6. Kết cấu của luận văn
3.5. Tác động đến sự phân hóa đời sống xã hội
Xã hội Trung Quốc trong thời kì “bùng nổ thương mại” đã có những biến động đáng kể diễn ra tập trung quanh khu vực sông Dương Tử và các tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động buôn bán, sự giàu có thịnh vượng của các cảng thị, các trung tâm sản xuất hàng hóa đã kéo theo sự xuất hiện của những yếu tố mới bên trong xã hội Trung Quốc. Một trong số đó chính là xu hướng đô thị hóa đã xuất hiện tại các trung tâm mậu dịch lớn như: Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông… Đầu thế kỉ XVII, trong hệ thống quản lí hành chính của triều đình nhà Minh có tới hơn 1400 làng mạc, thị trấn. Đặc biệt, quy mô các làng có sự khác biệt rõ rệt khi một bên là các làng quy mô nhỏ trung bình từ 10 đến 50 hộ dân tập trung tại khu vực phía bắc trong khi các làng, trấn quy mô lớn với lượng dân cư đông đúc trên dưới 100.000 người tập trung ở phía nam [92, tr. 750 - 751]. Tại mỗi làng đều có các chợ là nơi tụ họp của những thương nhân từ xa đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Ở những làng, trấn tập trung nhiều cư dân sinh sống hoạt động giao thương phát triển mạnh với các cơ sở buôn bán, hàng quán, cơ sở sản xuất thương phẩm… [92, tr. 755]. Có thể nói, dưới sức hút của hoạt động ngoại thương trong đó có buôn bán, trao đổi hàng hóa, bạc quy mô làng xã của Trung Quốc thời kỳ này cũng có những biến đổi đáng kể.
Bên cạnh đó, cuối thời Minh, quá trình tích hợp các thị tứ vào trong hệ thống phân tầng của nhà nước đã kéo theo một lượng lớn cư dân tập trung và sinh sống [82, tr. 560]. Dựa trên tỉ lệ cư dân trên một thành thị (có số dân ít nhất là 10.000 người) thì tại Trung Quốc từ năm 1500 tỉ lệ dân cư thành thị mới chỉ chiếm 4,9% so với toàn bộ dân số cả nước, sang tới năm 1700 con số đó đã tăng tới 6%.24 Chỉ tính riêng Bắc Kinh và Nam Kinh là hai thủ phủ kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất của Trung Quốc đã có tới hơn 1 triệu cư dân sinh sống vào đầu thế kỉ XVII. Không những thế, các trung tâm thương mại khác thuộc Phúc Kiến, Quảng Đông có tới nửa triệu người và nhiều nơi có số dân trên dưới 100.000 [92, tr. 763]. Ngoài ra, một lượng lớn cư dân “thành thị” đã xuất hiện với nguồn sống chủ đạo thay vì dựa vào các ngành nông nghiệp truyền thống thì nay là các hoạt động thương mại trong đó có buôn bán bạc với bên ngoài [30, tr. 224]. Họ giữ vai trò quan trọng trong các ngành dịch vụ thương mại, trao đổi với bên ngoài… những thành phần lao động chuyên sản xuất hàng hóa, chế tạo phương tiện thuyền bè, thủy thủ, lực lượng môi giới trung gian giữa các vùng kinh tế, thành phần dịch vụ chuyên nghiệp trong các thành phố… đã tập trung tại các thành phố, cảng thị và những thị trấn lớn, thậm chí có nhiều khu chợ được mở rộng thành một mạng lưới rộng khắp.
Về mặt văn hóa, những quan điểm và nhận thức về tầng lớp thương nhân không còn bị bó hẹp trong đạo Khổng. Tầng lớp thương nhân có thế mạnh kinh tế dần nắm giữ vị thế quan trọng trong xã hội đặc biệt là vùng kinh tế phía Đông Nam Trung Quốc. Bằng các hoạt động buôn bán bạc, các Hoa thương không còn bị nhận định là tầng lớp “con buôn” thấp kém mà đã nắm những vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều người sở hữu khối tài sản giàu có thậm chí có tầm ảnh hưởng đến quá trình vận hành kinh tế của cả một vùng [49]. Không những vậy, thông qua các mối liên hôn với giới chính trị, một số người còn có tiếng nói riêng so với giới Nho học quan chức lúc bấy giờ. Trên cơ sở đó, các quan điểm về giới thương nhân không còn bó hẹp trong đạo Khổng mà dần dần đã trở thành một trong bốn nền tảng
24 Cần phải lưu ý rằng, tỉ lệ này được tính trên cơ sở số dân thành thị trên tống số dân cư cả nước, vì vậy từ 1500 đến 1700 song song với tốc độ tăng dân số hơn 200.000.000 người vào cuối thế kỉ XVII, thì lượng những người sinh sống ở các thành thị chiếm một con số không hề nhỏ [45, tr, 26].
cơ bản của đời sống xã hội Trung Quốc [92, tr. 768 - 769]. Xu hướng chuyển đổi ngành nghề từ làm nông nghiệp sang làm công thương nghiệp cũng lan tỏa rộng rãi trong dân gian. Lượng dân cư du thực đến các trấn lớn là trung tâm buôn bán của khu vực ngày càng lớn. Hơn nữa, điều đó cho thấy một thực tế là vào thời kì này ý thức về phát triển thương mại, mậu dịch trên biển đã thực sự chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế bởi đây là con đường duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ về bạc của Trung Quốc.
Quá trình phân hóa giàu và nghèo cũng diễn ra khá gay gắt trong xã hội Trung Quốc thế kỉ XVI - XVII. Những thương nhân trở nên giàu có từ việc buôn bán bạc với Manila đều có cuộc sống vô cùng xa xỉ, sung túc. Họ nắm trong tay những của cải lớn. Phong cách sống đặc biệt là trong các cư dân thành phố có sự thay đổi, họ luôn cố gắng “thể hiện sự giàu sang của mình thông qua việc cho xây dựng những tòa nhà bằng gỗ lớn, xung quanh là những khu vườn rộng mênh mông” [91, tr. 151]. Tuy nhiên trong thực tế, lượng người có cuộc sống sang trọng này chiếm tỉ lệ vô cùng thấp. Một nguyên nhân cơ bản đó là do những chính sách thuế khóa ngặt nghèo của triều đình Trung Quốc đối với cư dân trên toàn bộ lãnh thổ. Trong khi mỗi năm, cư dân tại các cảng thị phía nam tiếp nhận hàng trăm tấn bạc đổ vào thị trường và luôn sẵn sàng chi trả các khoản thuế một cách nhanh chóng thì những cư dân vùng Đông Bắc của Trung Quốc lại khó có thể khai thác bất kỳ nguồn bạc nào để đóng thuế. Họ bắt buộc phải tận dụng lượng lương thực nghèo nàn của mình để thay thế cho các khoản thuế bạc. Vào những năm mất mùa, thuế bạc trở thành một gánh nặng vượt quá khả năng chi trả của người dân.
Đặc biệt, càng vào thời gian cuối thời Minh “Trong 100 người thì chỉ có một người là thực sự giàu có, 9 phần 10 là những người bị bần cùng hóa. Những người này không có khả năng làm giàu cho bản thân, ngược lại với những gì đáng phải xảy ra, càng ít có sự kiểm soát và điều tiết thì lại càng có nhiều trường hợp như vậy xảy ra. Bạc và đồng có vẻ như đã thâm nhập lên cả thiên đàng và địa ngục” [111, tr. 30]. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng trở phổ biến trong giới quan lại những năm 1640 - 1650 cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân hóa gay gắt trong xã hội
[49]. Thập niên 1640, dưới ảnh hưởng của hàng loạt các thiên tai nghiêm trọng, nguồn lương thực trở nên vô cùng khan hiếm cộng thêm chính sách thuế khóa nặng nề đã dẫn tới những cuộc khởi nghĩa nông dân bắt đầu từ các tỉnh phía bắc. Những mâu thuẫn không được giải quyết từ kinh tế đã kéo theo sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ xã hội Trung Quốc thời Minh. Chỉ khi sang đến những năm cuối thế kỉ XVII, sau nhiều cố gắng của chính quyền nhà Thanh nhằm phục hồi lại hoạt động sản xuất tơ lụa, gốm sứ, mở rộng canh tác trồng trọt, thì tình trạng phân hóa này mới tạm thời lắng dịu.