1.2.1 .Khái quát về đặc khu kinh tế Thâm Quyến
2. 1 Những cơ sở đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế ở Thâm Quyến
2.1.1 Điều kiện và ưu thế xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến
Trung ương và chính quyền tỉnh Quảng Đông đã quyết định lựa chọn và xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên tại Thâm Quyến bởi Thâm Quyến sẵn có những đặc điểm và ưu thế riêng biệt, có những điều kiện trời phú để xây dựng một đặc khu kinh tế:
Thứ nhất, Thâm Quyến có ưu thế về vị trí địa lý để phát triển kinh tế ra
bên ngoài. Trước kia, Thâm Quyến là Huyện Bảo An thuộc Thành phố Hải Tân. Thâm Quyến nằm về phía Nam tỉnh Quảng Đông, bờ Đông cửa sông Châu Giang; phía Đông giáp với vịnh Địa Nghiệp và Đại Bằng; phía Tây giáp với cửa sông Châu Giang và biển Linh Đinh; phía Nam giáp với sông Thâm Quyến và Hồng Kông; phía Bắc giáp với 2 thành phố Đông Hoàn và Huệ Châu, tựa lưng vào một vùng đất nội địa rộng lớn. Thâm Quyến quả thực rất có ưu thế về vị trí địa lý vì vậy trong lịch sử có tên gọi là “cửa ngõ, tiền tiêu tỉnh Quảng Đông” [30, tr. 25]. Đồng thời, Thâm Quyến nằm giữa vòng tuần hoàn kinh tế Thái Bình Dương từ Nhật Bản, Hàn Quốc qua Đài Loan, Hồng Kông đến Singapore, có địa vị đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc tế, là cửa khẩu quan trọng nối thông Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Thâm Quyến là sợi dây buộc chặt và là cầu nối giữa Hồng Kông và Trung Quốc lục địa, là khu vực giao thông quan trọng của miền duyên hải Hoa Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đến Thâm Quyến đầu tư xây dựng công xưởng sẽ thuận tiện hơn đến các khu vực khác, mặt khác có thể giảm các chi phí vận chuyển, giảm chi phí giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, vừa có thể dùng Thâm Quyến làm bàn đạp tiến sâu vào Trung Quốc lục địa. Hơn nữa Thâm Quyến có thể lợi dụng tuyến vận chuyển
hàng hải quốc tế Tây Thái Bình Dương để đưa hàng hoá vào thị trường Hồng Kông, Đông Nam Á và thế giới.
Thứ hai, do tiếp giáp với Hồng Kông nên việc giao lưu giữa cảng Thâm
Quyến và cảng Hồng Kông vô cùng thuận tiện. Khi Trung Quốc xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến thì Hồng Kông đã là nền kinh tế tương đối phát triển. Do vậy mà Thâm Quyến có thể thu hút được vốn và kỹ thuật tiên tiến từ Hồng Kông. Hồng Kông được coi là một trung tâm tài chính và vận chuyển có tầm quốc tế. Chính vì vậy qua Hồng Kông, Thâm Quyến có thể tiếp cận đối tác quốc tế, quảng bá hình ảnh. Mặt khác, sự ra đời của đặc khu kinh tế Thâm Quyến đúng vào lúc nền kinh tế của Hồng Kông đang bước vào giai đoạn chuyển dịch từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghệ kỹ thuật cao nên Thâm Quyến đã có cơ hội được Hồng Kông lựa chọn làm địa bàn cho quá trình chuyển giao đó. Thâm Quyến và Hồng Kông núi liền núi sông liền sông, là địa điểm giao lưu thuận tiện nhất giữa Hồng Kông và Trung Quốc lục địa. Biên giới đường bộ của cảng Thâm Quyến và Hồng Kông là 27,5 km, biên giới trên biển là 209 km [30, tr. 25]. Việc vận chuyển hàng hoá, hành khách, giao lưu tiền tệ giữa hai cảng đều diễn ra hết sức thuận tiện. Mặc dù trong quá khứ hai khu vực này thuộc về hai chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau nhưng nhân dân hai bên đều cùng uống chung nước một dòng sông, cùng nói một tiếng địa phương, tập tục giống nhau, huyết thống tương đồng, việc giao lưu chưa từng bị đứt đoạn. Bao nhiêu năm qua, rất nhiều nông dân Thâm Quyến đã đến Hồng Kông làm nông nghiệp, sản phẩm của họ bán trực tiếp cho thị trường Hồng Kông. Sau khi nước Trung Hoa mới thành lập, cửa ngõ biên giới Thâm Quyến luôn giữ mối quan hệ giao lưu mật thiết với Hồng Kông. Cho nên, khi Thâm Quyến xây dựng đặc khu kinh tế đã vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Hồng Kông đến Thâm Quyến đầu tư
nhà xưởng và phát triển sự nghiệp lại có thể thu hút vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Thâm Quyến chính là điểm hội tụ giữa Hồng Kông và văn minh phương Tây, vị trí địa lý ưu việt và môi trường thuận lợi của nó là mảnh đất lý tưởng cho cuộc cách mạng thí điểm cải cách mở cửa ra bên ngoài.
Thứ ba, nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú. Thâm
Quyến nằm trên tuyến đường biển quốc tế, vùng biển rộng lớn của Thâm Quyến nối liền biển Nam Hải và Thái Bình Dương, ba mặt giáp biển, cửa ngõ phía Tây là cửa sông Chu Giang, phía Tây Nam là Biển Linh Đinh, phía Đông là vịnh Đại Nghiệp, phía Đông Nam là vịnh Đại Bằng, chiều dài đường biển
tổng cộng 229,96 km, nguồn tài nguyên bờ biển phong phú, nhiều cảng vịnh,
có thể xây dựng cảng nước sâu ở rất nhiều nơi, dễ dàng nối thông với biển bên ngoài. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển mô hình kinh tế hướng ngoại và xây dựng thành phố cảng mang tính quốc tế của
Thâm Quyến. Diện tích đất liền của Thâm Quyến là 1.953 km2, xấp xỉ 2 lần
Hồng Kông, diện tích có thể phát triển là 150 km2. Khí hậu Thâm Quyến ôn
hoà, mùa đông không giá rét, mùa hè không khô hạn, tràn đầy ánh sáng,
lượng mưa vừa đủ, nhiệt độ trung bình năm là 22,40C, nằm trong vùng khí
hậu biển cận nhiệt đới và có một nguồn tài nguyên sản vật tương đối phong phú, không chỉ đủ để cung cấp cho thị trường bản địa mà còn xuất khẩu sang Hồng Kông, Ma Cao và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời Thâm Quyến còn là một quê hương quan trọng của kiều bào tỉnh Quảng Đông. Về dân số, Thâm Quyến có gần 400 nghìn người hiện đang sống ở Hồng Kông, Ma Cao, ngoài ra còn có khoảng 300 nghìn người sống ở nước ngoài [30, tr.26].