2.1.3 .Những chính sách phát triển đúng đắn của chính quyền Thâm Quyến
4.2. Đôi điều suy nghĩ về Việt Nam
Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương phát triển các loại hình khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế ven biển như một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Năm 1997, tại Hội nghị TW 4 (khóa VIII) của BCHTƯ ĐCS Việt Nam, ý tưởng về việc xây dựng các khu kinh tế ở Việt Nam đã được đề xuất theo hướng nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện. Từ đó đến nay, chúng ta đã xây dựng và có quyết định thành lập hơn 100 khu công nghiệp và khu chế xuất, hơn 60 khu kinh tế cửa khẩu [32]. Năm 2003 quyết định thành lập khu Chu Lai và đến năm 2005 mới có thêm các khu khác như Dung Quất (tháng 3/2005), khu kinh tế Vân Phong (tháng 3 năm 2005) và khu kinh tế Qui Nhơn (tháng 7 năm 2005) [33]… Cho đến nay đã 12 năm kể từ khi có chủ trương nhưng những nhà lãnh đạo các đặc khu ở trung ương và địa phương dường như vẫn còn đang trăn trở để tìm ra lối đi bởi lẽ không phải thành lập đặc khu đã là xong. Vào đúng thời điểm Trung Quốc thành lập đặc khu Thâm Quyến thì chúng ta cũng đã thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Chỉ có khác là Thâm Quyến đã phát triển từ một thị trấn đánh cá với không đầy 100 nghìn dân trở thành một thành phố thuộc hàng hiện đại với khoảng 10 triệu dân (tính đến năm 2009), còn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo đến năm 1991 đã lặng lẽ quay trở lại với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bình thường như mọi địa phương khác [33]. Cho đến nay, tại Việt Nam người ta nghe nhắc nhiều đến khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do, khu kinh tế cửa khẩu hay khu kinh tế ven biển … rất nhiều và tràn lan nhưng những thành tựu mà các khu
kinh tế này đem lại thực sự chưa có điểm nhấn cũng như chưa có gì nổi bật, thậm chí còn bộc lộ rõ những thiếu sót yếu kém
trong quản lý, đường lối và phương thức phát triển.
Ví dụ về khu kinh tế Dung Quất sau khi chuyển từ mô hình khu công nghiệp sang hoạt động theo mô hình khu kinh tế vào tháng 3 năm 2005, với trọng tâm phát triển công nghiệp lọc dầu – hóa dầu – hóa chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn bao gồm công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai, đô thị công nghiệp dịch vụ Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi… Năm 2009, khu kinh tế Dung Quất có công nghiệp vươn lên chiếm tỷ trọng 45 – 46% GDP của tỉnh Quảng Ngãi, cho tới năm 2010 Dung Quất đã có 111 dự án đầu tư với vốn đăng ký hơn 7,6 tỷ USD vốn thực hiện hơn 4,1 tỷ USD [57]. Tuy nhiên, khu kinh tế Dung Quất càng phát triển thì càng bộc lộ những bất cập trong quản lý hành chính. Đó là sự chồng chéo trong quản lý hành chính giữa Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi nhưng không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề hành chính và chính quyền các xã, huyện thuộc khu kinh tế Dung Quất. Ban quản lý chỉ chú ý tập trung nguồn vốn được phân cho các mục tiêu của khu kinh tế theo hướng phục vụ các nhà đầu tư mà không không chăm lo hay hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp nông thôn trong khu kinh tế do chính quyền địa phương quản lý nên bộc lộ sự mất cân đối nghiêm trọng thể hiện qua những hình ảnh trái ngược nhau ngay trong lòng một khu kinh tế đang thành công: Một bên là nhà máy hiện đại, bề thế với hệ thống hạ tầng khang trang còn một bên là các xóm dân cư có phần nghèo khó, lụp xụp. Chính vì vậy cần phải có sự thay đổi và thống nhất lại trong quản lý hành chính mới mong khu kinh tế Dung Quất phát triển ổn định và bền vững…
Trở lại với bức tranh phát triển kinh tế của Trung Quốc người ta không thể không nói đến các đặc khu kinh tế. Đây là hạt nhân cho sự phát triển thần kỳ của vùng ven biển miền Đông, xét về tất cả các mặt như công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập và đầu tư, tạo công ăn việc làm và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Với hàng loạt thành tựu đáng được ngưỡng mộ, Thâm Quyến đã trở thành điểm sáng mà bất cứ quốc gia nào đang phát triển cũng muốn đến tìm hiểu và học hỏi về đường lối cùng các chính sách phát triển. Việt Nam chúng ta học hỏi được những gì từ “hàng xóm” Trung Quốc?
* Một là phải đề ra được những quyết sách mang tính đột phá. Việt
Nam đã thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển và trở thành nước có thu nhập trung bình. Nhưng để vươn lên hàng các quốc gia phát triển, Việt Nam cần phải tính tới những giải pháp đột phá. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy tập trung xây dựng các đặc khu kinh tế chính là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng vì không phải mọi đặc khu kinh tế trên thế giới đều thành công (Ấn Độ, Philippines đã chứng kiến những thí điểm không thành công mà lý do là đã không đề ra được những quyết sách mang tính đột phá). Hãy nhìn khi đặc khu Thâm Quyến ra đời, chính phủ đã cho phép người nước ngoài đầu tư vào hạ tầng để kinh doanh thu phí. Đối với chúng ta hiện nay, điều này là rất bình thường nhưng vào thời điểm 30 năm trước đây quyết định này được mô tả là “kinh thiên động địa” bởi sự nhạy cảm về chính trị của nó. Chỉ có dám nghĩ dám làm, táo bạo, thử nghiệm cộng với sự lãnh đạo sáng suốt của các nhà lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình thì Trung Quốc mới thành công với hàng loạt các đặc khu như thế. Chính vì vậy, dám xông lên, dám thử nghiệm chính là một kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc, cũng là động lực to lớn trong công cuộc cải cách mở cửa. Việt Nam cần phải
học hỏi Trung Quốc ở tinh thần này, không sợ sệt, không lưỡng lự, phải dứt khoát và táo bạo mới có thể có những đột phá và dẫn đến thành công.
* Hai là phải lựa chọn đúng thời điểm và địa điểm cho các đặc khu.
Theo quan điểm marketing thì Trung Quốc đã chọn đúng “thiên thời địa lợi nhân hoà” tốt nhất để thực hiện những đặc khu đầu tiên. Thâm Quyến là điểm gần nhất đến Hồng Kông, Chu Hải ngay cạnh Ma Cao, Hạ Môn là điểm gần nhất đến Đài Loan, Sán Đầu là nơi tập trung nhiều Hoa Kiều với mật độ cao nhất. Trong đó Hồng Kông và Đài Loan là đối tượng lý tưởng về nguồn vốn, công nghệ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh. Bên cạnh đó là ưu thế về khả năng giao tiếp do bốn khu vực Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và Đại lục có chung nguồn gốc văn hoá, đồng nhất về ngôn ngữ. Tuy không nằm kề những khu vực có lợi thế về vốn và công nghệ như 4 đặc khu nói trên nhưng đặc khu kinh tế Hải Nam lại nằm trọn trên một tỉnh, với vị trí biển đảo hết sức thuận tiện cho quá trình giao lưu kinh tế với nước ngoài và mở rộng hoạt động du lịch, dịch vụ quốc tế. Đó chính là những điều kiện trời phú cho Trung Quốc không chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng đặc khu kinh tế mà còn là trong toàn bộ công cuộc cải cách và mở cửa. Thâm Quyến là vùng đất sình lầy được Trung Quốc lựa chọn làm đặc khu kinh tế đầu tiên và không lâu sau đã gặt hái được những thành tựu rực rỡ, trở thành đầu tầu kinh tế cho các khu vực nội địa khác học hỏi vươn theo.
Cho đến nay, hơn 80% buôn bán của thế giới vẫn phải vận tải bằng đường biển, do đó nếu như khu kinh tế càng xa biển, xa đường hàng hải quốc tế thì càng kém lợi thế. Việt Nam may mắn là quốc gia có mạng lưới giao thông đường thuỷ rộng lớn và thuận tiện bởi nước ta có đường bờ biển chạy suốt chiều dài đất nước. Ngoài ra, khu kinh tế còn phải gần các trung tâm kinh tế, dịch vụ, văn hóa phát triển vì đây sẽ là chỗ dựa bước đầu của các khu kinh
tế nên nếu Việt Nam lựa chọn được đúng đắn sẽ góp phần thành công. Ở Việt Nam hiện nay có 4 trục địa lý được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đó là: Tp. Hồ Chí Minh – Bình Dương - Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu; Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Hưng Yên – Hải Phòng – Quảng Ninh; Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa; Huế - Đà Nẵng khai thông với Lào và Thái Lan [59]. Chúng ta có thể tham khảo để lựa chọn xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế trên 4 trục địa lý này. Thêm một ưu thế nữa của Việt Nam khi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đó là khoảng cách giữa các vùng kinh tế lại không quá xa vì diện tích đất nước hẹp, đây cũng là ưu thế của Việt Nam nếu xây dựng những mô hình tương tự đặc khu kinh tế, nó sẽ trở thành cầu nối để hỗ trợ và lôi kéo các vùng kinh tế khác, ngược lại các vùng kinh tế bên ngoài đặc khu cũng sẽ tiện lợi bổ sung nguồn lực khi cần thiết góp phần nâng cao thế mạnh của đặc khu.
* Ba là bài học về xác định rõ ý nghĩa và chức năng của việc thành lập
các đặc khu kinh tế qua đó mới có hướng đi và chiến lược cho phù hợp. Khi bắt đầu bước vào cải cách mở cửa từ cuối những năm 70, Trung Quốc vấp phải rất nhiều khó khăn. Đầu tiên đó là nguồn vốn để phát triển, thứ hai là khoa học kỹ thuật lạc hậu, thứ ba là vấn đề củng cố tinh thần cho những người dân Trung Quốc sau hàng nhiều thập kỷ sống trong gian khổ, họ chưa có đủ niềm tin vào một tương lai tươi sáng… Lúc này đây điều mà các nhà cầm quyền nghĩ đến đầu tiên là phải mở cửa để giao lưu học hỏi, phải mở cửa để thu hút vốn và khoa học kỹ thuật từ các nước tiên tiến bên ngoài, phải mở cửa để cho Trung Quốc biết mình là ai, mình đang đứng ở vị trí nào qua đó mà học hỏi và có ý thức vươn lên. Trung Quốc lựa chọn những vùng ven biển để tiến hành thí điểm trước vì chỉ có ven biển thì thông thương mới được dễ dàng thuận tiện. Phân tích được những điều này, Trung Quốc bắt đầu cho “ra
lò” một số đặc khu kinh tế đầu tiên, chức năng cơ bản của các đặc khu này một lần nữa được nhấn mạnh đó là “cửa sổ thu hút vốn, công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, vừa là cầu nối giữa các vùng kinh tế nội địa với thế giới trong hoạt động kinh tế thương mại. Bên cạnh đó đặc khu kinh tế còn có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ, lôi kéo các vùng kinh tế kém phát triển hơn cùng tiến bộ tức là vừa đóng vai trò đầu tầu vừa đóng vai trò tấm gương cho các vùng kém phát triển khác noi theo”. Việc xác định rõ chức năng và vai trò của đặc khu kinh tế đã giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc định ra những chính sách, biện pháp xây dựng, vận hành đặc khu một cách đúng đắn và hiệu quả. Đây là mối quan hệ hết sức biện chứng, khoa học, cũng chính là nguyên nhân tạo nên thành công của các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc trong đó nổi bật là Thâm Quyến [3, tr. 174].
* Bốn là ngoài yếu tố địa lý, tiêu chí về thể chế và hành chính cũng có ý
nghĩa sống còn đối với việc xây dựng các khu kinh tế. Chính phủ cần tạo lập
những thể chế hành chính và kinh tế hiện đại vượt trội tại một số khu vực theo hướng giảm thiểu tối đa sự can thiệp của Nhà nước, phát huy hiệu quả nhất tác động của thị trường, trao quyền kinh tế đầy đủ cho tất cả các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy sở dĩ đặc khu kinh tế Thâm Quyến thành công như vậy là do chính quyền và các xí nghiệp trong đặc khu được giao quyền tự chủ lớn hơn trong việc hoạch định chương trình, kế hoạch phát triển và vận hành khu vực kinh tế của mình. Cơ chế tự chủ là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho đặc khu phát huy tối đa tính sáng tạo, linh hoạt và chủ động, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ máy quản lý đặc khu cũng cần gọn nhẹ và khoa học, cần phải có thực quyền và chủ động điều hành tiến trình phát triển kinh tế nếu như
không muốn sảy ra các vấn đề rắc rối kìm hãm sự phát triển, kinh nghiệm từ khu kinh tế Dung Quất đã cho ta thấy rõ điều này.
Song song với việc thực hiện cơ chế quản lý và hoạt động mới, Trung Quốc còn áp dụng hệ thống chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đặc khu nhất là trong lĩnh vực thuế, tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản. Những chính sách đó vừa giúp các đơn vị kinh tế trong đặc khu giảm bớt khó khăn về tài chính, vừa tạo sức hấp dẫn và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư ở đặc khu [3, tr. 176]. Các khu kinh tế của Việt Nam mặc dù cơ chế và chính sách đã thoáng hơn song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhu cầu thu hút đầu tư và cũng chưa có sự ưu đãi vượt trội nào thực sự hấp dẫn.
* Năm là nhà nước ta cần phải tạo ra được những đầu tầu kinh tế như Thâm Quyến tức là chuyển dần từ các ngành nghề truyền thống sang các
ngành công nghệ cao bằng nguồn vốn huy động trong và ngoài nước. Việt
Nam là một quốc gia đang phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật còn yếu kém, phải mở cửa toàn diện để thu hút vốn đầu tư và khoa học kỹ thuật từ bên ngoài thì ta mới có cơ hội đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao cũng như các khu công nghệ cao, qua đó nền kinh tế mới có thể khởi sắc. Các đặc khu kinh tế của ta muốn có chiến lược ưu tiên đặc biệt vào phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao trước hết hãy học hỏi và tranh thủ quan hệ hợp tác với láng giềng Thâm Quyến. Trước đây khi Thâm Quyến bước vào xây dựng cũng phải dựa vào Hồng Kông khi đó đang muốn chuyển giao công nghệ. Còn giờ đây đến lượt Thâm Quyến đang trong quá trình chuyển giao công nghệ và Việt Nam ta là một trong những điểm đến của Thâm Quyến. Chúng ta phải tăng cường hợp tác trao đổi để qua đó có được mô hình phát triển kinh tế hợp lý. Việt Nam có thể xuất sang Thâm Quyến các mặt hàng nông sản, nguyên liệu thô như long nhãn tươi, cao su …và ngược lại nhập
khẩu từ Thâm Quyến các mặt hàng máy móc, hoá chất, đồ bảo hộ lao động. Ngoài ra, do Thâm Quyến là một cảng lớn có lượng trung chuyển container đứng thứ 4 thế giới nên cũng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp vận tải hai nước và thuận lợi cho hàng xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam sang Thâm Quyến. Trong những năm gần đây, quan hệ buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Thâm Quyến không ngừng được gia tăng nhưng cán cân xuất khẩu vẫn nghiêng về Thâm Quyến. Hi vọng trong những năm tới, Việt Nam và Thâm Quyến sẽ có mối quan hệ hợp tác toàn diện góp phần đem lại lợi ích cho cả hai bên.