Dòng bạc Tân Thế giới đến thị trường Trung Quốc (1571 1640)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế xã hội trung quốc (1571 1700) (Trang 42 - 54)

6. Kết cấu của luận văn

2.1. Nguồn bạc Tân Thế giới vào Trung Quốc (1571 1640)

2.1.2. Dòng bạc Tân Thế giới đến thị trường Trung Quốc (1571 1640)

Phần lớn nguồn bạc Tân Thế giới sau khi chảy về Manila trên các con thuyền xuất phát từ Acapulco không bao giờ đọng lại quần đảo Philippine mà tiếp tục đi theo những con thuyền khác để vào các thị trường phương Đông. Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng quan trọng và được trông mong nhất không gì khác ngoài bạc. Như đã đề cập trong chương 1, từ giữa thời Minh cho đến cuối thời Thanh, bạc là loại hình tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế, thậm chí cho tới năm 1930, mặc dù thị trường Trung Quốc đã chuyển hình thức tiêu dùng bằng loại tiền khác thì đồng

peso của Mexico vẫn tiếp tục được lưu hành ở một vài cảng thị [57, tr. 33].

Vào cuối thế kỉ XVI, tỉ giá giữa bạc và vàng ở Trung Quốc đã cao gấp đôi so với những thị trường khác trên thế giới khiến cho việc buôn bán bạc thời kỳ này đem đến nguồn lợi nhuận khổng lồ. Bạc nhanh chóng trở thành một trong những loại hình tiền tệ và hàng hóa được tìm kiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, nguồn cung bạc

15 Hiện, con số chính xác có bao nhiêu bạc đã được chở đến Manila vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu, nhưng ta có thể xác định rằng lượng bạc trung bình tới Manila giai đoạn 1580-1640 là 15 tấn một năm, tổng cộng có khoảng hơn 3.000 tấn bạc đến Manila và tới Trung Quốc. Channu cho rằng, chỉ khoảng 25% bạc Tân Thế Giới trên các con thuyền galleon đến Philippine, nhưng thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều. Theo Reid, lượng bạc trong thời kỳ thương mại bùng nổ từ Tân Thế Giới đổ vào thị trường châu Á là trung bình 20 tấn một năm [66, tr. 143-149].

ít ỏi trong khi nhu cầu sử dụng ngày một lớn đã dẫn đến hiện tượng chênh lệch cán cân thương mại ở Trung Quốc [62, tr. 87 - 88]. Hàng hóa xuất khẩu ở Trung Quốc thời gian này chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công (tơ lụa, gốm sứ, giấy…) với mục đích duy nhất và tập trung nhất vào việc trao đổi bạc. Thế kỉ XVI - XVII, Duarte Gomes de Solis - một thương nhân người Bồ Đào Nha đã nhận xét rằng: “Loại tiền dùng để thanh toán chủ yếu cho các mặt hàng đến từ Trung Hoa chỉ có đồng bạc 8 real (peso), những người này từ chối được trả bằng vàng hay tiền đồng và không mang loại hàng nào khác về nước mình [Trung Quốc] ngoài đồng bạc” [53, tr. 851].

Tính từ năm 1565, thời gian khi De Legaspi bắt đầu công cuộc chinh phục Philippine và xây dựng thành phố Manila, những đoàn thuyền của người Trung Quốc đã có mặt trên bờ biển của các đảo để buôn bán. Đến năm 1576, Hoa thương thường xuyên cập bến Manila để thu mua bạc. Lượng bạc lớn có chất lượng cao được đưa đều đặn từ châu Mỹ là mục tiêu chính của các nhà buôn Trung Quốc. Vào thời gian này, thông qua trung gian là những thương nhân Hồi giáo ở Cebu, các thuyền từ các cảng thị phía nam chủ yếu là từ Quảng Châu, Phúc Kiến… đã đến Luzon. Đặc biệt, số người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến luôn là lực lượng chiếm tỉ lệ cao nhất trong các chuyến đi từ Trung Quốc đến Manila [50]. Ban đầu, các hoạt động trao đổi, kết nối mạng lưới buôn bán giữa người Tây Ban Nha và Hoa thương đều phải thông qua các thương nhân người Hồi. Họ trở thành cầu nối giữa người Tây Ban Nha với những thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và thị trường Đông Nam Á. Và có thể cho rằng, những thành công trong 50 năm đầu tiên của thực dân Tây Ban Nha có được đều phải biết ơn đến sự có mặt của người Hồi giáo [6, tr. 62].

Bên cạnh dòng bạc từ Nhật Bản, người Trung Quốc nhận thấy một lượng lớn bạc được tập trung ở Manila. Bạc trắng đã kích thích hoạt động thương mại của họ và thúc đẩy những thương nhân đặc biệt là những thương nhân đến từ các cảng thị Áo Môn, Ninh Ba, Quảng Đông, Chương Châu… của Trung Quốc đến với Manila để trao đổi và buôn bán. Năm 1604, một viên quan từ Phúc Kiến viết: “Dân Chương

Châu nghe rằng nơi đó [Manila] có rất nhiều bạc trắng. Những thương nhân ở đó lúc nào cũng sẵn sàng thu mua hàng hóa của chúng ta với giá cao và chỉ dùng bạc để chi trả cho chúng ta. Vì thế, chúng ta nên tiếp tục đến đó để buôn bán và thu bạc về”. Trong Đông Dương Tây Khảo (quyển thứ 7) có phần nhắc đến Luzon: “Vùng đất Lữ Tống [Luzon] thuộc vùng Đông Dương không sản xuất ra được thứ gì. Bọn Man di ở đó chỉ biết lợi dụng đồng bạc để buôn bán…” [108, tr. 6]. Đồng thời, một người Trung Quốc là Hà Kiều Viễn người Phúc Kiến vào năm 1626 ghi lại: “Ở phía Đông Nam Hải, có đảo Lữ Tống [Luzon] với những người Phật Lang Cơ [Tây Ban Nha] sinh sống trên đó. Ở nước họ có hàng vạn ngọn núi bạc, do đó, họ khai thác và đúc ra được những đồng bạc trắng lóa. Khi chúng ta [người Trung Quốc] tới Tây dương [Đông Dương, Ấn Độ] buôn bán người ta chỉ đổi hàng hóa của chúng ta với những thứ hàng ở nơi khác tới. Trong khi ở Lữ Tống, họ duy chỉ dùng đồng bạc để mua hàng. Một trăm cân tơ sợi Tô Châu có thể bán được từ 200 đến 300 lạng ở đó. Hơn nữa, sứ Cảnh Đức Trấn cũng như đường và hoa quả từ Phúc Kiến cũng được họ thu mua bằng hết” [69, tr. 127]. Do đó, trong một thời gian dài, những thương nhân thuộc các tỉnh ở ven biển phía đông nam Trung Quốc có mối quan hệ, giao lưu buôn bán chặt chẽ với Manila đều gọi những con thuyền lớn hàng năm chở bạc từ châu Mỹ đến Manila là những con “thuyền bạc” (Silver Ship).

Không chỉ vậy, về phía những nhà buôn châu Âu, năm 1637 và 1638 tu sĩ Sebastian Manrique khi nhận xét về vùng đất Luzon đã thốt lên rằng: “Nơi đây có rất nhiều hòn đảo nằm gần với Trung Quốc… nó có tất thảy những gì mà con người hằng ao ước về những điều tốt đẹp và sang giàu. Nhưng niềm hạnh phúc này lại không phải phát sinh từ chính hòn đảo Luzon mà thực chất, nó phải hàm ơn từ những cuộc sinh nở từ các mỏ [bạc] ở Tân Thế giới. Bạc được sản xuất và được đem đến Manila dưới hình dạng những đồng real tròn trịa, mùi của nó làm những người Sangley16 hoặc người Trung Quốc phải thèm khát tìm đến… khi buôn bán ở Manila,

16 Sangley hoặc shengla là thuật ngữ của người Tây Ban Nha dùng để chỉ những thương nhân Trung Hoa hoạt động buôn bán trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Có khá nhiều phiên bản triết tự của từ này, trong đó, phổ biến nhất là cách giải thích Sangley tức là: sang = sháng (商-Thương) và ley = lai (来-lai, đến) nghĩa là các Thương nhân (Trung Quốc) đến buôn bán [93], [98].

họ thường hay nói một câu châm ngôn từ nước họ bằng thứ tiếng Tây Ban Nha ngọng nghịu: Bạc là máu” [6, tr. 59]. Tương tự, một ghi chép của nhân viên thuộc công ty Đông Ấn Anh (EIC) năm 1636 khẳng định: “Bạc chính là một phần máu thịt trong nền kinh tế của họ [Trung Quốc]” [109, tr. 71]. Năm 1609, một bức thư của Antonio de Morga có nhắc đến tình hình buôn bán bạc với người Trung Quốc ở Manila: “Việc buôn bán hàng hóa của Trung Quốc đều được tính bằng bạc, người Sangley [thương nhân Trung Quốc] không muốn được trả bằng vàng hay các loại hình tiền tệ khác, họ nói rằng sẽ không mang về bất kì thứ gì chỉ trừ bạc” [53, tr. 283]. Bản tấu khác được gửi vào ngày 17/06/1568 đến vua Philip II có nội dung rằng: “Một lượng lớn bạc được mang tới đây [Manila] để trao đổi với họ [Trung Quốc]. Mặc dù một phần của số tiền đó được giữ lại tại quần đảo [Philippine] nhưng hầu như tất cả những phần còn lại đều bị mang đi ra khỏi đảo bởi người Trung Quốc, những người tới đây từ đất liền để bán hàng hóa của mình” [53, tr. 284].

Có thể nói, cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, phần lớn số bạc từ châu Mỹ đến Manila hầu như đều chảy về Trung Quốc. Hoạt động buôn bán diễn ra thịnh vượng nhất vào những năm 1620 khi có trung bình hơn 50 tấn bạc đi qua Manila và tuôn vào thị trường Trung Quốc. Đối với cả người Tây Ban Nha và Trung Quốc, bạc chính là chủ thể chính, là mạch máu nuôi sống toàn bộ lực lượng thương nhân. Thậm chí một người Tây Ban Nha ở Philippine đã thốt lên rằng: “Hoàng đế Trung Hoa hẳn có thể xây dựng nguyên một tòa cung điện bằng số bạc từ Peru đưa đến”! [31, tr. 74]. Trên cơ sở đó, dòng bạc chảy từ Acapulco đến Manila đã góp phần mở ra một thời kì bùng nổ của các hoạt động mậu dịch trên biển Đông Á vào thế kỉ XVII.

Từ sau khi gỡ bỏ một phần chính sách Hải Cấm, trong những năm đầu tiên đã có một lượng thuyền không nhỏ đến Luzon để buôn bán. Với tính chất là một tuyến thương mại cố định dựa trên chế độ hoạt động của gió mùa trong khu vực [3, tr. 22]. Hàng năm, thuyền Trung Quốc đến Manila vào khoảng giữa tháng 12 và ở tại đó cho đến hết tháng 5. Vào năm 1567 - khi mới bắt đầu mở cửa - có khoảng 50 chiếc thuyền từ Trung Quốc được cấp phép xuôi về các cảng thị trong khu vực Đông Nam Á và lên tới 117 chiếc vào năm 1597 [96, tr. 463]. Một nửa trong số đó đã đến buôn

bán ở Manila. Ước tính giai đoạn 1577 - 1644 đã có tới 1.088 thuyền Trung Quốc đến Manila để buôn bán và trao đổi hàng hóa [84, tr. 213].

Biểu đồ 2.2 cho thấy, xuyên suốt thời gian từ 1574 đến 1645, lượng thuyền đến Luzon thay đổi theo từng thời kì nhất định. Có những giai đoạn, trung bình một năm thuyền Trung Quốc đến Manila lên tới 40 đến 50 chiếc, đặc biệt là vào các năm 1580, 1629, 1631. Thậm chí, trong thời kỳ đỉnh cao là năm 1626, đã có tới 100 thuyền Trung Quốc cập bến. Mỗi thuyền có thể vận chuyển đi tới 250 đến 300 vạn

lạng bạc trắng về nước để thu mua tơ lụa và năm sau lại quay lại Manila buôn bán

[40, tr. 14].Tuy nhiên, cũng có năm số thuyền giảm mạnh chỉ khoảng 11 đến 12 chiếc như vào năm 1589, 13 chiếc vào năm 1604, 7 chiếc vào năm 1607 và 3 chiếc vào năm 1643.

Biểu đồ 2.2: Số thuyền Trung Quốc đến Manila (1574-1645)

Nguồn: a: con số 100 thuyền có thể hiểu là tổng số thuyền Trung Quốc đến Manila bao gồm thuyền từ các cảng phía Nam, Macao, Đài Loan và các địa điểm khác trong khu vực Đông Nam Á.

Biểu đồ được thể hiện trên cơ sở tính toán từ số liệu trong: Lý Kim Minh (cb.) (1990), Minh đại hải ngoại mậu dịch sử, Nxb. KHXH Trung Hoa, pp. 121, và Glahn, Richard Von (1996), Foutain of Fortune: Money and Monetary Policy in China, 1000 - 1700, Berkeley and Los Angeles: University of California Press,pp. 120. 6 13 45 0 27 30 30 11 25 28 50 14 13 18 35 7 35 100 a 40 50 30 40 40 33 30 78 34 3 12 14 0 20 40 60 80 100 120 1574 1580 1584 1588 1591 1599 1604 1606 1621 1629 1633 1635 1639 1641 1643 1645 Số thuyền

Tình trạng không ổn định của các thương thuyền đến Manila đều là hệ quả của những tình hình biến động bên trong Trung Quốc hoặc do lượng bạc từ châu Mỹ đến Philippine năm đó giảm mạnh. Tuy nhiên cũng có trường hợp lượng thuyền suy giảm bắt nguồn từ các trục trặc trong quan hệ ngoại giao giữa Manila và triều đình nhà Minh. Ví dụ như năm 1603, do mâu thuẫn chính trị giữa hai quốc gia khiến một số người Trung Quốc ở Philippine bị trục xuất khỏi Manila hay một cuộc thảm sát hơn 20.000 người Trung Quốc ở Manila diễn ra vào năm 1639. Sự kiện này đã dẫn tới hệ quả, số thuyền Trung Quốc đến Philippine chỉ đếm trên đầu ngón tay ở các năm sau đó. Như vậy, việc buôn bán bạc giữa chính quyền Tây Ban Nha tại Philippine với các thương nhân Trung Quốc luôn trải qua những thăng trầm nhất định. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là sự thay đổi trong các chính sách cai trị với mục đích kiểm soát toàn diện nền kinh tế ngoại thương của thực dân Tây Ban Nha trước những áp lực mà người Trung Quốc đưa đến. Tuy nhiên, khi so sánh với lợi ích và sự sống còn của thuộc địa Philippine, các nỗ lực trấn áp hoạt động kinh doanh cũng như cản trở sự phát triển trong mối giao thương giữa Trung Quốc với Manila đều nhanh chóng đi đến thất bại. Không những vậy, dưới sức hút của đồng bạc cũng như nhu cầu ngày một tăng cao trong việc thu mua bạc Tân Thế giới, lưu lượng thuyền từ khu vực duyên hải đông nam Trung Hoa đến Manila ngày một lớn.

Cho tới nay, chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định cụ thể đã có bao nhiêu bạc Tân Thế giớichảy vào Trung Quốc. Tuy nhiên, so với dòng bạc Nhật Bản vào Trung Quốc lúc bấy giờ thì bạc Tân Thế giới chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Theo Anthony Reid, thập niên 1570 đến 1630, thương mại khu vực chứng kiến sự lan tỏa mạnh mẽ của đồng bạc Tây Ban Nha. Ở khắp các cảng thị, những thương nhân từ người Trung Quốc, người Anh, người Hà Lan khi thu mua hàng hóa ở quần đảo Indonesia hầu như đều lựa chọn phương thức giao dịch bằng peso 8 real hơn là các loại tiền khác [99, tr. 22]. Theo báo cáo của Toàn quyền Pedro de Rojas ở Philippine vào năm 1586, các thương thuyền Trung Quốc đã đem đi hơn 500.000

peso về chính quốc. Những năm tiếp theo, con số này tiếp tục tăng lên từ 800.000 đến hơn 1.000.000 peso trong thập niên 1590 [69, tr. 135]. Xu hướng tăng liên tục

là chủ đạo và đỉnh điểm vào năm 1604, với khoảng 2.5 đến 3 triệu pesochảy vào nội địa Trung Quốc. Và chỉ từ sau thập niên 1630, khi hoạt động khai thác bạc ở Tân Thế giới bắt đầu giảm thì lượng bạc về Trung Quốc theo đó mới thấp hơn. Ngoài ra, theo nhiều nhà nghiên cứu, số bạc từ Manila chảy về thị trường Trung Quốc nhiều khả năng lớnhơn rất nhiềubởi một thực tế, trong suốt giai đoạn phát triển nhất của hoạt động thương mại Manila - Trung Quốc, có tới 50% đến 90% thương nhân Bồ Đào Nha không chịu báo cáo lượng hàng hóa chính xác tới chính quyền Tây Ban Nha cũng như hoạt động buôn lậu diễn thường xuyên diễn ra trong nhóm các Hoa thương ở Manila [69, tr. 138].

Bảng 2.2: Lượng bạc nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua Manila

Năm Tổng lượng bạc (peso)

Trước 1586 300.000 1586 500.000 (+) Trước 1598 800.000 - 1.000.000 (+) Trước 1602 2.000.000 1604 2.500.000 - 3.000.000 Trước 1633 2.000.000

Nguồn:Chuan Hang - Sheng (1997), “Trade between China, the Philippines and the Americas during the Sixteenth and Seventeenth centuries”, in Metals and Monies in an Emerging Global Economy (Ed. Dennis O. Flynn and Arturo Giraldez), New York: Variorum Press, pp. 285.

Từ mối quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, nguồn thuế thương mại đã đảm bảo nuôi sống toàn bộ chính quyền cai trị tại Manila. Trong báo cáo của Pedro de Rosa đầu thế kỉ XVII, số thuế thu được từ các thương thuyền Trung Quốc chiếm tới 91.5% tổng số thuế thu được trên các thuyền tới Manila,tương đương 130 vạn peso

[87, tr. 188]. Năm 1582, chính quyền Tây Ban Nha áp dụng chế độ “thuế ba phần” (3%) lên toàn bộ hàng hóa được chở trên các thuyền đến từ Trung Quốc. Tới năm 1606, thuế đánh riêng lên các thuyền từ Trung Quốc đến Manila tăng lên 6% trong khi thuế đối với các thuyền từ khu vực khác vẫn là 3% [3, tr. 31]. Đối với các tàu

Bồ Đào Nha đăng ký buôn bán giữa Macao và Manila thu mua bạc và tơ lụa thì thuế lên tới 14% [69, tr. 123].

Trong nhiều báo cáo của các đời Toàn quyền ở Philippine, việc duy trì hoạt động buôn bán với Trung Quốc là một trong những mục tiêu hàng đầu. Thí dụ, năm 1621, sự kiện thuyền galleon Almirante bị đắm ngoài khơi Thái Bình Dương khi đang trên đường đem bạc tới Manila dẫn tới “sự mất mát khủng khiếp đối với cả Thành phố”, theo nhận định của Toàn quyền Philippine lúc bấy giờ - Del Silva, là do không có bạc để buôn bán với người Trung Quốc.17 Trong những giai đoạn sau,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế xã hội trung quốc (1571 1700) (Trang 42 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)