 ngôi mộ biết là của 4 vị đấy nhưng do chiến tranh đánh phá nên không biết vị nào thuộc ngôi mộ nào hết nên DH có xây sửa, cùng chăm sóc thờ chung chứ không có cách gì để biết được nên
vẫn còn áy náy lắm” [PVS số 5, nam, 58 tuổi].
Quan tâm đến độ tuổi, đa số các nhóm tuổi đều đánh giá cao công tác này của DH, nhưng nhóm tuổi 45 tuổi trở xuống có 28,0% đánh giá bình thường, 1,9% đánh giá chưa hiệu quả; nhóm tuổi từ 45 tuổi trở lên có 14,0% đánh giá bình thường và không có ý kiến nào đánh giá chưa hiệu quả. Nhóm tuổi càng cao thì mức đánh giá hiệu quả việc xây mới, sửa chữa mồ mả tổ tiên lớn hơn so với nhóm tuổi trẻ hơn vì chính nhóm người cao tuổi là nhóm quan tâm và phụ trách trực tiếp công việc này, với những tâm huyết đóng góp cho DH của nhóm người cao tuổi thì điều này là dễ hiểu.
Như vậy, việc xây mới, sửa sang mồ mả tổ tiên được các DH thực hiện tốt, không chỉ phù hợp với tâm linh của người dân Việt Nam mà còn phù hợp với quy hoạch chung của xây dựng nghĩa trang theo chương trình NTM. Từ đường và mộ tổ là hai công trình VH lớn của nhà, của họ, gia phả là tài sản quý nhất mà tổ tiên để lại cho con cháu. Nhiều GĐ DH còn có những hiện vật quý được coi là gia bảo mà
thời gian càng lùi xa càng khai thác sử dụng, hiệu quả GD càng cao... Như ở DH Nguyễn Duy còn lưu giữ được bức Đại tự “Ngũ đại đồng đường” còn được gọi là “Ngự tứ kim biên”, có nghĩa là “Biển vàng vua ban” do vua Minh Mệnh ban thưởng cho cụ Nguyễn Duy Phiên thuộc đời thứ 8 của DH và tại nhà thờ còn lưu giữ một tấm bia đá cổ có niên đại năm Tự Đức thứ 24 (1871) bằng chữ Hán. Trên đó, khắc ghi lại sự kiện DH này được vua ban bức biển vàng và truyền thống hiếu nghĩa của DH qua nhiều thế hệ [45, tr.1].
GD truyền thống, lịch sử của DH trở thành hoạt động có ý nghĩa quan trọng được DH thực hiện thường xuyên nhằm khơi dậy, nâng cao ý thức về DH cho con cháu.
2.1.3. Nâng cao ý thức tự quản của dòng họ
“GĐ, DH Việt Nam có tính cộng đồng và tính tự quản rất cao... Việc họ, việc nhà xưa nay đều do các họ, các nhà tự lo, tự liệu... Điều hành việc nhà là cha, điều hành việc họ là trưởng tộc... Đặc điểm này đã giúp các họ thực hiện nhiều công việc khó khăn một cách thuận lợi” [1, tr.73]. DH tại xã Thiên Lộc cũng thể hiện được tính tự quản cao với các việc làm cụ thể như: thành lập nên hội đồng gia tộc, xây dựng tộc ước, đề nghị chính quyền khen thưởng cho thành tích của DH và cá nhân xuất sắc và thái độ giữa người trong DH với nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Thành lập hội đồng gia tộc
Để giúp cho DH quản lý các công việc chung thì từ xưa đến nay họ nào cũng có hội đồng gia tộc với chức năng thực hiện các công việc quan trọng như phụng thờ tiên tổ, quản lý nhà thờ, giữ gìn phát huy nề nếp DH, chăm lo xây dựng gia phả, khuyến học khuyến tài... Trong thời kỳ xây dựng NTM, hội đồng gia tộc càng thể hiện được chức năng vốn có của mình. Hội đồng gia tộc gồm các thành viên có uy tín, là bậc cha chú trong DH nhiệt tình tận tâm với việc họ, được bầu ra thông qua các cuộc họp theo từng thời gian nhất định. Những người này là cầu nối giữa chính quyền địa phương và các thành viên trong DH.
Theo khảo sát, có 73,7% ý kiến người được hỏi đánh giá việc thành lập hội đồng gia tộc đạt hiệu quả, 19,8% đánh giá mức bình thường, 6,8% đánh giá chưa hiệu quả.
Quan tâm đến DH của người được hỏi, mức đánh giá đạt hiệu quả ở họ Đặng (82,1%), họ Võ (85,4%), họ Trần (74,2%), họ Nguyễn (70,8%) và các họ khác
(67,4%). Mức chưa hiệu quả chỉ có 1,1% ở các họ khác, còn các DH lớn không có ý kiến nào. Hội đồng gia tộc được thành lập ở các DH phụ thuộc vào quy mô, lịch sử DH khác nhau mà có hiệu quả thực hiện khác nhau. Những DH nhỏ thì hội đồng gia tộc còn khá mới mẻ nên hiệu quả thực hiện công việc trong họ vẫn còn tỷ lệ đánh giá chưa hiệu quả nhiều hơn so với các DH lớn là một điều dễ hiểu.
Quan tâm đến độ tuổi, đa số các nhóm tuổi đều đánh giá cao hiệu quả của việc thành lập hội đồng gia tộc nhưng đáng chú ý là nhóm từ 36 đến 45 tuổi có 34,3% đánh giá bình thường, 8,6% đánh giá chưa hiệu quả. Có thể lý giải điều này là do những người trong DH thuộc nhóm tuổi này thường là người đã có công việc ở ngoài XH ổn định, thậm chí bắt đầu có những vị trí XH nhất định, ít người vừa tham gia việc XH vừa có thời gian đảm nhận các chức vụ trong ban quản lý DH nên đánh giá hiệu quả công việc của họ cũng có cách nhìn nhận khác. Tuy nhiên, đánh giá mức chưa hiệu quả cao nhất lại thuộc nhóm trên 60 tuổi với 15,4% ý kiến người được hỏi. Có vẻ như có sự mâu thuẫn ở đây khi thành viên của hội đồng gia tộc chủ yếu là bậc cha chú, có uy tín trong DH mà lại đánh giá hoạt động quản lý này chưa hiệu quả? Trên thực tế, hội đồng gia tộc không phải đều là những người có năng lực quản lý, điều hành việc họ, những bậc cha chú thường đã lớn tuổi nên có nhiều hạn chế trong công việc chung của họ.
Tuy số lượng thành viên hội đồng gia tộc khác nhau (họ Đặng gồm có 5 người, họ Võ gồm 6 người, họ Nguyễn Duy gồm 7 người...) nhưng các họ đều có điểm chung là gồm có các chức vụ cơ bản sau: chủ tịch Hội đồng tộc họ, văn từ, kế toán kiêm thư ký, thủ bộ, người phụ trách khuyến học và tộc trưởng. Tùy vào quy mô DH mà có cách phân chia trách nhiệm khác nhau, mỗi họ mỗi nơi có cách gọi tên ban quản lý DH khác nhau nhưng đều có ý nghĩa như nhau – đảm nhận, phụ trách công việc chung của DH.
Thông tin định tính cũng cho thấy: