Tác động đến cơ cấu các ngành nghề

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế xã hội trung quốc (1571 1700) (Trang 77 - 80)

6. Kết cấu của luận văn

3.3. Tác động đến cơ cấu các ngành nghề

Trước thời kỳ bùng nổ thương mại, nền kinh tế của Trung Quốc cũng tương tự như các quốc gia phương Đông khác là một nền kinh tế chú trọng vào nông nghiệp. Tỉ lệ cư dân làm nghề nông luôn đạt mức cao trên tổng số dân của cả nước, sau đó mới là các ngành nghề khác. Tuy nhiên, sang đến thế kỉ XVI, cơ cấu các ngành nghề ở Trung Quốc đã có những biến đổi mạnh mẽ. Trên cơ sở bạc đóng vai trò là đồng tiền bản vị, kinh tế Trung Quốc thời kỳ này chuyển dịch trọng tâm là nông nghiệp sang nông nghiệp kết hợp thủ công nghiệp và thương nghiệp làm nền tảng.

Mục tiêu chủ yếu của quá trình chuyển dịch này là nhằm thu hút nguồn bạc từ khắp các thị trường trên thế giới. Từ đó, Trung Quốc đã sản xuất ra một khối lượng hàng hóa khổng lồ phục vụ xuất khẩu, tiêu biểu là tơ lụa, gốm sứ, giấy, chè…vốn là các mặt hàng mà những thương nhân phương Tây và Nhật Bản hướng đến vì chất lượng và danh tiếng của nó. Ước tính, từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 236 loại thương phẩm khác nhau trong đó có tới 137 loại thương phẩm là đồ thủ công nghiệp [52].

Ngay từ những thời kỳ đầu, tơ lụa luôn được đánh giá là một loại hàng hóa xa xỉ và được đón nhận trên khắp các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ khi các con thuyền buồm từ bờ bên kia đại dương đến và dừng chân ở Manila thì nghề sản xuất tơ và vải lụa của Trung Quốc mới thực sự nở rộ. Hay nói cách khác, “lụa chính là phương tiện chính mà từ đó bạc từ châu Mỹ và Nhật Bản có thể tìm được đường để xâm nhập vào Trung Quốc” [61, tr. 55]. Theo đó, một lượng lớn tơ lụa đã được sản xuất ra nhằm đáp ứng nhu cầu từ phía châu Mỹ, đặc biệt thời kỳ 1572 - 1588 có tới 95% tơ lụa Trung Quốc sản xuất ra theo chân các thương nhân qua Manila và được phân phối đến các thị trường khác trên thế giới. Chỉ tính riêng lượng hàng đưa về châu Mỹ trên tuyến thương mại Manila - Acapulco, có tới 63% hàng hóa nhập khẩu là tơ sống và lụa thành phẩm [54, tr. 107].

Thế kỉ XVII, sử gia người Bồ Đào Nha Bocarro đã ước lượng số tơ lụa mà Trung Quốc sản xuất hàng năm lên đến 36.000 - 37.000 picul (gần 2.500 tấn), trong đó, 1/3 tổng sản lượng tơ lụa trên được xuất khẩu đến các thị trường khác nhau như

Nhật Bản, Manila và Ấn Độ để đổi lấy bạc [61, tr. 54]. Thực tế, từ những năm 1390, chính quyền nhà Minh đã sớm ban hành các chính sách kích thích hoạt động sản xuất tơ lụa bằng cách giảm thuế đối với những nông dân sở hữu các ruộng trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, do tác động của bạc từ thế kỉ XVI, tơ sống cùng vải lụa thành phẩm chính thức là một sản phẩm chủ đạo trong nền kinh tế hàng hóa của Trung Quốc. Đặc biệt, cũng bắt đầu từ thời kỳ này Tô Châu trở thành một trung tâm sản xuất vải vóc, tơ lụa hàng đầu của Trung Quốc. Thậm chí cho đến ngày nay, Tô Châu vẫn được biết đến là một địa danh nổi tiếng với sản phẩm tơ lụa chất lượng cao [54, tr. 100 - 101]. Từ đó, các thương nhân Trung Quốc tận dụng những lợi thế về hàng hóa của mình để tiến hành giao dịch nhằm thu bạc về nước.

Các vùng trồng dâu tằm với quy mô lớn được hình thành và tập trung ở khu vực phía nam, quanh lưu vực các con sông như: Chiết Giang, Hàng Châu, Gia Hưng và những nơi khác [49]. Chỉ riêng Tô Châu, thời kỳ đầu nơi đây chỉ là một vùng đất thưa người chỉ khoảng từ 50 đến 60 hộ dân sinh sống. Nhưng sang đến các giai đoạn sau, nghề dệt đã phổ biến rộng rãi cho phép các lái buôn tới thu gom với số lượng lớn đem đến Manila cùng các thị trường khác để đổi lấy bạc. Đến thời Vạn Lịch (1573 - 1620), Tô Châu trở thành một trung tâm sản xuất tơ lụa hàng đầu cả nước. Trong Tỉnh thế Hằng Ngôn, Phùng Mộng Long có ghi lại về địa danh Tô Châu: “Nơi đây dân cư đông đúc, con người thuần phác đều lấy nghề dệt làm nghề chính. Bất kể đàn ông hay đàn bà đều ngày ngày tham gia dệt vải, nhuộm vải. Hai bên bờ sông đều có nơi buôn bán tơ lụa ước tính đến trăm ngàn hộ… thương nhân bốn phương xa gần đến đây đông đúc không còn chỗ chen chân” [49].

Sang thời Thanh, quy mô các xưởng dệt của nhà nước đã được mở rộng gấp 4 lần so với trước đây: từ 173 khung cửi lên 800 khung cửi, lượng nhân công từ 540 lên tới 2.330 người. Vào năm 1685, ở Trung Quốc có 3 xưởng dệt lớn của nhà nước đều được đặt ở Hàng Châu, Tô Châu và Nam Kinh với số lượng guồng quay sợi lên đến con số 1.863 và hơn 7.000 thợ. Bên cạnh đó, một lực lượng sản xuất tơ lụa quan trọng cần phải được đề cập đó là những xưởng dệt tư nhân mang tính chất gia tộc. Những xưởng này tập trung ở các vùng sản xuất vải lụa nổi tiếng như Hàng Châu,

Nam Kinh, Tô Châu… Một phần bởi quá trình sản xuất tơ lụa đều đòi hỏi những công đoạn phức tạp, bao gồm nhiều khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ…trong mỗi phần lại đòi hỏi số lượng nhân công tập trung lớn, trung bình cần khoảng 2.000 người với hơn 600 guồng quay sợi trong một xưởng [61, tr. 54]. Điều này là trở ngại lớn đối với những xưởng dệt hoàng gia có quy mô lớn nhưng lại là lợi thế đối với các xưởng dệt tư nhân. Với quy mô nhỏ, dễ dàng huy động nhân lực, sử dụng guồng quay sợi bằng tay và có kĩ thuật sản xuất mang tính gia truyền, những sản phẩm được làm ra từ các hộ, gia tộc thường đẹp và có giá rẻ hơn. Như vậy, hoạt động sản xuất tơ lụa để buôn bán nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền nhà Minh.

Ngoài các vùng chuyên về dâu tằm, xe sợi, khu vực ven tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang còn là những trung tâm trồng cây chàm - loại cây phổ biến để nhuộm vải. Vào thế kỉ XVII, chỉ riêng vùng phía Đông Phúc Kiến đã có hơn 1.000 hộ dân trồng cây chàm thay vì cây lúa hoặc những loại hình cây lương thực khác, nguyên nhân chính là do lợi nhuận mà loại cây trồng này đem lại cao gấp hai lần so với cây lúa [83, tr. 201 - 202]. Ngoài ra, những khu vực trồng trọt các loại cây phi lương thực như: bông ở Giang Nam, Trương Châu, Thái Thương, Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc; cây dâu tằm ở Vu Tô, Tứ Xuyên, Bảo Ninh, cây hoa quả (nhãn lồng, vải thiều, mía đường) ở Phúc Kiến, Quảng Đông; thuốc lá ở Thiểm Tây, Phúc Kiến...cũng xuất hiện trong thời kỳ này [49]. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Chuan Hang Sheng, sự nở rộ về quy mô và lượng thành phẩm trong ngành sản xuất tơ lụa, vải vóc của Trung Quốc là một hiện tượng không thể bỏ qua nhất là khi thời điểm khi cuộc Cách mạng kỹ thuật của người châu Âu vẫn chưa xuất hiện [54, tr. 100].

Hơn thế nữa, các ngành thủ công nghiệp khác đồng thời phát triển và dự nhập nhanh chóng trong tuyến thương mại giữa Manila và Trung Quốc như ngành sản xuất gốm sứ, rèn sắt, đóng thuyền… Đối với nghề gốm, bên cạnh trung tâm về tơ lụa Tô Châu thì gốm sứ Cảnh Đức Trấn là một sản phẩm mang tính phổ biến trên khắp các thị trường khu vực và thế giới. Người châu Âu luôn đặc biệt coi trọng các mặt hàng gốm sứ đến từ Trung Hoa bởi chất lượng và có lợi nhuận cao giống như tơ lụa. Thậm chí vào cuối thế kỉ XVI, gốm sứ Cảnh Đức Trấn còn được ưa chuộng tới

nỗi vua Philip II đã trưng bày hơn 3.000 sản phẩm gốm trong kho tàng của mình [6, tr. 58]. Không những vậy, trên một số cốc sứ Trung Hoa còn xuất hiện hình trên đồng tiền peso của Tây Ban Nha. Như vậy, tương tự như tơ lụa, nghề gốm dần dần chuyển hóa thành một ngành sản xuất có tính chuyên môn hóa cao nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi lấy đồng bạc với người phương Tây của người Trung Quốc.

Trong nghề rèn, thế kỉ XVII cũng xuất hiện những chuyển biến đáng kể như: lượng lao động đông đảo lên tới hàng trăm người trong một cơ sở sản xuất cùng sự phân hóa rõ rệt các công đoạn sản xuất từ khai thác quặng sắt, nung chảy quặng hoặc trực tiếp chế tác từ sắt thành các loại nông cụ, công cụ… Sự phân chia tách bạch giữa thợ cả và lực lượng phụ tá không còn rõ ràng như trước mà thay vào đó, một “hệ thống phân xưởng với một số lượng lớn nhân công đã ra đời” [83, tr. 201].

Về cơ cấu ngành nghề, việc phát triển hoạt động thương mại của Trung Quốc sau năm 1567 đã có những tác động rõ rệt. Các nhóm thương nhân hoạt động trong tuyến thương mại bạc có xu hướng ngày càng lớn mạnh bởi họ sở hữu nguồn của cải lớn. Đa số những thương nhân này đều là những người đến từ các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông… vốn là những nơi có mối liên hệ thường xuyên với Manila, Macao cùng các trung tâm buôn bán khác trong khu vực Đông Nam Á. Các phường hội lớn được biết đến trên những tỉnh khác nhau của Trung Quốc như Phúc Kiến, Giang Tô, Động Đình, Chiết Giang, Hà Nam… giúp phân phối hàng hóa rộng khắp từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ và đặc biệt, đem bạc thâm nhập vào các thị trường nằm sâu trong nội địa [49]. Bên cạnh đó, lực lượng nhân công làm việc trong các ngành liên quan đến hoạt động hải thương ngày càng phát triển và lớn mạnh và ngày càng xuất hiện nhiều nghề dịch vụ mới như: người trung gian, thông dịch viên, vận chuyển hàng... Nguồn thu nhập của những người này chủ yếu dựa trên việc buôn bán bạc với bên ngoài, do đó, đa phần họ thường hoạt động tập trung tại các khu vực phía Đông Nam Trung Quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế xã hội trung quốc (1571 1700) (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)